Xã hội yêu cầu cao ở nhà giáo nhưng chưa dành sự đãi ngộ tương xứng. Trong ảnh: giáo viên chấm thi THPT quốc gia 2017 tranh thủ ăn sáng với khoai lang trước khi nhận bài thi để chấm (ảnh chụp tại một điểm chấm thi ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) - Ảnh: K.NAM |
>>
Giao trách nhiệm nhưng tước quyền giáo dục học sinh
Ngày xưa, sự tôn kính với gia sư, thầy đồ trong mỗi gia đình lên đến tuyệt đối. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Ngày nay, xã hội đổi thay, quan hệ giữa thầy trò cũng nhiều thay đổi. Nhiều vị phụ huynh tự cho mình cái quyền của người bỏ tiền “mua chữ” nên lắm lúc xem thường ngay chính người dạy cho con mình tri thức, nhân cách.
Tính xấu ấy nhanh chóng truyền từ bố mẹ sang con cái khiến không ít trò thiếu tôn trọng thầy, thậm chí hỗn láo. Nhiều đứa trẻ quen được cưng chiều, cung phụng từ gia đình nên đem lối hành xử của “ông vua con” đến trường.
Lười học, quậy phá, đối đáp bốp chát, trừng mắt thách thức ngay chính với giáo viên đang đứng lớp. Thế là trong giây phút thiếu kiềm chế, “họa” đến ngay với thầy.
Một cái gõ đầu, một cái bạt tai, một vài lời lẽ tức giận của thầy nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích, phê phán.
Phụ huynh nghe từ một phía vội vàng lên mạng tố cáo bạo lực, có người còn lao đến trường “xử tội” giáo viên. Dư luận chưa kịp hiểu rõ ngọn ngành cũng a dua mạt sát, đe nẹt, tẩy chay người thầy.
Cái sai của nhiều thầy cô trong các vụ việc ấy chính là “cả giận mất khôn”, sử dụng biện pháp giáo dục chưa hợp lý. Nhưng từ đây cũng lộ ra lỗ hổng lớn của phương pháp giáo dục hiện đại khi trao quá nhiều quyền dân chủ cho con trẻ mà tước hết quyền giáo dục của người thầy.
Người thầy đang dần biến thành “máy dạy”, “thợ dạy” bất đắc dĩ. La mắng học sinh bị quy vào xúc phạm danh dự học trò. Dùng roi vọt uốn nắn bị kết tội xâm phạm thân thể học trò. Thế là không ít người đành “ngoảnh mặt làm ngơ” trước lời nói vô lễ, hành động xấc xược.
Trao cho người thầy trọng trách dạy chữ và dạy người, gắn sự tiến bộ hay thụt lùi của mỗi đứa trẻ vào trách nhiệm của người thầy. Thế mà chẳng có lòng tri ân thầy, thiếu sự tôn kính thầy và tước sạch quyền giáo dục học sinh của nhà giáo. Đó là sự công bằng ư?
Nghề giáo thanh cao nên phải “thanh đạm”?
Khi đã khoác lên mình người thầy chiếc áo “nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý”, dư luận mặc nhiên “gò” người thầy vào cái khuôn: thanh cao và thanh đạm.
Vì thanh cao nên không được nhắc đến chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Vì thanh đạm nên không được kêu ca lương thấp, không được đòi quyền làm thêm, không được mở lớp dạy thu tiền…
Và hễ nhà giáo nào lên tiếng kêu than thì ngay lập tức bị khép vào cái “tội”: đánh mất lòng tự trọng, làm vẩn đục tâm hồn nhà giáo, không xứng đáng với tư cách người thầy…
Tuy nhiên, người thầy cũng là con người. Song song với việc chăm lo cho sự nghiệp trồng người là nỗi lo toan cho muôn bộn bề của cuộc sống.
Ai có thể toàn tâm toàn ý trau dồi tri thức, bồi dưỡng tâm hồn, uốn nắn kỹ năng cho thế hệ trẻ khi bản thân còn đang trăn trở về một mái nhà dột nát và con cái nheo nhóc? Khó lắm thay!
Giáo viên mới ra trường hiện lương khoảng 3 triệu, ngót nghét mười lăm năm tuổi nghề khoảng 5 triệu. Lính” hợp đồng còn bèo bọt hơn nhiều: tầm 20.000 mỗi tiết dạy và khoảng 400.000 mỗi tuần.
Chính vì đồng lương “là là mặt đất” ấy mà nhiều người đã bỏ nghề hoặc “rẽ ngang” sang trong day dứt, tiếc nuối. Và cũng chính cái mức lương khiêm tốn ấy đã không đủ sức níu chân người giỏi, người tài về với giảng đường sư phạm.
Mưu cầu hạnh phúc là quyền lợi chính đáng của con người. Vậy thì việc nhà giáo mơ ước, thỉnh cầu một mức lương tương xứng với áp lực công việc cũng là quyền lợi chính đáng.
Bao giờ nhà giáo sống thoải mái bằng lương thì lúc ấy sự đầu tư cho công việc sẽ nhân lên, chất lượng giáo dục tự khắc sẽ tăng lên. Và đó cũng chính là đòn bẩy hữu hiệu tạo ra sức cạnh tranh hấp dẫn của nghề giáo giữa thị trường lao động đầy sôi động.
Xem thêm: >> >> >> ' >> >> |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận