Lãnh đạo và các doanh nghiệp cùng thực hiện nghi thức bấm nút chính thức kích hoạt Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất năm 2022 - Ảnh: N.BÌNH
Tối 1-12, Bộ Công Thương phối hợp cùng UBND TP.HCM đã làm lễ kích hoạt Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2022 và khai mạc Tháng khuyến mại tập trung đợt 2 năm 2022 - Mùa mua sắm “Shopping Season”.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết tính đến 18h ngày 1-12, tức 6 tiếng trước khi chương trình bắt đầu, đã có khoảng 70.000 sản phẩm chính hãng, với hơn 500 chương trình khuyến mãi của 370 nhà bán hàng là các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối, sàn thương mại điện tử tham gia sự kiện 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam.
Người tiêu dùng trên toàn quốc có thể truy cập vào địa chỉ website chính thức của chương trình www.onlinefriday.vn từ 0h ngày 2-12-2022 để tìm kiếm sản phẩm và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Chương trình sẽ tiếp cận 60 triệu người tiêu dùng với trên 100 triệu lượt Top View trên nền tảng số TikTok Việt Nam. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ tổ chức hoạt động săn iPhone 14 Pro Max giá 1.000 đồng cùng hàng nghìn quà tặng trị giá vào khung giờ đặc biệt trong 60 giờ livestream, từ 0h ngày 2-12 đến 12h trưa 4-12.
Một điểm mới nổi bật trong chương trình Online Friday năm 2022 là sự tham gia của các nhãn hàng, thương hiệu sản xuất nổi tiếng và uy tín, 17 thương hiệu nổi tiếng, bao gồm các thương hiệu Oppo, Aristino, Canifa, Bitis, theFaceshop, Wiibike, Nagakawa, Coolmate, Vua Nệm… sẽ tổ chức các chương trình livestream về sản phẩm chính hãng trong 60 giờ liên tục trên nền tảng số TikTok.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Bộ Công Thương xác định xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
"Thương mại điện tử chỉ mới bắt đầu, quy mô cũng như phương thức mua sắm vẫn chiếm tỉ trọng rất nhỏ, khoảng 5-7% trong mua bán hàng hóa nói chung, vì thế dư địa tăng trưởng còn rất nhiều, đặc biệt những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của kênh thương mại này luôn đạt 16 - 30% hằng năm", thứ trưởng đánh giá.
Bảo vệ hàng chính hãng và đấu tranh chống gian lận thương mại
Năm nay, ban tổ chức cũng cung cấp tính năng hỗ trợ người tiêu dùng xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Khi người tiêu dùng phát hiện sản phẩm không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng có thể kích chuột vào nút báo xấu trên mỗi sản phẩm. Ban tổ chức sẽ tiếp nhận và xử lý các sản phẩm và doanh nghiệp có liên quan đến các sản phẩm này.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp tham gia phải đảm bảo sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, chính hãng, đảm bảo niềm tin của người dân, người tiêu dùng khi tham gia giao dịch.
Cùng với sự phát triển công nghệ, chương trình phải nâng cao và đảm bảo trải nghiệm của người tiêu dùng, giúp người dân hiểu rõ tham gia.
Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích ứng dụng thuận tiện các giải pháp công nghệ số trên nền tảng Internet và mạng viễn thông để thúc đẩy giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử hiệu quả và đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
"Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp phục vụ người tiêu dùng một cách rộng rãi. Vì thế các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cần tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có, đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng, đón bắt nhu cầu của người tiêu dùng dịp cuối năm", ông Sinh khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận