Ông Jadav ‘Molai’ Payeng trong khu rừng rộng 550ha của mình - Ảnh: Weltfilme |
Đáng kể hơn, tại các cánh rừng ở huyện Jorhat, bang Assam miền đông bắc Ấn Độ do người đàn ông dân tộc thiểu số Mising mới chỉ học hết lớp 10 này trồng lên, những đàn voi, hổ và nhiều loài động vật hoang dã khác đã rủ nhau tìm về cư ngụ, đông đúc dần theo thời gian.
Năm nào cũng vậy, bang Assam luôn phải đối mặt với các trận lũ lụt trong mùa mưa. Năm 1979 cũng không là ngoại lệ, khi nước lũ dâng tràn bờ, hàng trăm con rắn đã bị cuốn lên theo và chết hàng loạt dưới cái nắng thiêu đốt khi nước lũ rút đi. Chứng kiến cảnh tượng thảm thương đó, ông Payeng, khi đó đang là cậu thiếu niên 16 tuổi, đã hỏi những người lớn tuổi trong cộng đồng Deori sống cách đó vài dặm về giải pháp cứu nguy cho lũ rắn.
Ông nhớ lại: “Tôi đã hỏi họ có cách nào có thể giúp những con vật tội nghiệp này khỏi bị chết nắng không. Họ bảo tôi nên trồng tre, những lùm tre sẽ giúp giữ mát cả vùng”.
Thế là ông bắt tay vào trồng 50 gốc măng tre đầu tiên mà những người lớn tuổi trong ngôi làng đó tặng. Nhưng rồi ông đã không chỉ dừng ở đó. Những ngày và những năm tháng tiếp theo, ông trồng thêm nhiều cây hơn nữa, một mình cặm cụi với công việc.
Bây giờ thì những cánh rừng do ông trồng đã được đặt tên là Molai Kathoni. Molai là biệt danh của ông Payeng, còn kathoni có nghĩa là “rừng” theo tiếng của người Assam. Mật độ ken dày của cây cối trong khu rừng khiến người ta khó tin rằng đó là sản phẩm do bàn tay chỉ của duy nhất một người đàn ông tạo nên.
Cùng với thời gian, những cánh rừng của ông Payeng không còn chỉ giúp cứu nguy cho loài rắn. Nó còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nơi cư trú cho nhiều loài động vật hoang dã khác. Tiếng tăm về ông Payeng không chỉ được người trong nước biết tới mà đã vang xa tới nhiều tổ chức bảo vệ môi trường của thế giới.
Ông Palash Ranjan Goswami, tổng thư ký của Tổ chức phi chính phủ Seven Look có trụ sở tại vùng đông bắc Ấn Độ chuyên về bảo tồn động vật hoang dã, cho rằng: “Ông Jadav Payeng đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái của bang Assam và vùng đông bắc Ấn Độ. Những việc làm của ông còn góp phần cổ vũ các thế hệ tiếp sau hành động vì lợi ích của mẹ thiên nhiên”.
Ông Payeng hiện đang sống tại làng Kokilamukh với vợ và ba người con. Ông có 50 con trâu, bò và mưu sinh bằng nghề bán sữa bò. Mỗi ngày của ông bắt đầu bằng việc vắt sữa bò lúc sáng sớm, sau đó tới trưa, ông vào rừng làm việc.
Ngày nào cũng vậy, ông đạp xe khoảng hơn 1 dặm tới Kartik Chapori, sau đó chèo thuyền sang bên kia sông và đạp xe thêm 3 dặm nữa để tới được cánh rừng của mình. Trải qua gần 40 năm gây trồng, giờ đây rừng của ông đã có hàng ngàn loại cây khác nhau. Nhiều người tò mò không biết làm thế nào mà ông có thể tưới nước được cho khoảng 550ha rừng của mình.
Nhưng ông đã tìm ra một giải pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả: “Tôi mua các bình bằng đất chứa được khoảng 5 lít nước mỗi bình và tạo ra các lỗ nhỏ ở đáy bình, sau đó dùng cỏ khô nhét vào các lỗ đó, treo cạnh những cây non mới trồng để nó nhỏ giọt từ từ xuống các cây”. Với cách đó, 550ha rừng đã được tưới nước liên tục suốt ngày một cách từ tốn, thong thả.
Ông Payeng đã nói một câu nổi tiếng với những người muốn phá rừng của ông: “Hãy chặt đầu tôi trước khi chặt cây của tôi”. Sau khi đã được tôn vinh ở cả trong nước và quốc tế, lúc này ông Payeng đã được nhận thêm một số khoản tiền tài trợ từ nước ngoài. Ông dùng số tiền đó thuê thêm bốn người giúp ông trồng và chăm sóc cây. Ông gần như quên ngay những giải thưởng người ta tôn vinh ông bởi như ông nói, ông phải tiếp tục sứ mệnh của mình là trồng cây, gây rừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận