Nói trẻ hóa bởi những “tên tuổi” đó một thời chủ yếu kết người già, chí ít cũng cỡ sồn sồn, đàn ông mãn dục, đàn bà mãn kinh trở đi. Đơn giản vì chúng cần thời gian chiêu binh mãi mã, leo cao chui sâu, và quan trọng là đợi lúc cơ thể lão hóa thì tước khí giới sức kháng cự của nạn nhân...
Do… thời thế
...Nay vì cớ gì khiến những kẻ chuyên hiếp kẻ thế cô lại trở quẻ nhảy xổ ra tấn công nam thanh nữ tú trẻ người đẹp da?
Câu trả lời lại đơn giản: thời thế đổi thay, bệnh tật cũng biết chạy nước rút, đốt cháy giai đoạn… Ngày nay con em chúng ta hơn hẳn cha ông. Từ thuở còn nằm nôi cao to dần lên đã phải nếm đủ mùi ô trọc, từ sữa melamine, đồ chơi phthalate, nước tương 3-MCPD, thịt tắm hàn the, rau tưới thuốc trừ sâu, rượu gạo công nghiệp...
Bệnh không chỉ vào từ miệng, chúng còn chui qua mũi (ô nhiễm), qua tai (tiếng ồn), không chừng vào đủ “thất khiếu” mà ta không biết. Lối sống tiện nghi không dây, không động tới móng tay là kẻ xách động mỡ máu, đường huyết làm loạn…
Kinh tế khấm khá, bữa cơm nhiều thịt cá hơn thời tem phiếu chưa mừng đã lo, bởi nó lại là kẻ xúi bẫy bệnh tật. Tiểu đường typ 2 với hỗn danh “kẻ giết người thầm lặng thế kỷ 21” (giết người mà thầm lặng khó đỡ hơn đám vừa chém vừa la) phần nào bị chạy mặt các quốc gia tốp đầu, để chuyển sang các nước chớm giàu, thoát nghèo...
Cơ chế bệnh sinh của loại “tiểu đường thực dân” này cũng dễ hiểu: sự chuyển đổi từ “tương cà là gia bản” sang “cao lương mỹ vị” đường đột khiến tụy tạng, insulin, chuyển hóa tế bào của nhiều thành phần kinh tế theo không kịp tình hình, sinh nhiễu loạn…
Thời thế còn giúp bổ sung gia phả cho tập đoàn bệnh tật. Y học bắt đầu dò la thế hệ đái tháo đường typ 3 với cán cờ được trao vào tay đại dịch toàn cầu: stress. Nếu quả loại tiểu đường No 3 này được ký giấy khai sinh thì khỏi nói số đối tượng nguy cơ sẽ “đông như quân Nguyên”, không trừ kẻ ốm - người mập, chân dài - chân ngắn, độc thân hay đã yên bề gia thất…
Nói về xì-trét thì người trẻ có vẻ hơn hẳn các cụ với cả gánh công danh, sự nghiệp, “một vợ, hai con, ba tầng, bốn bánh”, giao thông bát nháo, bão trước lụt sau, chém trước cướp sau, quẹt xe một phát là người nhập viện kẻ băng đầu…
“Việc gì phải xoắn?”
Đã có đủ cơ sở tin rằng bệnh tật đang “bỏ qua thời kỳ quá độ” nhắm thẳng giới trẻ. Vậy những người trẻ phải làm gì trước tình hình “giặc ngấp nghé ngoài bờ cõi”? Đáng tiếc đa số câu trả lời là: “Việc gì phải xoắn?!”.
Với rất nhiều vị 8X, 9X trở đi thì bệnh chủ quan “bệnh nó chừa mình ra” còn nặng nề, trầm trọng hơn nanh vuốt tiểu đường, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... nhiều! Không gì lạ nếu được hỏi không ít nam thanh nữ tú sẽ phẩy tay mà rằng: Mấy cái bệnh í, nếu có chuyển hướng cũng chỉ đến với mấy anh, mấy chị ăn ngủ buông tuồng, tiệc tùng thâu đêm, kiếp trước ở ác, đánh vợ đập con, tham nhũng, cân điêu bán thiếu gì gì đó, còn tớ đây ở hiền gặp lành, rượu chỉ đôi ba ly, tiệc chỉ đôi ba lượt, 9 giờ tối là có mặt ở nhà, mình mẩy còm nhom thì bệnh sao đặng mà bệnh?
Nhân tiện tôi cũng xin cảnh báo thêm, bệnh không chỉ trẻ hóa mà còn ngày càng “nghèo hóa”, “gầy hóa”, tiếp tục phá vỡ kinh điển. Không khó nhìn thấy những người bệnh tiểu đường body mảnh khảnh, dưới BMI chuẩn cả tấc; những cô cậu đầu xanh vô tội với bia bọt, ít tham gia các “cuộc vui suốt sáng trận cười thâu đêm” lại bị rối loạn lipit, huyết áp cao; những bệnh nhân xương khớp mặt búng ra sữa, gia đình sa vào tình cảnh trớ trêu: ông, bà, cháu cùng là thân chủ của ông bác sĩ xương, khớp…
Không gì xấu hổ nếu bạn trẻ mà mắc (hoặc dọa mắc) bệnh người già bởi đơn giản bệnh tật cũng “đổi mới tư duy”, dựa vào sức trẻ. Nếu bạn cho rằng mình là người trẻ năng động với thời đại thì đừng quên cập nhật khoản sức khỏe, kẻo tụt hậu với bệnh tật của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận