18/02/2019 12:09 GMT+7

Người thầy thổi hồn cho văn hóa dân gian

NHẬT HUY thực hiện
NHẬT HUY thực hiện

TTO - Ông là Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên khoa văn học ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian.

Người thầy thổi hồn cho văn hóa dân gian - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (bìa trái) dẫn đoàn nghệ nhân hòa khoan Lệ Thủy giao lưu tại Bắc Ninh - Ảnh: A.P.

Thầy Vĩ là người có công lớn trong việc phục dựng hò khoan Lệ Thủy. Ông cũng là người mà người dân vùng quan họ Bắc Ninh yêu kính gọi là "thầy".

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết văn là tài nguyên văn hóa, cần phải được thấu hiểu, bảo tồn giá trị, phát triển và quảng bá.

"Cách đây mười mấy năm, một buổi tối tôi gọi điện thăm sức khỏe mẹ tôi, mẹ nói là đang xem phim Hàn Quốc Nàng Đê Chang Cưm (Dae Jang Geum). Tôi nghĩ mà thấy nhục. Lại thế này nữa chứ, đi dọc bãi biển miền Trung, thấy nhiều nhóm các bà mở loa tập dưỡng sinh, toàn nhạc Hoa thôi. Tôi nghĩ dân ca 54 dân tộc nhà mình còn hay hơn, tại sao nhạc sĩ Việt Nam không sáng tạo cho dân nghe mà tập?"

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ


Bén duyên hò khoan Lệ Thủy

* Thưa ông, cơ duyên nào khiến ông đến với hò khoan Lệ Thủy?

- Nói là nhân duyên theo ngôn ngữ nhà Phật thì rõ hơn. Tôi hành nghề nghiên cứu văn hóa dân tộc đã hơn 40 năm, đó là nhân. Cái nhân đó ngấm vào máu, cho nên gặp được văn hóa dân gian thì mừng "như cá gặp nước, như rồng gặp mây".

Còn cái duyên thì lằng nhằng lắm, nhưng cái duyên trực tiếp là khi tôi nhận sáng tác 10 đôi câu đối chữ Hán và chọn 15 đại tự cho Di tích văn hóa chùa Hoằng Phúc, ngôi chùa có gốc tích hơn 700 năm tuổi do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai mở, sau này được 9 chúa 13 vua triều Nguyễn coi là ngôi quốc tự.

Sau câu chuyện đó là việc người ta nhờ tôi viết kịch bản và tổng đạo diễn cho lễ hội chùa này thường niên. Chính vì việc này, tôi đã làm việc cùng cán bộ huyện và gặp các nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy. Tôi đã đồng hành cùng họ, không phải với tư cách một nhà nghiên cứu mà như một nghệ nhân vậy.

Người thầy thổi hồn cho văn hóa dân gian - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

* Chúng tôi nghe nhiều giai thoại về ông trong quá trình giúp dân hát hò khoan như bỏ kinh phí giúp đỡ câu lạc bộ...?

- Họ đồn thổi lên cũng có mà thật cũng có. Nhưng bình thường thôi. Bạn biết tôi rất nghèo. Nhưng tôi thấy dân họ cần mà mình thì có cách. Nếu nhịn đi một bữa nhậu có thể mua một đôi giày; bớt đi một bữa rượu ngoại có thể mua một cây nhị, bộ sáo; bớt đi một cuộc bia có thể mua vài bộ trang phục cổ truyền...

Có nghệ nhân trẻ phải đi làm ăn xa, anh ta lại có nghề đánh cá và rất sát cá, tôi mua tặng con thuyền để giữ chân anh với gia đình, làng xóm và cống hiến tiếng hát của mình. Vừa rồi chính nghệ nhân này đi thi Đàn và hát dân ca toàn quốc tại Quảng Ninh 2018 đã giành huy chương vàng khi hát bài tôi sáng tác.

Ông đồ Nghệ hát quan họ

* Có người bảo ông là ông đồ Nghệ hát quan họ. Việc ông bén duyên hò khoan Lệ Thủy thì dễ hiểu vì là người miền Trung nắng gió, nhưng ông đứng chân trên đất quan họ, hát được nhiều và được nhiều người chào thầy. Người ta còn nói ông dạy hát cho người Bắc Ninh nữa?

- Đó là một câu chuyện rất dài, nếu tính từ khi tiếp xúc đến khi về với quan họ cũng đã hơn nửa thế kỷ rồi. Tôi lặng lẽ theo đam mê của mình.

Đi nhiều, sống nhiều trên đất văn vật đó, gặp gỡ các nghệ nhân già, đặc biệt học hỏi các anh chị nghệ sĩ khóa 1 Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, rồi gặp gỡ các bậc thầy, các đàn anh đã nghiên cứu sưu tầm quan họ từ năm 1958 như Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Lưu Hữu Phước, hoặc lớp sau một tí như nhạc sĩ Hồng Thao, Đặng Văn Lung..., sưu tầm sách vở tương đối đầy đủ, tôi tạo ra cái vốn và cách tiếp cận riêng mình, quan niệm riêng mình về di sản văn hóa này.

Tôi hát được đủ bài bản là vì học nhiều trong chốn dân dã. Nhưng tôi hát không hay. Trời không cho tôi cái giọng. Tuy nhiên những anh chị đàn anh, những nghệ nhân kỳ cựu đều khen tôi hát "có màu". Thế là được rồi. Cái cần nhất của dân ca là phải có màu. Người nghiên cứu cũng chỉ cần đến vậy. Vấn đề là cần thấu hiểu nó.

Nghệ nhân họ hát đa dạng lắm, đủ mẹo mực, âm sắc. Nhưng hỏi họ tại sao lại phải hát như vậy, tại sao phải nhả chữ, nhả âm như vậy, để hát được như vậy thì phải làm thế nào... họ chỉ trả lời là hát theo cụ A, cụ B thôi, các cụ hát vậy.

Còn dạy người Bắc Ninh hát thì tôi không dám. Tôi chỉ dạy cho sinh viên mình và những người chưa biết hát thôi. Dạy vỡ ra rồi dắt họ đi nghe nghệ nhân, nghệ sĩ hát để nhìn mồm mà chuốt lại.

Tiến lên để chơi, tôi học các nghệ nhân già như cụ Nguyễn Đức Sôi viết lời cổ. Cái chuyện viết lách thì tôi thạo. Một số bài của tôi được dân yêu và truyền tụng. Khi hát họ cũng chẳng biết là tôi viết nữa và tự tạo ra những dị bản cho nó. Thế mới là dân gian.

Mỗi người một nghề, thế mới chia ra nghệ nhân, nghệ sĩ và nhà nghiên cứu. Tôn trọng nhau và hỗ trợ nhau để giữ gìn, phát triển. Tôi học tất cả mọi người và giúp tất cả mọi người khi đã là bạn quan họ với nhau.

Người không danh vị

* Ông dành cả một đời giảng dạy và nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian. Nhiều cựu sinh viên nói không được nghe ông giảng là thiệt thòi, người thì nói ông là từ điển sống về văn hóa dân gian, sao ông không có học vị, học hàm gì cả?

- Bạn bè thân yêu, người thân ruột thịt nhiều lần nói với tôi là "giá như...". Nhưng với người nghiên cứu truyền thống quá khứ như tôi thì tôi hiểu rõ định đề "Lịch sử không có giá như". Một con người cũng vậy. Có thực tồn, có ham muốn, có đam mê, có hành động, có ý định... Ai cũng thế hết. Nhưng tất cả là Con quay búng sẵn trên trời/Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm (Nguyễn Gia Thiều) thôi. Cuộc đời mà.

Tôi sống như cỏ, bò lan và dai dẳng. Không có lập trình cho tương lai bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời. Tự do và tùy tiện. Nhưng có một ý nghĩ từ bé thơ: đừng làm những người thân yêu phải bận tâm về mình. Nói cách khác, khi nghĩ về mình họ có sự yên lòng nào đó. Thế là được thôi.

So với bao nhiêu người bất hạnh thì tôi khá hơn họ nhiều. Buông bỏ hết đi cho nhẹ nhàng. Làm điều tốt cho tâm mình khỏi uất kết mà nên bệnh tật. Góp được gì cho đời thì góp đi. Quên mình đi càng sớm càng tốt. Sự tử tế, đó là điều tôi ngày nào cũng lấy đó làm phương châm hành động. Tôi đã được quá nhiều. Đã làm dân gian thì tận cùng dân dã đi.

Nghệ nhân đa nền tảng

nguyen xuan hai

Nhà báo Nguyễn Xuân Hải

Thầy Nguyễn Hùng Vĩ của chúng tôi như Vô Danh Thần tăng trong Thiên long bát bộ, mặc dù đạt đến cảnh giới thượng thừa nhưng chỉ lặng lẽ làm việc trong Tàng kinh các, không đẳng, không đai... Tất cả các thế hệ sinh viên đều nhớ và yêu mến người thầy bé nhỏ nhưng nhanh thoăn thoắt, uyên bác và hóm hỉnh. Trên hết là tấm lòng thầy, gần gũi và sẵn sàng hi sinh cho bạn bè, cho học trò và những người thân thiết, hoặc không thân thiết nhưng cần đến thầy!

Cái gì thầy cũng biết vậy mà thầy chẳng ra sách, dẫu ở nhiều mảng thầy thực sự là chuyên gia. Thầy chẳng ra thơ, dẫu những bài thơ thầy viết đều hay đến nao lòng. Chỉ biết rằng học trò và các nhà nghiên cứu đều có thể và luôn tìm thấy ở thầy những lời khuyên đích đáng, những tư liệu cẩn trọng, những gợi ý đầy tinh thần giác ngộ.

Với hò khoan Lệ Thủy, để phục dựng di sản văn hóa này, thầy cất công phát minh một cái đàn chuyên dụng, tạm gọi là "đàn ông Vĩ". Chưa hết, thầy còn sáng tác 19 bài hát chuyên dụng cho đám ma, đám cưới, chỉ để "cái thằng đó ở lại quê nhà, đừng sang Thái Lan làm ăn nữa". Thầy Vĩ của chúng tôi là vậy, như một nghệ nhân đa nền tảng. Gần thầy lúc nào cũng thấy dễ thở!

Nhà báo Nguyễn Xuân Hải

(chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh, cựu sinh viên khoa văn ĐH Tổng hợp Hà Nội)

Thầy giáo say mê văn hóa dân gian

TTO - Đọc sách, đi chùa, gặp các cụ cao niên tìm hiểu phong tục người dân... thầy Trần Minh Thương viết thành sách, giảng dạy cho học trò cái hay cái đẹp của văn hóa miền Tây.

NHẬT HUY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên