
Bà nội trợ ngày càng nhạy cảm với biến động giá cả trên thị trường - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ngày 11-4, tại hội thảo "Những giải pháp thực chiến cho doanh nghiệp" do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, bà Nguyễn Phương Nga - giám đốc kinh doanh cấp cao Kantar Worldpanel Vietnam - nhận định người tiêu dùng Việt Nam đang dần hồi phục niềm tin, tuy nhiên rất dễ thay đổi theo tình hình kinh tế - xã hội và có xu hướng lo lắng nhiều hơn.
Theo bà Nga, sự tăng giá các sản phẩm thiết yếu tạo ra áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng. Nhiều khi chưa có chuyện gì xảy ra nhưng đi chợ thấy giá tăng là lo lắng. Họ sẽ cân đo đong đếm, so sánh giá nhiều hơn.
Nói về các kênh bán hàng, bà Nga cho biết sự tăng trưởng của kênh online không đồng nghĩa với tăng trưởng của một ngành hàng/nhãn hàng cụ thể.
Nguyên nhân đến từ việc người tiêu dùng có thể chỉ đang dịch chuyển chi tiêu của mình từ kênh này sang kênh khác vì giá hấp dẫn hay vì tiện lợi. Việc hiểu được nguồn tăng trưởng cụ thể của kênh online là rất quan trọng.
Chẳng hạn với nhóm ngành thực phẩm và đồ uống, 100 đồng online thì 56% được đến từ sự dịch chuyển từ kênh truyền thống khác và 44% đến từ các giá trị mới phát sinh nhờ online như nhờ họ mua sản phẩm giá cao hơn, lượng mua nhiều hơn.
"Như vậy họ sẽ càng cần doanh nghiệp thông tin cung cấp nhiều hơn, đầy đủ hơn để biết sự lựa chọn của họ là hợp lý" - bà Nga nói và cho rằng các doanh nghiệp cần "kết nối" người dùng nhiều hơn.
Bên lề hội thảo, bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - cho rằng hiện nay hàng hóa Trung Quốc đang mất dần thị phần tại Mỹ và có xu hướng chuyển hướng mạnh sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Trước sức ép cạnh tranh mới, doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt chú trọng gìn giữ thị trường nội địa bằng cách đảm bảo chất lượng sản phẩm và giữ mối quan hệ gắn bó với khách hàng hiện có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận