Nhắc thì chắc có người nhớ đến anh: Ðức Thịnh - diễn viên của sân khấu IDECAF, TP.HCM.
Phóng to |
Đức Thịnh - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ðức Thịnh được gắn với biệt danh "người tốt" từ Hiệp - vai diễn chính kịch trong Người tốt nhà số 5 của Lưu Quang Vũ, gây ấn tượng mạnh mẽ với báo giới và khán giả năm 2004. Mười năm trong nghề, "người tốt" ấy bây giờ chưa già nhưng không còn trẻ nữa, anh đã góp phần vào thành công diễn xuất của nhiều "ngôi sao" trên màn ảnh truyền hình và phim nhựa. Còn số phận của anh với sân khấu kịch thì nhạt nhòa trong tình cảnh sân khấu không mấy chuộng chính kịch như bây giờ.
Sau thế hệ của Hương Giang, Minh Trí, Hoàng Trinh..., vào những năm 2000 Idecaf tiếp nhận lớp diễn viên mới: Ðức Thịnh, Ðại Nghĩa, Thanh Vân... Qua những vở như Tiếng vạc sành, Kẻ ghét đời, Lão Ớt... người ta thấy bên cạnh dàn diễn viên thành danh, đã lóe sáng một thế hệ trẻ trung và đầy sức sống, trong đó Ðức Thịnh được đặt vào vị trí kép của chính kịch.
Với Người tốt nhà số 5, Hãy yêu nhau đi... khán giả và cả những người trong nghề đều dành nhiều thiện cảm, đánh giá cao tiềm năng và chờ đợi những vai diễn tiếp theo của anh. Vào thời đó Thịnh nhận được nhiều lời mời tham gia phim truyền hình, nhưng anh đã từ chối vì tôn trọng nguyên tắc chung của sân khấu. Anh đầu tư cho sự nghiệp kịch nói của mình một cách toàn tâm toàn ý.
Ðáp lại mười năm dùi mài với nghề của anh là thực trạng chính kịch... chìm nghỉm giữa thời kịch hài lấn sân. Giật mình nhìn lại thấy xung quanh đồng nghiệp đã chạy show tán loạn, vừa diễn kịch nói vừa đóng phim truyền hình để kiếm tiền... Ðức Thịnh biết mình đã muộn rồi. Có "thức thời" một chút anh cũng chỉ kịp tham gia lồng tiếng phim và làm MC truyền hình, tiếp tục nuôi giấc mộng dài...
Cách đây hơn một năm, vào thời Bỗng dưng muốn khóc đang nóng sốt đỉnh điểm, có bài báo nhắc đến Ðức Thịnh với tựa đề "Người nói thay Lương Mạnh Hải". Và chuyện chẳng biết nên vui hay buồn với một diễn viên mười năm gắn bó với sân khấu như anh: có lần ra đường một khán giả đến xin chữ ký, hồn nhiên hỏi: "Có phải anh là người lồng tiếng...?".
Tôi không còn trẻ và cũng... kém đẹp
* Bao lâu rồi anh không còn được nhận vai chính nữa?
- Chắc cũng phải hơn hai năm.
* Anh có biết vì sao không?
- Vì tôi không còn trẻ và cũng kém đẹp so với diễn viên bây giờ (cười). Và chắc có lẽ vì không hợp vai, tôi mong mình đã nghĩ đúng!
Nhưng vai chính để làm gì tôi cũng chẳng biết nữa? Ngày xưa, vai chính trong một vở kịch hay sẽ làm nhân vật, diễn viên và cả vở được khán giả nhớ mãi. Bây giờ ngay cả khi tôi có những vai chính, có cố gắng đến mấy cũng thành nhàn nhạt trong lòng người xem. Kịch bản bây giờ vui chứ ít lắng đọng và vai chính nhàn nhạt trôi qua mà chẳng ai nhớ gì vì thiếu tính cách, thiếu thuyết phục. Có những vai chính chỉ là cái cớ để xảy ra một câu chuyện hài!
Một thực tế nữa mà chắc ai cũng rõ rồi, bây giờ trong mười vở kịch thì đã có chín là hài. Phải chấp nhận thôi, sau một ngày vất vả, mệt mỏi trong công việc, khán giả tìm đến sân khấu chỉ muốn có những tiếng cười thoải mái, để xả stress...
* Ðể trung thành với con đường mình chọn, anh cũng phải thức thời chứ?
- Tôi chẳng có duyên hài đâu, sở trường của tôi là chính kịch và tôi cũng thích diễn thể loại này hơn. Tuy nhiên, từ từ tôi biết mình phải thay đổi. Và tôi có diễn hài nhưng chỉ là hài tình huống, chứ tôi không có duyên cố làm ra vẻ hài để chọc cười khán giả được.
* Diễn viên chính trong Juliet không trẻ mãi của Lưu Quang Vũ có bi kịch là khi còn xuân sắc thì chưa đủ chín để thể hiện vai lớn, nhưng khi đủ chín thì không còn phù hợp với nhân vật về ngoại hình nữa. Chuyện của anh cũng chẳng khác gì, chỉ có điều anh còn đủ trẻ nhưng chính kịch thì đã thoi thóp mất rồi?
- Ðó lại là một thực tế đầy mâu thuẫn. Ngày xưa khi về Idecaf, tôi xác định rõ để học hỏi kinh nghiệm. Kết thúc quá trình học hỏi thì mình cũng không còn trẻ lắm thật. Nhưng bây giờ khi được giao những vai khó, tôi tin mình bắt nhịp sẽ dễ hơn rất nhiều so với những bạn có ngay cơ hội để nhận những vai này.
Tôi có cớ để tự an ủi mình...
* Khi mới tốt nghiệp Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh, anh từng đi học du lịch song song với đi diễn, chắc là cũng cảm thấy được sự bấp bênh của nghề, của thực trạng sân khấu nói chung?
- Một phần tôi muốn bổ sung kiến thức, một phần đúng là cũng thấy nghề diễn của mình chông chênh thật. Lý tưởng nhất là làm được hai nghề, nhưng tôi buộc phải chọn một thôi. Khi nghề đã từ từ thành nghiệp, từ bỏ rất khó. Hiện tại thực tế thu nhập của diễn viên sân khấu kịch khá thấp. Một vở diễn tập cả tháng trời, diễn một suất mấy trăm ngàn đồng. Chua chát chứ!
Cũng đã mười năm gắn bó nên cũng có lúc buồn, tự hỏi thời này mà diễn viên sân khấu kịch sao còn như vậy? Chuyện chắc khó tin, đúng không? Nhưng rồi tôi nghĩ cùng là sân khấu, một số nghệ sĩ cải lương còn khó khăn hơn nhưng người ta vẫn đeo đuổi đến cùng với nghề kia mà. Tôi nghĩ vậy để có cớ mà tự an ủi mình.
* Anh sống bằng lồng tiếng và MC, có đỡ "chua" hơn không?
- Diễn viên chính trong phim truyền hình làm một tập mấy triệu đồng, còn mình lồng tiếng chỉ nhận được khoảng 1/10 thu nhập của họ, cũng chẳng có "ngọt" gì cho cam. Nhưng làm công việc này cũng giống như cái cớ để mình thể hiện nghề, cũng có cái sướng của nó khi góp phần giúp một vai diễn tròn trịa, thành công hơn. Tôi nghĩ thu nhập của diễn viên lồng tiếng cần tương xứng hơn với công sức họ đã bỏ ra.
* Anh đứng sau lồng tiếng cho một thế hệ diễn viên trẻ của điện ảnh - truyền hình. Anh nghĩ gì về họ?
- Tôi xem chuyện đó là bình thường. Tôi cũng từng được các anh chị đi trước chấp nhận đứng sau để dìu dắt mà. Các bạn ấy cao và đẹp. Về diễn xuất, tôi không nói diễn viên bây giờ diễn dở, nhưng nếu họ có thời gian hơn, chịu khó chăm chút hơn sẽ tốt hơn rất nhiều.
* Họ được gọi là ngôi sao, còn anh nhiều người cho là "chết đuối" đấy. Anh có chạnh lòng không khi nhìn lại vị trí của mình?
- Nói tôi "chết đuối" thì cũng hơi quá, chỉ là tôi ít có may mắn nhận được những vai hay thôi.
Danh tiếng dĩ nhiên tốt cho bản thân. Nhưng tôi không phải dạng bon chen trong nghề. Tôi lập gia đình sớm cũng vì mong muốn có cuộc sống gia đình bình thường như bao người khác. Làm nghệ thuật dễ cuốn mình đi mãi không dừng lại được.
* Người kém may mắn như anh có ước mơ gì không?
- Tôi cũng may mắn đó chứ, may mắn vì tôi được những người từng cộng tác với tôi thương yêu và tôn trọng.
Lúc chưa có khả năng tôi từng ước mơ thực hiện chuyến du lịch có đầy đủ ba mẹ, anh chị..., cố gắng dành dụm, nuôi dưỡng ước mơ đó. Tôi cũng đâu có ngờ một ngày tôi có đủ khả năng thì ba mẹ không còn khỏe để đi nữa. Còn người anh và một người em của tôi từng cố gắng học 2-3 ngoại ngữ, làm việc cật lực để có một cuộc sống sung túc, nhưng khi đã tạm hài lòng rồi thì họ không còn nữa để hưởng thụ... Bạn hỏi tôi về ước mơ? Khi có sức khỏe, bạn sẽ thấy vô cùng hạnh phúc vì cuộc sống bây giờ sao mong manh quá!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận