29/09/2020 12:01 GMT+7

Người tốt cô đơn

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Một năm COVID-19 căng thẳng khiến các nhà hát gần như 'ngủ đông', bất ngờ một vở kịch xuất sắc dàn dựng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ ra mắt khán giả thủ đô.

Người tốt cô đơn - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Thế Nguyên (vai Hiệp) và Thu Thuận (vai Mây) trong vở Người tốt nhà số 5 - Ảnh: T.ĐIỂU

Người tốt nhà số 5 - câu chuyện về một cuộc giằng co căng thẳng giữa cái xấu và cái tốt trong những người sống tại một nhà tập thể thời kỳ bao cấp 40 năm trước trở về với hôm nay đầy sống động, tưởng như chính là câu chuyện thời sự của hiện tại.

Những tự vấn về lòng tốt

Hiệp (nghệ sĩ Thế Nguyên) - kỹ sư nông nghiệp - là người duy nhất ở nhà số 5 không thỏa hiệp với cái xấu bủa vây đến ngạt thở. Chỉ vì không muốn tiếp tay cho việc xấu, Hiệp kiên nhẫn làm đơn xin sửa lại căn phòng tập thể bị dột của mình hết lần này tới lần khác theo "đúng quy trình", nhất định không chịu đút lót tiền để được giải quyết nhanh chóng.

Cũng bởi không muốn làm hỏng các quy tắc xã hội, Hiệp cản trở những người trong khu nhà đút lót cho thợ điện để không bị cắt điện…

Nhưng tất cả việc làm này của anh bị hàng xóm phản đối kịch liệt bởi chúng gây phiền toái cho họ. Khu nhà ai cũng quý Hiệp và tìm thấy ở Hiệp sự sẻ chia, nâng đỡ những khi rối lòng, nhưng lòng tốt... ương bướng của anh trong nhiều trường hợp lại làm khổ hàng xóm.

Cũng vì đạo đức mà Hiệp khẳng khái phản biện báo cáo khoa học "vô đạo đức" của Bình (NSƯT Dũng Nam) - người bạn thân của anh. Bởi với anh, chỉ có một con đường là nói lên sự thật. Nếu dối trá mãi khoác lên mình tấm áo của sự thật, anh sẽ giành lại tấm áo đó dù phải trả giá.

"Chúng ta vẫn phải làm người tốt ngay cả khi không có đủ điều kiện làm người tốt", theo Hiệp.

Vì tốt bụng, anh cố gắng kiếm được lọ thuốc hiếm cho mẹ của người yêu thoát bệnh hiểm nghèo. Nhưng lọ thuốc ấy anh đã phải nhờ vào những đồng tiền mà anh cho là "nhơ nhớp" của gã áp phe hàng xóm tên Khôi (nghệ sĩ Hồng Phúc).

Và lọ thuốc hiếm được mua ở chợ đen ấy rất có thể đã tước đi cơ hội sống của một người trẻ nào đó cũng đang rất cần tới nó, như em gái bác sĩ Trinh (nghệ sĩ Tuyết Trinh). Anh nhận ra sự may mắn của người này lại dựa trên nỗi bất hạnh của người khác. Nếu lòng tốt của anh với mẹ của người yêu lại có thể khiến ai đó phải chết, thì lòng tốt ấy có còn là lòng tốt?

Từ đây, một cuộc vật lộn với những tự vấn về lòng tốt bắt đầu trong anh và cả trong những người hàng xóm của anh. Người tốt cô đơn càng cô đơn hơn nữa. Nhưng may mắn anh có Mây (Thu Thuận) như "mây trắng của đời tôi" bên cạnh.

Cuộc trình diễn nhiều cảm xúc

Một kịch bản xuất sắc từ 40 năm trước mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Kịch bản xuất sắc ấy lại được toàn thể êkip Nhà hát Kịch Việt Nam từ đạo diễn, thiết kế sân khấu đến diễn viên đều thể hiện tròn vai.

Các nhân vật như cặp vợ chồng Bình và Yến (Khuất Quỳnh Hoa), bà Ngoạt (Thanh Hường) và Khôi - con trai, ông Kỉnh (NSND Việt Thắng), Thủy thợ cắt tóc (Khánh Linh)... đều sắc nét. Các diễn viên thể hiện xuất sắc những vai diễn nhiều cảm xúc và rất nhiều thoại.

Đạo diễn trẻ Tạ Tuấn Minh xứng đáng với điểm số cao nhất cho tác phẩm này trong kỳ thi tốt nghiệp lớp đạo diễn Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh 2 năm trước.

Thiết kế sân khấu thông minh của NSƯT Doãn Bằng giúp đưa lên sân khấu cả một nhà tập thể với nhiều căn hộ, những bóng cổ thụ và bancông rất đặc trưng, hay một bệnh viện mà chỉ bằng vài khung nhôm. Âm nhạc và âm thanh được sử dụng rất đắt.

Vẫn tắt đèn để chuyển cảnh nhưng tiếng sấm sét, tiếng mưa dột từ mái nhà và bản nhạc ca khúc Khi người lớn cô đơn của nhạc sĩ Phạm Hồng Phước được sử dụng triệt để vào những phút chuyển cảnh khiến khán giả không bị đứt mạch cảm xúc.

Bản nhạc Khi người lớn cô đơn khi chỉ có nhạc, khi được hát lên, như dòng nước len lách vào mọi ngóc ngách còn trống để làm tròn đầy hơn dáng hình vở kịch.

"Lòng tốt bây giờ đang rất hiếm, rất cô đơn, người tốt đang cảm thấy lạc lõng trong cuộc sống bây giờ bởi sự ích kỷ, bon chen đang lấn át. Kịch bản cách đây 40 năm nhưng tôi muốn khán giả trẻ vẫn có thể cảm nhận được.

Đây không phải vở kịch về thời bao cấp, mà chỉ mượn câu chuyện thời bao cấp để nói về hôm nay" - đạo diễn Tạ Tuấn Minh nói về việc anh khai thác một kịch bản "không bao giờ cũ" của Lưu Quang Vũ và sử dụng ca khúc của thời này vào vở diễn.

Liên hoan sân khấu thủ đô lần IV-2020

Người tốt nhà số 5 là 1 trong 14 vở diễn dự thi Liên hoan sân khấu thủ đô lần IV-2020. Vở sẽ diễn trước công chúng vào ngày 1-10 tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Liên hoan diễn ra từ ngày 26-9 đến 3-10, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp cùng Sở VH-TT Hà Nội tổ chức, mở cửa tự do để khán giả thủ đô thưởng thức.

Ngoài Người tốt nhà số 5 của Lưu Quang Vũ do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng, đáng chú ý còn có vở Bạch đàn liễu của cố tác giả Xuân Trình được Lucteam dựng lại theo phong cách kịch biểu hiện của nhóm này.

Chủ tịch Quốc hội xem kịch Lưu Quang Vũ về bệnh dối trá, phô trương của một thời Chủ tịch Quốc hội xem kịch Lưu Quang Vũ về bệnh dối trá, phô trương của một thời

TTO - Tối 23-5, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và một số đại biểu Quốc hội cùng xem vở kịch ‘Bệnh sĩ’ của cố tác giả Lưu Quang Vũ - vở kịch phê phán ‘cả xã hội bốc phét’ vì ham phô trương, sĩ diện những năm 1980.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên