07/01/2008 05:05 GMT+7

Người thương binh và những đứa trẻ bất hạnh

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Người thương binh nghèo vượt qua nỗi đau thể xác, đánh vật với cuộc đời để nâng đỡ nhiều trẻ thơ bất hạnh.

3I1iLXwR.jpgPhóng to
Anh Xuân luôn uốn nắn từng đường kim mũi chỉ, nét vẽ cho lũ trẻ - Ảnh: Lâm Hoài
TT - Người thương binh nghèo vượt qua nỗi đau thể xác, đánh vật với cuộc đời để nâng đỡ nhiều trẻ thơ bất hạnh.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Trong mái ấm ở thị trấn Neo, Yên Dũng, Bắc Giang lũ trẻ gọi anh bằng bố và sống với nhau như anh chị em một nhà.

Ngày trở về...

Năm 1983, anh bộ đội Lương Công Xuân tập tễnh đôi nạng trở về làng chiêm trũng Tân Liễu, Yên Dũng, Bắc Giang. Không nỡ ngồi yên nhìn cảnh nhà nghèo đói, anh lao vào làm kinh tế với đủ thứ nghề: làm đậu phụ, đào ao thả cá rồi nấu cám nuôi lợn... nhưng chẳng khá khẩm được bao nhiêu. Cuối cùng anh vác balô ra bãi đất hoang cuối làng dựng lều để đóng gạch. Năm 1988 lũ về, cả bãi đất chìm sâu trong nước, anh chỉ biết ngửa mặt lên trời. Bán đến những viên gạch cuối cùng hì hục đóng trong mấy tháng trời đổi lấy mấy chục ngàn đồng, anh lại vác balô ra đi quyết tìm chọn cho mình một nghề mới.

Hai năm nhọc nhằn học nghề may với đôi mắt bên mất bên còn, anh trở về dựng hiệu may nho nhỏ bên sông Thương. Năm 1991, anh tiếp tục khăn gói xuống tận Hà Nội để học lớp cắt may công nghiệp rồi quay về... mở lớp chiêu sinh. Những học viên miễn phí đầu tiên chính là con của nhiều đồng chí, đồng đội ở quanh vùng.

Hồi đấy còn nghèo nên chưa có chỗ ăn chỗ ở, nhìn những đứa trẻ tật nguyền sáng đến lớp, trưa lại đội nắng, đội mưa đi về anh không cam lòng. Rồi nhìn lớp học lèo tèo mấy chiếc máy may Liên Xô cũ trong lúc học viên tìm về ngày càng đông, anh trăn trở và quyết "lên đời" xưởng may của mình. Anh nhảy xe xuống Hà Tây, tìm về làng thêu Quất Động "tầm sư học đạo" một thời gian rồi mời cả thầy giỏi về làm giáo viên dạy thêu.

Mượn được ngôi nhà cũ khá rộng rãi của một vị cao niên trong làng, từ số tiền ít ỏi tích cóp bấy lâu nay, anh thuê thợ sửa sang lại rồi mua sắm thêm máy móc. Tháng 4-2004, Trung tâm dạy nghề Tân Xuân chính thức ra đời với 20 học viên, đào tạo hai nghề chính là thêu và vẽ. Tiếng lành đồn xa, nhiều trẻ em ở tận các huyện xa Lục Ngạn, Tân Yên của Bắc Giang rồi tỉnh xa Hà Tây, Bắc Ninh, Hà Tĩnh... lần lượt khăn gói tìm tới. Đến nay trung tâm trở thành mái ấm cư ngụ cho hơn 50 trẻ em nhiễm chất độc da cam và khuyết tật ăn ở, học nghề. Tất cả chúng trìu mến gọi anh bằng bố và xưng nhau là anh - em, chị - em.

Mái ấm yêu thương

Sau ba năm gây dựng, trung tâm dạy nghề đã trở nên khang trang với ba gian nhà có phòng ngủ, phòng ăn sạch sẽ. Không chỉ được ăn ở, dạy nghề miễn phí, các em đã lành nghề còn được trả lương 400.000 - 700.000 đồng/tháng và được mua bảo hiểm xã hội. Anh trích một số ít từ khoản lương đó tích trữ dưới hình thức sổ tiết kiệm để gửi về phụ giúp gia đình các em.

Từ năm 2004 đến nay, trung tâm đã cho "ra lò” hơn 100 em có tay nghề vững vàng, đồng thời giữ lại hàng chục em làm việc tại xưởng...

"Nghỉ tay đi các con" - anh cà nhắc chống chiếc gậy đi vòng quanh xưởng một lượt gọi lũ trẻ.

Hơn 50 đứa trẻ tất bật dọn dẹp đồ nghề rồi quây quần bên nồi cơm nghi ngút khói. Mấy bạn gái lớn ý tứ ngồi đầu chiếu xới cơm, còn đám con trai nhanh nhảu giành nhau so đũa, chia bát. "Con mời bố ăn cơm ạ” - những đứa trẻ đồng thanh, không khí của mâm cơm ấm áp lạ thường... Thi thoảng một vài câu đùa cợt được chêm vào, mâm cơm lại rộ lên một tràng cười khoái chí. Hơn bốn năm nay, bữa cơm nào cũng tràn trề hạnh phúc như thế.

Những đứa trẻ trong mái ấm Tân Xuân đều không lành lặn. Các thành viên chăm sóc yêu thương nhau như một gia đình. Một lần trở trời, thằng Hứa lên cơn co giật rồi sùi bọt mép; lần khác cái Thủy sốt li bì mấy ngày không khỏi, rồi chuyển sang hôn mê... Những lúc ấy cả nhà lại cuống cuồng người gọi xe, người chuẩn bị đồ đạc chuyển người đau đi bệnh viện. Khi cơn nguy kịch đã qua, mọi người lại chăm bẵm cho nhau từng thìa cháo, bát thuốc.

Thời gian thấm thoắt, chẳng mấy chốc những đứa trẻ trong xưởng thêu vững tay nghề. Tự hào hơn, những bức tranh thêu do các em làm ra gom góp lại đủ trưng bày trong một căn phòng triển lãm nho nhỏ ở thị trấn Neo, dần dà thêm ba phòng triển lãm tranh nữa được mở lần lượt ở Bắc Ninh và Quảng Ninh, rồi những giải thưởng tranh thêu do các em trong trung tâm làm ra được mang về từ những hội chợ, triển lãm trên cả nước...

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên