24/11/2013 07:10 GMT+7

Người thầy của sáng kiến

THÚY HẰNG
THÚY HẰNG

TT - Dù không trực tiếp đứng lớp, nhưng hơn chục năm qua thầy Trần Hoàng Túy (quyền chánh văn phòng Sở GD-ĐT Vĩnh Long) luôn tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp để kích thích học trò đam mê học tập.

oFT6TX8B.jpgPhóng to
Thầy Túy giới thiệu đề án “Hình thành tính trách nhiệm và minh bạch cho học sinh tiểu học” - Ảnh: Thúy Hằng

Đầu năm 2012, đề án “Hình thành tính trách nhiệm và minh bạch cho học sinh tiểu học” được đưa đến các trường học. Nghe tên đề án, nhiều giáo viên đã toát mồ hôi hột vì thấy cái tên gọi có vẻ quá tầm của học sinh, vì đây là đề án đoạt giải sáng kiến xuất sắc tại cuộc thi chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng VN (VACI) năm 2011 do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại VN phối hợp tổ chức.

Từ “Điều em muốn nói”

"Cái mới xuất hiện lúc nào cũng khó khăn nhưng nếu nó không hữu ích chắc chắn mọi người không tiếp nhận. Điều quan trọng là sau khi cái mới phát huy hiệu quả thì người thừa kế sẽ phát triển nó như thế nào, không phong trào nào tự sống cả"

Thầy Trần Hoàng Túy

"Bên cạnh việc liên tục đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm mới, thầy Túy đưa ra phong trào là theo đến cùng, không phải làm theo kiểu “đem con bỏ chợ” nên hiệu quả rất tốt"

Trương Thị Bé Hai (giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long)

Sau khi đoạt giải, đề án được hỗ trợ vốn để triển khai thí điểm tại tám trường tiểu học trên địa bàn tám huyện, TP ở Vĩnh Long. Hỏi về đề án bị cho là “quá hớp” này, thầy Túy cười tươi: “Nói là chống tham nhũng cho hoành tráng chứ thực tế là từ những điều chỉnh nhỏ về nhận thức, thói quen trong sinh hoạt, học tập hằng ngày góp phần hình thành ý thức tự giác, minh bạch của các em sau này. Ban đầu là những điều đơn giản nhưng dần dần sẽ tạo thành một khả năng phản xạ tự nhiên cho các em trước những điều sai trái. Nói chung rất phù hợp và bổ ích với học sinh”.

Theo đó, đề án này chú trọng xây dựng tính trung thực, mạnh dạn trong ứng xử cho trẻ thông qua việc thực hiện bảng thông tin “Điều em muốn nói”, hộp thư “Em mong muốn gì ở người lớn”. Ngoài ra còn có mô hình siêu thị học đường để học sinh hình thành tính tự giác khi mua hàng ở siêu thị. Sau một năm triển khai, hiệu quả các mô hình này đạt được rất lớn, thu hút nhiều học sinh tham gia.

Từ kết quả này, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo mở rộng đề án ra tất cả các trường trong tỉnh. Theo thầy Võ Phước Thọ (hiệu trưởng Trường tiểu học Thiềng Đức, TP Vĩnh Long), hằng tuần lãnh đạo trường đều nhận và trả lời công khai 7-8 thư thắc mắc, góp ý của học sinh. Số còn lại giao giáo viên chủ nhiệm giải đáp cho các em. Còn bảng thông tin “Điều em muốn nói” cũng nhận được hàng trăm bài viết của học sinh. Thầy Thọ nói: “Từ hoạt động này, tính trách nhiệm của học sinh tăng rõ rệt. Các em biết thắc mắc nhiều vấn đề hay, tham gia đóng góp ý kiến cho các hoạt động của trường, đặc biệt là khi vào siêu thị học đường các em có ý thức như người lớn. Trong giao tiếp hằng ngày các em mạnh dạn hơn chứ không còn e dè như trước. Phải nói là các em thật sự làm chủ trường học, lớp học của mình”.

Đến “Ngày hội sân trường”

Một sáng kiến khác của thầy Túy được đông đảo học sinh, giáo viên và phụ huynh rất thích là ngày hội hoạt động sân trường. Thầy Túy cho biết sân trường là sân chơi rất quan trọng của học sinh nhưng hiện đa số trường học chưa phát huy hết sân chơi này gắn kết học sinh với nhau. Thế là thầy phát động ngày hội hoạt động sân trường. Theo đó, ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động như múa hát sân trường, bài thể dục tay không, thể dục nhịp điệu, dân vũ, võ thuật... và kết thúc bằng màn trình diễn xếp chữ trong sân trường. Không khí ngày hội với nền nhạc tươi vui tạo cảm giác thích thú cho học sinh. Còn trang phục, đạo cụ chỉ cần gọn, đẹp chứ không cầu kỳ, lập dị. Thầy Nguyễn Minh Trí, giáo viên Trường THCS Long Hồ, cho biết ngày hội hoạt động sân trường đã kết nối các thành viên trong nhà trường và cả phụ huynh để hoàn chỉnh các tiết mục nội dung đồng diễn, khai thác tối đa sân trường để hoạt động. Thông qua đó hình thành kỹ năng hợp tác, tính đồng đội, tính tập thể và tăng cường sức bền bỉ của học sinh thông qua chuỗi hoạt động liên hoàn ngoài trời. Nhiều đội hình đẹp có thể biểu diễn, dự thi trong các ngày kỷ niệm, hội thao, hội khỏe... Hiệu quả của hoạt động này là không thể phủ nhận.

Bên cạnh đó, thầy Túy cũng mạnh dạn đưa việc dạy học bằng bản đồ tư duy theo cách riêng của thầy. Thầy giải thích: “Giáo viên áp dụng bản đồ tư duy vào giảng dạy thì trước nay mình đã làm rồi. Tuy nhiên nếu giáo viên soạn bài bằng bản đồ tư duy thì chỉ giáo viên nhớ. Tôi muốn khuyến khích học sinh tham gia nên tham mưu với lãnh đạo sở việc sử dụng bản đồ tư duy cho cả giáo viên và học sinh, đồng thời tổ chức thêm các hội thi để cổ vũ tinh thần sáng tạo của học sinh”. Cách sử dụng bản đồ tư duy ở Vĩnh Long khác với các địa phương khác nên hiệu quả cũng khác. Hiện nay ở các trường THCS, THPT... giáo viên và học sinh rất chuộng sử dụng bản đồ tư duy vì học sinh nhớ bài lâu hơn, đặc biệt là học sinh trung bình, yếu.

Mới đây, thầy Túy vừa triển khai nội dung “ba đủ” nằm trong phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực cho một số trường trên địa bàn. Thầy cho biết lần này hình thức áp dụng sẽ lạ hơn. Theo đó, học sinh thành thị có điều kiện sẽ quyên góp tập, sách, quần áo, truyện, đồ chơi...cho trường. Nhà trường thống kê số học sinh khó khăn của trường để tặng, còn dư bao nhiêu báo về sở GD-ĐT. Các trường vùng sâu thống kê số lượng học sinh khó khăn, nhu cầu các em thiếu món gì để đăng ký. Sau đó các trường sẽ trực tiếp kết nối với nhau để học sinh được nhận quà và viết thư cảm ơn gửi lại bạn mình.

Thư viện xanh

Thầy Túy cho biết sản phẩm đầu tay của mình là đề án “Nâng cao nhận thức, hình thành thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học”. Đó là việc xây dựng các mô hình thư viện lớp học, thư viện ngoài trời (thư viện xanh). Với phương châm “Tặng một quyển sách để đọc được nhiều quyển sách”, thư viện ngoài trời được sự đóng góp của rất đông học sinh. Mỗi em góp 1-2 quyển sách nhưng đổi lại các em được đọc nhiều gấp mấy lần số lượng sách đã đóng góp. Còn với thư viện lớp học, số sách có được là do phụ huynh, học sinh đóng góp, do mượn của thư viện tổng hợp... Số sách này được luân chuyển giữa các lớp để học sinh có thể đọc được nhiều loại sách. Thầy Túy giải thích: “Ở nông thôn học sinh đâu có tiền mua sách tham khảo, đến thư viện thì chật hẹp, rồi phải đúng giờ giấc nữa nên rất khó cho các em. Với mô hình thư viện lớp học và thư viện ngoài trời, học sinh có thể đọc sách ngay tại lớp hoặc tranh thủ giờ ra chơi có sách để đọc và bàn luận”.

THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên