Tuy nhiên trong quá trình làm việc, trưởng thành của mình, tôi lại có may mắn được đi theo sau thầy, học tập ở thầy.
Có thể nói thầy Trần Hồng Quân là một trong những người đã tác động, ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, từ tư duy, quan điểm đến cả phong cách làm việc, mặc dù tôi biết mình còn xa lắm mới có thể học được thầy, mới trở thành một học trò của thầy.
Với tôi, thầy có rất nhiều điều để học, nhưng phải chăng những nét nổi bật đó là: tận tâm với giáo dục nước nhà, đặc biệt là giáo dục đại học; tầm nhìn rộng và tư duy đổi mới, cải cách một cách mạnh mẽ; kiên quyết theo con đường đổi mới nhưng luôn tỉnh táo lắng nghe, cân nhắc các ý kiến khác nhau; và phong thái luôn điềm tĩnh, kiên trì thuyết phục, tận tụy với điều tâm huyết cho đến lúc còn có thể.
Trong quá trình làm việc của mình, rất nhiều lần tôi trở về cùng thầy để xin ý kiến, để nghe thầy chia sẻ những ý tưởng và đôi khi chỉ để được gặp, được thấy một người thầy mà mình kính trọng. Để rồi sau đó bình yên trở về cùng công việc hằng ngày.
Có những buổi chiều Hà Nội, trong cái rét buốt da, thầy gọi tôi đến khách sạn, một khách sạn bình thường trong một phố nhỏ, để thầy chia sẻ những quan tâm về giáo dục nước nhà. Trong cái rét của mùa đông Hà Nội, tôi cảm nhận được cái nóng, cái ấm áp từ thầy truyền qua mình. Ngồi nghe thầy nói, tôi cảm thấy mình thật nhỏ nhoi từ tư duy đến quyết tâm trong công việc. Lúc đó thầy đã ngoài 70 tuổi và vẫn đi về giữa TP.HCM - Hà Nội với những đau đáu, trách nhiệm cùng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Mới đây thôi, trước lúc vào đợt điều trị mới, dẫu không thật khỏe để nói nhiều, thầy vẫn còn trao đổi về tình hình giáo dục và những băn khoăn với quá trình đổi mới giáo dục. Thế mà giờ thì thầy đi xa rồi!
Những đóng góp của thầy, những cải cách của giáo dục đại học Việt Nam (hệ thống giáo dục tư thục, tự chủ đại học, chất lượng đào tạo, trách nhiệm nhà nước, xã hội...) theo thời gian sẽ được xác nhận rõ hơn, hoàn thiện hơn. Nhưng từ nay trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam sẽ mãi mãi không còn có thầy, một người thầy của cải cách giáo dục, của đổi mới, một người quản lý giáo dục có tầm và tâm huyết một đời với giáo dục.
Em sẽ không còn được về để nghe và học hỏi nơi thầy.
Thầy ra đi bình yên!
Cây đại thụ của giáo dục nước nhà
Giáo sư Trần Hồng Quânlà người suốt đời tâm huyết với công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà. Tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc với thầy Quân. Năm học 1986-1987, khi mới về công tác tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, tôi thật sự ấn tượng về thầy Trần Hồng Quân - vị bộ trưởng Bộ GD-ĐT gốc Nam Bộ, chân thành và gần gũi với mọi người khi thầy đến thăm trường cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thầy đến xưởng động cơ đốt trong của trường và hỏi tỉ mỉ về thiết bị dạy học ngành ô tô mà Mỹ để lại. Thầy quan tâm đến điều kiện ăn ở, giảng dạy của các thầy cô những năm đó thực sự khó khăn.
Sau này, khi tôi làm hiệu trưởng, với cương vị chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng, thầy Quân luôn hỏi thăm về việc đổi mới ở trường và mong muốn chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm với các trường đại học khác trong các hội nghị hội thảo do hiệp hội tổ chức.
Thầy luôn căn dặn: "Đổi mới giáo dục đại học rất khó. Lãnh đạo các trường năng động sẽ biết cách áp dụng thành công những cái hay của mô hình giáo dục đại học của các nước phát triển vào thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, muốn đổi mới giáo dục thì lãnh đạo phải sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phải đối mặt với nhiều thử thách khi tư duy đổi mới của các bên liên quan chưa theo kịp".
Thầy Trần Hồng Quân thực sự là một cây đại thụ của giáo dục nước nhà. Thầy vĩnh viễn ra đi là một sự mất mát to lớn đối với đất nước, nhưng tấm gương của thầy sẽ mãi mãi soi sáng thế hệ chúng tôi.
PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận