Người thợ đồng hồ

ZHANAR KUSAINOVA (NGA) 29/01/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Đó là một căn hộ kỳ diệu. Nhiều bức tranh, những chiếc đồng hồ khác thường, máy hát và những hộp nhạc, máy ảnh cổ, sách và đủ loại hàng hiếm khác. Đó đơn giản là một ngày hội. Tôi được nghe hàng triệu câu chuyện tuyệt vời về chiến tranh và tình yêu, về những thương binh, về Chim Ưng và những tên trộm khét tiếng khác, về Alma Ata hậu chiến và hơn thế nữa...

 

 

Chuyện xảy ra đã lâu, lâu lắm rồi. Tôi học khoa báo chí, một nữ sinh viên nhỏ thó: tóc tai bù xù, quần jean sờn rách, áo len xám, mọi người cùng khóa gọi tôi là Murzilka (1) bởi tôi đã có truyện đăng trên các ấn phẩm thiếu nhi. Và thế này, tôi có một mối tình bất hạnh với một chàng khoa sử tên Alisher. Hắn ta cợt đùa tôi bằng trò chơi nổi tiếng: “Đứng đó, lại đây”. Tức là yêu - không yêu, không yêu - yêu, cần - không cần, không cần - cần.
Kiểu vậy.

Và thế, sau khi rời xa tôi mãi mãi lần thứ năm, bỗng nhiên hắn ta xuất hiện và gửi tôi tin nhắn trên pager: “Tha lỗi cho anh, anh đã hiểu mình cần em thế nào, anh yêu em, ta cùng đón năm mới nhé?”.

Và tôi đã tin. Làm sao có thể không tin chứ - chỉ nghe tên hắn thôi là tôi đã đảo điên, tôi mơ thấy hắn trong mỗi hình bóng thoáng qua từ xa.

Vậy đó, tôi bỏ hết khách khứa, cãi nhau với bạn bè “cậu chập mạch rồi, cậu không tôn trọng mình, cậu điên à, ừ thì nhào đi đi, chỉ là sau này đừng đến đây, đừng than vãn nữa nhé”. Tôi lao tới hắn ta - không, không phải, tôi lao tới ANH ẤY. Tôi vụt chạy, không biết đến đường sá, quên cả khăn quàng và mũ, tuyết và gió thốc thẳng vào mặt. Thậm chí tôi còn quên cả kéo dây khóa áo khoác, tôi chạy. Hạnh phúc làm sao!

Bởi ANH ẤY LẠI YÊU MÌNH LẦN NỮA! Sao cũng được, bất kể nó kéo dài bao lâu. Cái chính là những gì hiện có. Và mặt trời lại chảy tràn những giọt nóng trong máu tôi.

Mà đồng hồ đã chỉ 10 giờ đêm.

Và đây tôi đã tới chỗ cổng vào nhà hắn ta.Tôi đã ở trong thang máy. TÔI ĐANG BAY ĐẾN VỚI ANH ẤY!

Bỗng nhiên thang máy khựng lại, đứng chết trân. Mà ngày lễ đang ở cao trào, tôi nghe thấy mọi người hò reo thế nào. Rồi pager của tôi nhận được tin nhắn: “Có thể không cần vội, anh nghĩ lại rồi, anh sẽ bỏ em, em đã có được anh rồi. Giờ em biến đi…”.

Tôi gầm lên như cá voi. Chết tiệt!

Có tiếng gõ vào thang máy.

Giọng một người đàn ông lớn tuổi hỏi:

- Cô khóc đấy à? Cô khó chịu à? Có chuyện gì vậy?

- Thang máy kẹt, tôi không thể thoát ra, mà người tôi yêu thương nhất lại đá tôi rồi.

- À, chuyện thế vẫn xảy ra mà. Nhưng mọi việc sẽ đâu vào đấy, tin tôi đi. Giờ tôi sẽ cố đi gọi nhân viên.

- Cảm ơn.

Sau một lúc, vẫn giọng nói ấy:

- Ở đó không ai nhấc máy cả. Cũng dễ hiểu thôi, năm mới đang đến.

- Không sao ạ. Cảm ơn ông đã giúp.

- Hiểu rồi, nhưng làm gì bây giờ? Chẳng lẽ cô sẽ ngồi trong ấy luôn à?

- Vậy tôi biến đi đâu bây giờ?

- À há, à há. Tôi quay lại ngay.

(Ông ta mang tới chiếc ghế và cái chũm chọe cho dàn nhạc)

- Tôi từng mơ trở thành nhạc sĩ, chơi dương cầm, nhưng rồi chỉ biết chơi chũm chọe.

Ông già chơi chũm chọe và hát cho tôi nghe bài Trong rừng sinh một cây thông.

- Xin lỗi, quý cô có thích thi ca không?

- Có, thí dụ như thơ Mayakovsky, Olzhas Suleimenov, Blok và Rimbaud.

- Còn Vertinsky?

- Đó là ai?

- Cô không biết à? Chẳng lẽ chưa nghe tới bao giờ?

- Chưa ạ.

- Tôi trở lại ngay.

Một lúc sau bên thang máy vang lên một đĩa hát. Lần đầu tiên tôi nghe Vertinsky. Rồi Kozlovsky cùng nhiều người khác. Con người đó đã ở cạnh tôi đến sáng.

Ông trò chuyện, an ủi tôi. Kể về cuộc đời ông.

- Cha tôi là kẻ thù của nhân dân. Mẹ tôi, để cứu con, đã nhanh chóng ly hôn rồi bỏ cha. Chính ông bắt bà làm điều đó. Ông bảo cái chính là phải cứu lấy con trai. Rồi chúng tôi chạy đến Kazakhstan. Mẹ đã tính đúng mọi chuyện, ở đó đầy những người bị trấn áp, dễ gì họ sẽ tìm chúng tôi. Mà chiến tranh đã nổ ra.

Tôi bị tụt khỏi mẹ ở nhà ga Alma-Ata (2). Nhưng không cố tìm bà. Tôi vẫn nhớ lời cha. Cái chính là phải sống, lẩn trốn, nhưng phải sống. Sau này khi mọi chuyện kết thúc, ta sẽ tìm nhau.

Tôi bị đưa vào đồn cảnh sát. Ở đó có một phụ nữ lớn tuổi người Kazakhtan đang ngồi, nói tiếng Nga chuẩn, rất xấu hổ khi thẩm vấn tôi, nhưng không còn ai khác vì tất cả đàn ông đã ra mặt trận. Bà nói mình là nghệ sĩ dương cầm, từng học ở nhạc viện, dường như là ở Moskva. Nhưng giờ là thời giặc giã, hơi đâu đến âm nhạc.

Miệng bà sưng to, bà bị đau răng. Một cái khăn tay nhỏ được buộc trên má. Bà rất xấu hổ. Bà rụt rè đẩy dĩa bánh quy và bảo tôi ăn. Ở đó rất đông trẻ con. Đứa thì đơn giản là đi lạc, đang khóc rống, còn một số thiếu niên thì trốn ra mặt trận. Chúng bị bắt, rồi lại bỏ trốn.

Tôi xưng tên họ khác. Bà ta làm cho tôi giấy tờ gì đó, và tôi kết thúc trong trại trẻ mồ côi. Một thời gian sau tôi trốn khỏi đó.

Tôi làm quen với Chim Ưng. Một tay móc túi thần sầu, đơn giản là bậc thầy. Cậu ta dạy tôi phải tôn trọng công chúng.

- Tôn trọng?

- Dĩ nhiên rồi! Bây giờ, đám hiện nay không biết điều đó. Chúng rọc xé vô ích những chiếc túi và áo khoác, giật khỏi tay, làm hỏng mọi thứ. Còn Chim Ưng dạy nếu thó ví xong, phải cài túi xách lại. Tìm thấy giấy tờ thì phải bỏ vào hộp thư. Không lấy cắp của người tàn tật, trẻ em, bà bầu, người già, ăn xin. Cậu ta có cả một trường phái.

- Vâng, ông ta là Robin Hood.

- Mỉa mai làm gì, cô bé dễ thương, cậu ấy là dân chuyên. Bậc thầy!

- Xin lỗi ông.

- Không sao, không sao. Chỉ là hiện nay người ta không tôn trọng thầy thợ lắm. Quản lý thì đông, nhưng người lành nghề thì thiếu.

- Ông tên gì?

- Alexander.

- Còn mẹ ông gọi ông là gì?

- Aristarkh. Nhưng lâu rồi chẳng ai gọi tôi như thế nữa.

- Tôi gọi ông vậy được không?

- Được.

Tôi và Aristarkh nghe nhạc, trò chuyện. Rất thoải mái.

Sau đó, khi đồng hồ điểm 12 giờ, ông mang ra một cây như cây lau nhà, tách cửa thang máy rồi đưa tôi ống hút để tôi uống sâmbanh qua kẽ hở đó. Tôi nhìn vị cứu tinh của mình.

Đó là một người đứng tuổi. Ăn mặc lịch sự, áo vest đen, mũ và cà vạt. Tất cả mới tinh.

- Ái chà! Trông ông bảnh làm sao!

- Cảm ơn. Bởi đúng là tôi đang gặp một cô gái.

- Nhưng đây chẳng phải hẹn hò!

- Thì sao! Chim Ưng đã dạy: “Phải tôn trọng mọi người!”. Tôi gặp một cô gái, tôi tôn trọng cô ấy, có nghĩa nhìn tôi phải hợp với điều đó.

- Cảm ơn ông.

- Có gì đâu.

- Tôi lấy mất biết bao thời gian của ông.

- À, trước nhất tôi sử dụng nó với niềm vui, thứ hai, giá mà tôi có ai để tiêu pha nó… Nhưng chẳng có ai. Tôi còn lại mỗi mình vào năm mới. Chuyện là thế đấy.

Dẫu sao Aristarkh vẫn kéo được tôi ra khỏi chốn giam cầm. Đằng nào kinh nghiệm trộm cắp của ông cũng không vô ích.

- Vậy cả đời ông là kẻ trộm à?

- Không, chỉ thời trẻ thôi. Còn tôi là thợ đồng hồ. Và buôn đồ cổ. Tôi yêu đồng hồ hơn hết. Tôi thích tiếng tích tắc của nó giống trái tim người đang đập. Tích-tắc. Tích-tắc. Nếu cô cho phép, tôi những muốn mời cô đến chỗ mình. Cô đừng ngại, chúng ta chỉ dùng ít trà. Ở lối vào lạnh lắm, mà tôi không muốn cô bị cảm.

 

 

Và chúng tôi đã đến chỗ ông ấy.

Đó là một căn hộ kỳ diệu. Nhiều bức tranh, những chiếc đồng hồ khác thường, máy hát và những hộp nhạc, máy ảnh cổ, sách và đủ loại hàng hiếm khác. Đó đơn giản là một ngày hội. Tôi được nghe hàng triệu câu chuyện tuyệt vời về chiến tranh và tình yêu, về những thương binh, về Chim Ưng và những tên trộm khét tiếng khác, về Alma Ata hậu chiến và hơn thế nữa.

Chúng tôi uống trà từ những chiếc tách sứ Tàu cổ. Aristarkh đã biểu diễn cho tôi một thuật trà đạo thực thụ mà những người Trung Quốc chạy trốn cách mạng văn hóa đã chỉ cho ông.

Ông cho phép tôi thử quần áo những năm 20, 30, 40, mũ váy và giày dép. Tất cả những báu vật từ bộ sưu tập đáng kinh ngạc của ông!

Tôi đứng sau tấm bình phong được làmZ bằng lụa thật và vẽ bằng tay, cảm thấy mình là người xinh đẹp nhất trên trái đất. Chính xác là đẹp hơn cả Marilyn Monroe! Mọi chuyện kỳ diệu đến độ tới giờ tôi vẫn còn mỉm cười khi nhớ lại đêm đó và sáng hôm sau.

Trong lúc đó, một tin nhắn lại bay tới pager của tôi. “Anh là thằng ngốc. Hãy đến gấp với anh, chúng ta sẽ lại bên nhau”. Nhưng tôi chẳng đi đâu cả, tôi và Aristarkh đã lấy búa đập cái pager tuyệt vời của tôi thành từng mảnh. Hạnh phúc làm sao.

Sau đó tôi thi thoảng ghé qua thăm Aristarkh. Đó là khoảng thời gian tuyệt nhất trong cuộc đời sinh viên của tôi.

Nhưng một lần nọ đến chỗ ông, tôi thấy cánh cửa kỳ diệu với chiếc ổ khóa khổng lồ của ông không còn ở đó. Thay cho nó là một quái vật kim loại phẳng dẹt nào đó. Tôi bấm chuông. Một giọng nữ trả lời tôi sau cánh cửa, rằng người đó giờ không sống ở đây nữa. Tôi là ai? Tôi là cháu gái ông ấy! Người thừa kế của ông ấy! Còn cô là ai?

Mà quả thật, tôi là ai chứ? Tôi bối rối và nói tôi chẳng là ai cả. Rồi bỏ chạy.

Không bao giờ tôi gặp lại con người ấy nữa. Nhưng tôi luôn nhớ về ông.

Cảm ơn ông vì tất cả, Aristarkh.

Ông thật diệu kỳ!■

(Phan Xuân Loan dịch) 

​(1) Tên một nguyệt san (được đặt theo tên chú chó “Murzilka” trong truyện ngắn của nhà văn thiếu nhi A.A Fyodorov-Davydov) văn học- nghệ thuật thiếu nhi nổi tiếng thời Liên Xô, rồi Nga, xuất bản từ năm 1924 đến nay.

(2)Tên cũ của thủ đô Kazakhstan – Almaty hiện nay.

 

 

Nhà văn Zhanar Kusainova sinh năm 1979. Cuốn sách Cha tôi chỉ hút Belomor lọt vào chung kết giải “Bản thảo năm” năm 2013 và nhận được giải thưởng Sách sống. Hiện cô chuyên viết kịch bản phim và các chương trình truyền hình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận