TTCT - Sau thời gian đầu được rộng cửa đón nhận và hỗ trợ, mùa đông đến cùng lạm phát gia tăng đã khiến cuộc sống người tị nạn Ukraine ngày thêm bất định. Mới đây, ấn bản tiếng Anh The Guardian đã kể về cuộc sống của nữ sinh viên mỹ thuật Kharkov (Ukraine) 16 tuổi Alisa, tị nạn ở Hungary cùng gia đình sau khi rời căn hộ ở ngoại ô Saltovka (Kharkov).Một sân thể thao được sử dụng làm nơi trú ẩn tạm cho người tị nạn Ukraine ở Chisinau, Moldova, tháng 3-2022. Ảnh: Reuters"Chúng tôi chỉ nghe mỗi một tiếng "Không"!"Sau hai ngày ở trong một khách sạn ở Budapest, gia đình Alisa tìm được một cặp vợ chồng lớn tuổi người Hungary sống ở vùng nông thôn gần đó đồng ý tiếp đón cô, cùng anh trai và bố mẹ, họ nói sẽ để những vị khách Ukraine "ở lại bao lâu tùy thích".Từ vùng nông thôn, Alisa cố gắng tìm việc làm để trang trải cuộc sống của gia đình. Xin được chỗ làm ở một nhà máy khá xa nơi trú ngụ, cô phải đi hai tuyến xe buýt và mất bốn giờ mỗi ngày để đến chỗ làm, rồi khoảng thời gian tương tự để trở về, trong ngày. Alisa kể: "Công việc vất vả, phải dành hàng giờ để tháo rời các thiết bị điện tử cũ. Nhưng ít nhất tôi cũng có một số tiền để giúp đỡ gia đình mình".Rồi khi Chính phủ Hungary tăng mạnh hóa đơn tiền điện với những hộ gia đình tiêu thụ nhiều hơn mức trung bình, cặp vợ chồng Hungary nhận ra họ không thể trả tiền điện nên đã lịch sự yêu cầu gia đình Alisa phải rời đi.Anastasia, tình nguyện viên người Nga ở Budapest, đã thành lập một tổ chức để giúp đỡ những người Ukraine đến Hungary, cho biết: "Hiện đang có làn sóng trục xuất khỏi các gia đình không đủ khả năng làm chủ nhà nữa". Nhưng ngay cả những người tị nạn có khả năng chi trả cũng gặp khó khăn.Anastasia kể một người tị nạn từ thành phố Ivano-Frankivsk (tây Ukraine) đến Budapest cùng con trai khi xung đột nổ ra vì chồng cô đã làm việc tại một nhà máy ở đó hai năm qua. Họ thuê một phòng ký túc xá tại công ty nơi chồng cô làm việc, nhưng những tuần gần đây ban quản lý đã yêu cầu cả gia đình rời đi vì cần không gian cho các nhân viên khác. Người phụ nữ nói cô có đủ tiền để thuê một căn hộ nhỏ ở Budapest nhưng không thể tìm được chủ nhà nào sẵn sàng cho thuê. "Khi chúng tôi nói mình là người Ukraine và có một đứa con, chúng tôi chỉ nghe thấy "Không, không, không". Tôi đã gọi khoảng 70 căn hộ khác nhau và tất cả họ đều trả lời không".Riêng trường hợp gia đình Alisa, sau khi chủ nhà Hungary yêu cầu rời khỏi nhà của họ, cha mẹ cô đành quay lại Ukraine. Không biết căn hộ Kharkov của họ có còn nguyên vẹn không, hiện gia đình tạm trú ở nhà bạn bè phía tây Lvov (Ukraine). Họ hy vọng mẹ Alisa có thể được trợ giúp y tế ở đó vì những cơn hoảng loạn nghiêm trọng của bà. Riêng Alisa dự định ở lại Hungary: cô đã tìm được chỗ tại một trường cao đẳng nghệ thuật ở Budapest để tiếp tục việc học hành.Người tị nạn Ukraine được giúp đỡ ở Hungary. Ảnh: Hungary TodayVất vả hòa nhậpThe Guardian cho biết các nước châu Âu khác tỏ ra hiếu khách hơn nhiều so với Hungary. Nhưng ngay cả ở Ba Lan, nơi có nhiều người tị nạn Ukraine nhất EU và là nơi mà việc giúp đỡ Ukraine và người dân Ukraine được coi là "niềm tự hào dân tộc", một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 62% số người được hỏi cho rằng hỗ trợ người tị nạn Ukraine là "quá tốn kém".Tuần báo Do Rzeczy, thân với Đảng Luật pháp và công lý cầm quyền ở Ba Lan, đã giật tít "Giới hạn của lòng hiếu khách" trong số mới nhất. Tờ báo chỉ ra: "Ba Lan đã vượt qua bài kiểm tra lòng trắc ẩn. Tuy nhiên, chúng ta không thể tránh né việc người Ba Lan phải chịu gánh nặng kinh tế nghiêm trọng". Đồng thời, tờ báo bày tỏ sự không hài lòng với thực tế là ban đầu, việc thảo luận về những vấn đề này là "điều cấm kỵ xã hội" trong không gian chính trị và truyền thông Ba Lan.Giờ đây thì những thảo luận đó đã công khai hơn, thể hiện không chỉ qua các phương tiện truyền thông ủng hộ Chính phủ Ba Lan, mà còn từ hành động của chính nhà chức trách. Theo tờ Rzeczpospolita, kể từ ngày 1-7, Chính phủ Ba Lan đã ngưng khoản trợ cấp 40 zloty/ngày (khoảng 9 USD) cho người tị nạn Ukraine. Ngoài ra, Ba Lan cũng bãi bỏ việc cho phép người tị nạn Ukraine sử dụng phương tiện giao thông công cộng miễn phí. Lý do được giới chức địa phương giải thích: tạo thêm động lực để người Ukraine tìm việc nhanh hơn.Piotr Dlugosh, giáo sư tại Đại học Sư phạm Krakow, thẳng thắn hơn khi giải thích bước đi này của chính phủ như một tín hiệu cho những người tị nạn: "Hỗ trợ đã hết, đã đến lúc trở về Ukraine". Ông giải thích: "Nếu nhóm trẻ và năng động với nguồn nhân lực cao này không quay trở lại, thì người Ukraine sẽ khó tạo ra một nhà nước mạnh và hiện đại".Giúp đỡ người tị nạn Ukraine ở Ba Lan được coi là niềm tự hào dân tộc. Ảnh: Notes from PolandNhững khó khăn trong việc hỗ trợ người tị nạn Ukraine không giới hạn ở các nước láng giềng Hungary hay Ba Lan. Tại thủ đô Brussels của EU, người ta có thể bắt gặp những người Ukraine vô gia cư ngủ hằng ngày tại nhà ga xe lửa Midi hoặc trên tàu điện ngầm. Aleksey, 62 tuổi và Maksim, 65 tuổi, chạy nạn khỏi Kharkov, cho biết họ không còn chỗ nào khác để ngủ. Aleksey kể: "Trong hai tháng đầu tiên, chúng tôi ở chung phòng trong nhà của một gia đình Brussels, ở Saint-Gilles, nhưng vào giữa tháng 6, họ nói chính họ cũng cần một phòng và chúng tôi phải rời đi". Life.ru số ra 23-1 thì đăng tin Yury Blazhenets, một người tị nạn Ukraine sống ở Tây Ban Nha, viết trên WhatsApp: "Xin chào. Tôi rất xin lỗi khi viết tin nhắn này, nhưng tôi đang trở về Ukraine. Tôi không thể sống ở đây [Tây Ban Nha] nữa. Tôi sắp về nhà, tôi cần tiền mua xăng, vì vậy tôi rất biết ơn nếu được giúp đỡ".Theo The Guardian, khó khăn trong hỗ trợ người tị nạn Ukraine của các nước châu Âu "là khác biệt về văn hóa, rào cản ngôn ngữ và nhận thức sai lầm rằng nhu cầu về nhà ở tạm thời đối với người tị nạn sẽ ngắn hơn nhiều so với thực tế". Không chỉ thế, tờ này cảnh báo tình hình trở nên trầm trọng hơn bởi theo luật, các cá nhân cho người tị nạn trú ngụ có thể đuổi họ ra đường, chỉ cần cảnh báo họ trước 24 giờ."Tương lai của những người đã ra đi trở nên bất định. Một số người nghĩ ra đi chỉ là tạm thời, sẽ có cơ hội để họ trở lại, và khi chiến tranh kết thúc, quay về với những người thân yêu - CNN dẫn lời Erol Kekic, phó chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ người tị nạn Ukraine ở Mỹ, Church World Service, nói - Một số người đã ra đi cả một năm trời, và cơ hội để họ trở về không còn nhiều nữa".■ Hơn 8 triệu người tị nạn Ukraine ở châu ÂuCao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 13-2 đưa ra một báo cáo cho biết hơn 8 triệu người Ukraine đã tới châu Âu tính từ tháng 2-2022. Cụ thể, từ 24-2-2022 đến 31-1-2023, khoảng 18,4 triệu người đã rời Ukraine, trong đó hơn 10 triệu người đã trở về. Theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Nga tiếp nhận nhiều người Ukraine nhất: hơn 2,8 triệu. Đứng thứ hai trong danh sách là Ba Lan (hơn 1,5 triệu), tiếp theo là Đức (hơn 1 triệu), Cộng hòa Czech (gần 500.000), Ý (170.000), Tây Ban Nha (166.000), Anh (161.000), Bulgaria (152.000), Pháp (118.000), Romania (113.000), Moldova (108.000) và Slovakia (107.000). Tags: Người tị nạnNgười dân UkraineKhoản trợ cấpNước láng giềngVô gia cưTình nguyện viênNữ sinh viênGặp khó khăn
TP.HCM khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ 2025 NHƯ BÌNH 27/01/2025 Tối 27-1, Đường hoa Nguyễn Huệ tại trung tâm TP.HCM chính thức khai mạc, chào đón hàng ngàn lượt khách đến du xuân sớm.
Ông Trump hạ gục nhanh Colombia bằng bài trừng phạt: Thông điệp mạnh cho thế giới DUY LINH 27/01/2025 Ông Trump dường như muốn thông qua Colombia để gởi lời cảnh báo tới các quốc gia khác về cách chính quyền ông sẽ làm để đạt được mục tiêu và lợi ích cho nước Mỹ.
Giá bán nhiều loại rau củ, thịt heo... vẫn giữ ổn định dù vào cao điểm Tết NGUYỄN TRÍ 27/01/2025 Ngày 27 và 28 Tết được xem là hai ngày cao điểm của sức mua nhưng do năm nay mức tiêu thụ tương đối chậm nên giá bán phần lớn ổn định, thậm chí có mặt hàng giảm giá.
Nhóm cảnh sát Thái Lan bắt nhốt 7 người Trung Quốc, đòi tiền chuộc DUY LINH 27/01/2025 Ít nhất 8 người, trong đó có 4 cảnh sát và 1 kiểm lâm Thái Lan, bị cáo buộc đã bắt cóc 7 người Trung Quốc để đòi 2 triệu baht (khoảng 60.000 USD) tiền chuộc.