Người tốt dọc đường

VIỆT LINH 03/09/2013 00:09 GMT+7

TTCT - Bạn quê ở Ninh Bình, ra Hà Nội làm việc. Cuối tuần phi xe máy về quê, cứ trực chỉ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mà tiến. Bạn không biết được rằng đường đã cấm xe máy.

Phóng to
Minh họa: Salem

Càng chạy, càng thấy lạ là đường lớn nhưng tuyệt nhiên không có chiếc xe máy nào đi cùng làn. Mãi sau mới thấy gương chiếu hậu phản chiếu một ánh đèn xe máy nhấp nhoáng phía sau, bạn thở phào.

“Quay lại đi em, đường này cấm xe máy, đi nữa là công an bắt, giam xe đấy” - tiếng gọi của người đi sau vọng tới. Bạn ngớ người, nửa tin nửa ngờ, mở điện thoại ra tra thông tin rồi gật đầu xác nhận. Người gọi bạn là một thanh niên trông có phần lấm láp nhiệt tình hướng dẫn bạn lối đi ngược để tránh công an.

Bạn nghĩ bụng, không ngờ bây giờ còn có người tốt thế, nhưng cũng bắt đầu lo cho kịch bản của một cuộc cướp giật.

Xe của anh thanh niên nọ dẫn bạn vào một con đường đất nhỏ, chỉ tay về phía xa, người lạ nói: “Em cứ đi thẳng xuống đây rồi rẽ quốc lộ lối đi Hà Tây”. Bạn nhìn theo, rối rít cảm ơn. Người tốt dọc đường khoát tay: “Không có gì, em cho anh xin 50 ngàn công xá”. Bạn lại ngớ người, nhưng cũng ngoan ngoãn rút ra 50 ngàn đưa cho người tốt dọc đường.

Trở về, bạn viết trên Facebook: Lòng tốt có giá 50 ngàn.

Đổ xăng

-Nhiêu cô?

- Dòm kỹ số nghen cô!

- Đưa nắp đây, tui khỏe tay vặn luôn cho. Cho chặt không xăng bốc hơi hết nhanh dữ lắm.

- Cảm ơn cô nghen.

Ông bác già đội nón nghiêm trang như nhân viên mẫn cán của hãng xăng cứ thế lần lượt cảm ơn từng người đang rồ ga đi mỗi khi bình xăng được đong đầy.

Mùi xăng dầu gầy gật trong gió. Mắt ông bác mờ mờ mà cái miệng móm móm vẫn cười.

Em gái nhỏ ở nhà “Người tình” (*)

Em gái ấy có gương mặt thon nhỏ điển hình của các cô gái miền Tây, đuôi mắt kéo dài khi cười. Em dắt những khách lạ đi qua lại ngôi nhà cổ, giới thiệu từng viên gạch mua từ Pháp, bức tranh đặt họa sĩ Tàu vẽ, ngôi nhà có viên gạch thoát nước ra sao để hợp phong thủy Nam bộ.

Em dắt khách ra tận cổng, chỉ rằng hãy đi qua ngôi trường tiểu học bên kia để biết nơi “người tình” đã học khi xưa. Em lại chỉ đường đến ngôi chùa mà gia đình này đã xây cho thị xã nhỏ. Em nói khách đừng ăn chỗ này mắc tiền lắm, chỗ kia mới đúng món Sa Đéc quê em.

Em cười thiệt tươi: “Quê em nhỏ xíu, nhưng từ đây tới làng hoa chỗ nào cũng đẹp!”. Em đòi chụp hình cho khách, đòi tiễn khách ra tận cửa, lại đứng vẫy vẫy tay chào theo. Đuôi mắt dài của em như tiếng khúc khích vang theo con đường.

Khách loay hoay, cứ thèm quay lại nghe em nói tiếp hoài về cái thành phố nhỏ mà em làm người ta yêu mất...

__________

(*): Nhà “Người tình” là di tích nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (tại thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp), nơi sinh sống của người đàn ông mà nữ văn sĩ Marguerite Duras đã viết trong tác phẩm Người tình đoạt giải Goncourt - cũng chính là người yêu thời son trẻ của bà.

TTCT cảm ơn các bạn: Minh Chí, Việt An, Thùy Phương, Khương Quỳnh, Khoa Lê.DiLinh, Trần Thị Hoa, Trần Ngọc Mai... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: [email protected], mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận