02/12/2015 14:27 GMT+7

Người trẻ có lợi thế gì từ cộng đồng ASEAN?

THU ANH
THU ANH

TTO - Ngày 31-12-2015, cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời. So với một cộng đồng già dặn hơn ở châu Âu, cộng đồng ASEAN với những người trẻ có những lợi thế gì và học hỏi được gì từ EU?

Nhiều thành viên ASEAN đang kêu gọi đoàn kết cao hơn trong khối để thống nhất giải quyết các vấn đề - Ảnh: Reuters

So với cộng đồng ASEAN, Liên minh châu Âu (EU) hình thành sớm từ những năm 1950 với Hiệp ước Rome đem các dân tộc ở châu Âu lại gần nhau hơn bao giờ hết.

Vào năm 1997, Hiệp ước Amsterdam tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của công dân các nước thành viên thông qua việc giới thiệu khái niệm công dân của liên minh. Khái niệm công dân EU ra đời từ đây.

Bất kỳ ai mang quốc tịch của một nước thành viên đều được coi là công dân EU. Tuy nhiên, quy chế công dân EU chỉ được thêm vào chứ không thay thế quy chế công dân của nước đó. 

Cùng dỡ bỏ rào cản

Trong một lần trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Alistair Ross, giáo sư ngành giáo dục công dân châu Âu, chương trình Jean Monnet, giáo sư danh dự đại học thành phố London (Anh), cho rằng tuy EU và cộng đồng chung ASEAN được thành lập với những mục đích khác nhau nhưng có những kinh nghiệm có thể học tập được từ nhau.

Giáo sư Ross nói: “EU thành lập sau những hỗn loạn và thảm họa từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Cộng đồng này được thành lập để ngăn chặn khả năng một cuộc chiến tranh nữa xảy ra. Họ đã sử dụng các cấu trúc kinh tế và xã hội thay vì chỉ sử dụng các hiệp ước trong quá khứ vốn không phát huy tác dụng”.

Còn Cộng đồng chung ASEAN, theo ông, lại được thành lập với mục đích khác. Ông cho rằng cộng đồng này được thiết kế để hợp tác và thành công về mặt kinh tế cùng nhau chứ không phải để ngăn chặn chiến tranh. Điểm khác nữa ở ASEAN là các nước không có mức độ phát triển đồng đều. 

“Nhưng về định hướng và mục tiêu của cả hai cộng đồng hiện nay, theo tôi, là rất giống nhau trên phương diện hợp tác cùng nhau, dỡ bỏ rào cản giữa người dân các nước cũng như thương mại, đi lại và hiểu biết lẫn nhau. Họ cũng có cơ hội để thấy các giá trị, những cơ hội được chia sẻ với các nước láng giềng” - ông nhận xét. 

Như vậy so với EU khi xưa, cộng đồng chung ASEAN hiện nay có những lợi thế nào? Giáo sư Ross cho rằng lợi thế lớn nhất mà ASEAN có là tỉ lệ người trẻ. “Tôi ước khoảng 35% hoặc hơn người trẻ ở ASEAN dưới 20 tuổi. Ở châu Âu tỉ lệ này là dưới 20%. Với rất nhiều người trẻ ấy, họ đang học hỏi, đang thấy những vận hội phía trước, những thuận lợi trong làm việc cùng nhau. Tôi thấy đó là một lợi thế rất mạnh mẽ” -  ông nhận định. 

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra bất lợi mà khu vực chúng ta đang đối mặt là ASEAN ít thịnh vượng hơn các nước châu Âu. Ông nói: “Chúng tôi có nhiều nguồn lực hơn để tạo cú hích giữa các nước. Ví dụ như trong chương trình trao đổi giới trẻ và sinh viên. Chi phí ở đây là vấn đề. Chúng tôi có thể trang trải các chi phí đó dễ dàng. Đối với các nước ASEAN điều này khó trong việc phát triển các chương trình trao đổi con người”. 

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nước ASEAN thời gian qua chưa làm tốt việc quảng bá thông tin và tạo nhận thức về cộng đồng chung. Nhiều người trẻ vẫn chưa hiểu nhiều về cộng đồng sắp thành lập. Đây có phải là điểm bất lợi? 

Giáo sư Ross cho rằng các nước ASEAN nên quảng bá rộng rãi về lợi thế của cộng đồng chung cho người dân của họ. “Điều này quan trọng và nên làm. Điều này cũng khó khi bạn không thấy được những lợi thế trực tiếp mà người dân quan tâm. Họ càng thấy được những lợi thế thì họ sẽ càng thấy được giá trị của nó. Điều đó sẽ mất thời gian và ở châu Âu cũng thế” - ông cho hay. 

Bản sắc ASEAN

Về vấn đề một bản sắc chung của cộng đồng ASEAN, một số người sẽ cho rằng họ tự hào về các giá trị truyền thống, văn hóa và dân tộc của họ hơn là có một bản sắc ASEAN chung. 

Ông Ross nhìn nhận vấn đề theo hướng khác: “Có một điều quan trọng cần nhớ rằng ở đây không có sự thay thế bằng một cái gì khác. Bạn vẫn có thể giữ lại giá trị, truyền thống và văn hóa riêng của mình". 

Ông giải thích: "Bạn sẽ không mất gì cả khi là thành viên của cộng đồng. Ở đây bạn sẽ thêm vào bản sắc chứ không phải thay thế những gì mình đang có. Bạn vẫn có thể là người Việt Nam nhưng cũng có thể nghĩ rằng bạn là một công dân ASEAN và một công dân toàn cầu. Bạn vẫn thuộc về những nơi này và bạn không mất gì cả”. 

Mời bạn đọc  để đặt câu hỏi tham gia giao lưu trực tuyến "?" diễn ra trên Tuổi Trẻ Online lúc 9g sáng thứ năm 3-12-2015.

Khách mời của chúng tôi là những chuyên gia cấp cao của Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về những vấn đề liên quan đến nội dung này.

 

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên