Người mua hàng rất khó để xác định được trọng lượng chính xác của sản phẩm. Trong ảnh người dân mua hàng tiêu dùng tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: Thanh Tùng |
Những vi phạm về đo lường, chất lượng của các mặt hàng đóng gói gần như công khai, thế nhưng nhiều người tiêu dùng do tin tưởng vào các thông số như khối lượng, thể tích của nhà sản xuất in nên đã dễ dàng bị thiệt hại.
Chị Huyền - nhân viên Ngân hàng BIDV ở Hà Đông (Hà Nội) - cho biết khi mua hàng chưa bao giờ cân đong để kiểm tra xem hàng mua có đủ cân đủ lạng hay không.
Theo thói quen khi mua chị Huyền sẽ xem giá bán, sau đó đến hạn sử dụng, rồi tiếp đến là khối lượng hay dung tích của hàng hóa. Riêng với hàng là sữa, bánh kẹo... chị có xem qua thành phần.
Cuộc khảo sát nhanh của chúng tôi với 10 khách mua hàng tại siêu thị Thủy Hiền (Long Biên, Hà Nội) cho thấy tới tám người chưa bao giờ tự kiểm tra lại khối lượng, dung tích các mặt hàng đóng gói mua hằng ngày.
Duy nhất một khách hàng, chị Tạ Thanh Dung (36 tuổi, Long Biên) cho biết có một lần mua sữa bột đóng hộp cho con, có cảm giác lượng sữa ít, đổ ra so sánh đã bất ngờ vì thấy trọng lượng không đủ so với số gam in trên bao bì. “Khi đó định khiếu nại nhưng không biết phải liên hệ ở đâu nên cũng bỏ qua” - chị Dung băn khoăn.
Theo anh Phạm Duy Hải - chủ siêu thị Thủy Hiền, khi đặt hàng yếu tố đầu tiên anh chú ý đến là nhãn mác nên sẽ chọn nhập hàng của các công ty lớn, có uy tín, đã có thương hiệu. Khi nhận hàng, anh quan tâm nhất là hạn sử dụng, mẫu mã...
Mặc dù chú ý kiểm tra từng chi tiết trên nhãn mác bao bì hàng đóng gói sẵn như tem phụ, tên công ty sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản... nhưng anh Hải cho hay chưa bao giờ chú ý đến khối lượng, thể tích thật được đóng gói của các mặt hàng.
Lý do được người chủ siêu thị bán hàng ngàn mặt hàng tiêu dùng đóng gói sẵn này đưa ra là: “Người bán hàng sẽ không phải chịu trách nhiệm về chuyện sản phẩm có đúng, có đủ số lượng đã công bố trên bao bì hay không.
Đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, nếu để xảy ra thiếu hụt, công ty sản xuất sẽ bị mất uy tín, nếu có người tiêu dùng phàn nàn nhiều về sản phẩm nào đó hoặc tiêu thụ kém thì tôi sẽ không nhập hàng nữa”.
Khảo sát sơ bộ của PV Tuổi Trẻ tại nhiều chợ ở TP.HCM, nhiều bà nội trợ và tiểu thương cũng cho biết ít quan tâm đến trọng lượng của mặt hàng đóng gói sẵn. Theo chị Hương - tiểu thương kinh doanh hàng gia vị, mắm các loại ở chợ Ga (Q.Phú Nhuận), thỉnh thoảng cũng gặp trường hợp cân thiếu các gói hàng, chủ yếu là muối, đường...
“Thiếu cũng chỉ vài hoa (10 hoa được 100 gam) nhưng cũng có bịch cầm lỏng tay là biết, cân lên kiểu gì cũng nhẹ hơn so với số ký công bố. Thường khách mua hàng ít quan tâm, họ nghĩ không bao nhiêu, nhưng khách khó tính thắc mắc thì mình chủ động bớt chút giá, chứ không bao giờ nghĩ sẽ trả lại hàng cho cơ sở sản xuất” - chị Hương bộc bạch.
Chị Hương cho rằng nhiều trường hợp sản phẩm đóng gói có số ký thiếu hụt, người giao hàng cũng thừa nhận do đóng gói vội. Còn tình trạng trong quá trình đóng gói, nhà sản xuất tự ăn bớt trọng lượng như đối với loại đường kính 1kg thực tế chỉ còn 900 gam hay muối 500 gam còn 450 gam thì rất khó biết vì mình đâu có chứng kiến khi họ đóng gói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận