Phóng to |
Phương là con thứ hai trong gia đình có sáu anh em ở núi Dương Là thuộc xã Quế An, Quế Sơn (Quảng Nam). Dị tật của Phương là hậu quả của di chứng chất độc da cam mà người cha phải hứng chịu trong những năm chiến đấu trên chiến trường Bình Trị Thiên. Gia đình nghèo nên Phương chỉ học hết lớp 2, 15 tuổi đã phải tự bươn chải...
Bươn chải học nghề
15 tuổi, Phương ra thị trấn Đông Phú xin học nghề vô gas bật lửa. Người thanh niên bị liệt chân làm nghề ở đó không nhận vì Phương quá thấp. Phương đành ngồi một bên nhìn anh thợ này làm và... học lén. Một tuần sau Phương về nhà sắm sửa đồ nghề và đi hành nghề quanh xóm. Lúc đầu phải đi bộ, sau có người thương tình mua tặng chiếc xe đạp dành cho "người tí hon". Thế là Phương tập đi xe đạp. Nhà ở trên đồi núi, có lúc cả thân hình bầm dập vì bị ngã xe. Đi được xe, công việc thuận lợi hơn nên thu nhập mỗi ngày từ việc vô gas bật lửa của Phương cũng khá hơn.
17 tuổi, Phương bỏ nghề vô gas bật lửa xuống thị trấn học nghề sửa đồng hồ đeo tay. "Hồi nhỏ mình rất thích nghề này nên quyết tâm đi học" - Phương tâm sự. May mắn Phương gặp được người thợ sửa đồng hồ tốt bụng cho học, bao cơm và ngủ lại không lấy học phí, thậm chí còn đóng một chiếc ghế cao để khách hàng dễ nhìn thấy Phương khi tới sửa. Thu nhập từ nghề sửa đồng hồ cao hơn nghề bơm gas bật lửa, nhưng cũng chẳng dư để giúp gia đình nên Phương bỏ nghề.
Phóng to |
Phương quyết định vào TP.HCM học nghề sửa xe máy. "Mẹ đã khóc suốt ba ngày khi không ngăn nổi mình vào Sài Gòn. Nhà mình nghèo quá, các em không có tiền đi học, bố bị thương ở cột sống nên đau ốm triền miên" - Phương kể. Vào TP.HCM, Phương bắt xe ôm đi dạo quanh đường phố, đến nhiều tiệm sửa xe máy nhưng chẳng người nào nhận vì anh quá nhỏ bé.
Phương nộp đơn xin việc ở trung tâm giới thiệu việc làm, trong mẫu đăng ký tìm việc đăng trên báo ghi rõ: "Nguyễn Ngọc Phương, 20 tuổi, cao 90cm, nặng 20kg, trình độ lớp 2. Đã học qua nghề bơm gas bật lửa và sửa chữa đồng hồ". Một ông chủ tiệm sửa xe ở P.13, Q.Tân Bình thấy vậy nhận Phương vào học nghề.
Trở về
Sáu tháng trời được chủ cho ăn ở trong nhà và học nghề miễn phí. "Theo quy định, tiệm chỉ làm việc từ 8g đến 17g nhưng mình thường nhờ ông chủ dạy thêm vào buổi tối" - Phương nói. Trọn sáu tháng, Phương được ông chủ công nhận là một người thợ, được trả công 20.000 đồng/ngày, bao ăn cơm tối. "Lúc đó mình thấy không còn như người tàn tật nữa, mình đã có một nghề thật sự để kiếm tiền và giúp đỡ gia đình" - Phương xúc động. Những năm sau, tiệm sửa xe chỉ toàn nhận người khuyết tật vào học, Phương được phân công làm giám sát và chỉ đạo mọi việc.
Những tháng ngày lăn lộn ở TP.HCM, anh chỉ về thăm nhà vào dịp tết. Ngay cả chỗ ở, anh cũng không cho cha mẹ biết. Cứ mỗi lần có ai vào TP.HCM, mẹ đều cậy nhờ tìm Phương. Phương nói có lần một người ở quê tình cờ gặp anh ngoài đường, người đó nhắn mẹ rất mong Phương về. "Mình biết mẹ thương mình lắm nhưng mình phải học được nghề thật giỏi rồi mới về nhà”.
Cuối năm 2007, Phương quyết định trở về quê lập nghiệp khi tay nghề đã vững. Bao nhiêu vốn sau tám năm chắt bóp, dành mua một căn nhà cho ba mẹ và các em. Còn lại ít tiền, anh mua đồ nghề và thuê mặt bằng mở tiệm sửa xe máy tại đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng). Hiện nay Phương nhận thêm hai học trò nghèo cùng quê để dạy nghề.
Chỗ làm ăn chưa ổn định thì chủ nhà cho thuê lại sắp dời đi nơi khác, vốn liếng giờ cũng đã vơi, Phương tìm tới Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng nhờ giúp đỡ. Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ tịch hội, kể: "Sau khi nghe Phương trình bày, tôi thật sự xúc động và muốn giúp đỡ em, nhưng do hội không có khả năng nên mời Phương vào dạy nghề cho các em tại trung tâm. Đó cũng là cách giúp Phương".
Lúc đầu Phương thiếu tự tin vì thấy trọng trách mình quá lớn. Nhưng anh lại gặp những cậu bé như Hoạch, Hoài, Hương... tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở đường Nguyễn Như Hạnh, điều này làm Phương nhớ về mình lúc trước, họ muốn giúp đỡ và Phương đã nhận lời.
Mỗi tuần ba buổi Phương lại đến dạy nghề cho các em. Anh tự tin: "Mình đề xuất với lãnh đạo sẽ mở hai lớp, một lớp dạy nghề sửa xe máy cho các em sức khỏe tốt, còn một lớp dạy nghề sửa chữa đồng hồ cho các em sức khỏe yếu hơn. Nghề nào mình cũng dạy được".
Chị Nguyễn Thị Hiền xúc động: "Phương là một tấm gương thể hiện sự nỗ lực. Các em ở trung tâm rất cần những con người như thế để tự tin vào cuộc sống".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận