Thầy giáo Phạm Đình Được hoàn thành hồ sơ xin học bổng Tiếp sức đến trường cho học trò - Ảnh: B.D.
Đã giới thiệu là phải xứng đáng, không phải chỉ nhận khoản học bổng rồi là xong mà đó còn là món nợ ân tình mà các em, ngay cả bản thân tôi cũng phải tự ý thức khi đi làm hồ sơ.
Thầy PHẠM ĐÌNH ĐƯỢC
Thầy Phạm Đình Được là giáo viên dạy môn lịch sử Trường THPT Ngũ Hành Sơn, nay thầy chuyển qua Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng.
Đưa học trò qua khúc sông khó
Lần cà phê đó, đưa hồ sơ của học trò, thầy nói: "Đó là Mai Thị Ngô Mây - học trò của tôi. Nhìn thành tích xuất sắc như thế này thì chuyện đậu đại học không phải bàn, nhưng ngặt nỗi gia đình Mây rất nghèo.
Bố bị tâm thần, hai chị em Mây phải ở với mẹ nhưng công việc của mẹ cũng không ổn định, khu đất của cả nhà vừa bị giải tỏa. Không đưa Mây qua khúc sông khó khăn nhất này thì tôi sẽ rất áy náy".
Mấy hôm sau, để kịp thời hạn nộp hồ sơ, tự tay thầy Được chạy tới phường xin xác nhận, tới nhà hì hụi hướng dẫn Mây hoàn thiện bộ hồ sơ. Một buổi sáng, chiếc xe máy của thầy đã đứng đợi sẵn. Thấy chúng tôi, thầy chìa tập hồ sơ và bảo: "Tất cả thủ tục cần thiết tôi đã bảo Mây hoàn thiện đây rồi. Tôi chờ tin vui từ ban tổ chức".
Chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường năm đó diễn ra tại TP Hội An có tên của Mai Thị Ngô Mây, là kết quả của hành trình đầy ấm áp từ người thầy giáo của mình. Nay Mây đã là sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Dược Hà Nội.
Mùa xét chọn học bổng năm nay, qua điện thoại, Mây đã ăn nói lưu loát hơn. Chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rất lớn từ cô học trò nghèo nhận học bổng ngày nào. "Việc học rất nhiều chật vật và khó khăn nhưng em đã biết những gì cần làm để theo hết những năm còn lại. Lúc em vào ĐH thực sự quá khó khăn, nếu không có học bổng 10 triệu đồng của báo Tuổi Trẻ, nếu không có thầy Được thì không chắc rằng em có thể có ngày hôm nay" - Mây nói qua điện thoại.
Những vòng xe miệt mài của ông "sứ giả"
Nhiều đồng nghiệp và các thế hệ học trò biết thầy Được đều trêu thầy bằng biệt danh khá khôi hài: "thầy giáo của học trò nghèo". Hàng chục năm đi dạy tại Đà Nẵng, thầy đã trực tiếp giúp đỡ không biết bao nhiêu học trò.
Đi xin tiền đồng nghiệp tặng cho học trò, đi vận động bạn bè, đặc biệt là năm nào học bổng Tiếp sức đến trường cũng có sự xuất hiện rất tình cảm của thầy Được. Tự thầy đi tìm học trò, hướng dẫn viết đơn, tìm gặp người phụ trách, các phóng viên để gửi hồ sơ.
Hồ sơ gửi đi thầy còn... đeo bám cho tới lúc dìu học sinh lên bục vinh danh tân sinh viên nghèo. Thầy còn là gương mặt không mấy xa lạ trên nhiều trang báo với những mẩu chuyện xúc động, chân thực về tấm gương học hành của học trò nơi mình giảng dạy.
Mùa học bổng 2018, thầy Được chở chúng tôi tới nhà một học trò được tuyển thẳng vào Trường ĐH Quốc tế TP.HCM mà không báo trước cho gia đình. Lúc thấy thầy tới, một người mẹ gù lưng, khuôn mặt luôn song song với mặt đất trong mỗi bước đi đã rất lúng túng vì thầy giáo của con đột ngột tới.
"Tôi xuống mà không nói trước để... cho thực tế. Mỗi sự giúp đỡ lúc này tôi biết sẽ vô cùng quý giá". Năm đó, với sự trợ giúp của thầy Được, Phạm Hòa Nhi - cô con gái của một phụ nữ đơn thân, bị tật gù lưng, sống trong căn nhà ọp ẹp ở đường Đỗ Thúc Tịnh (TP Đà Nẵng) - đã may mắn nhận suất học bổng trị giá 10 triệu đồng.
Suất học bổng đó như ngụm nước quý giá cứu khát người bộ hành giữa sa mạc. Nhi đã qua một năm đầu đầy biến động, chuẩn bị vào năm thứ hai ĐH Quốc tế TP.HCM.
Như đã thành "sứ giả" không thể thiếu, hàng chục học sinh qua sự giới thiệu của thầy Được đã tới được với học bổng Tiếp sức đến trường. Tất cả những nhân vật thầy giới thiệu đều đạt tiêu chí, bởi thầy bảo thầy hiểu rất rõ "chất" của học bổng cứu sinh cho học trò nghèo này.
Mùa "tiếp sức" 2019
Mùa học bổng năm nay, chúng tôi đã tìm tới hai học trò qua sự giới thiệu, chỉ dẫn của thầy Được. Hai học trò nghèo ấy là hai câu chuyện về một nghịch cảnh mà không ai có thể nghĩ tới.
Rằng cuộc sống đã thay đổi, khá hơn rất nhiều nhưng ở đâu đó trong thành phố rộng lớn này vẫn có những ước mơ bỏng cháy được ươm gieo, nhen nhóm từ những gia cảnh nghiệt ngã.
Có thể các em cũng sẽ tự đi được, tự vào được đại học như cách các em từng đi qua 12 năm phổ thông, nhưng hành trình sẽ bớt nhọc nhằn hơn nếu có một bàn tay chìa ra lúc này.
Ngoài thầy Được, năm nay chúng tôi còn nhận được lời đề nghị giúp đỡ học trò nghèo từ các thầy cô giáo vùng cao cách TP Đà Nẵng hàng trăm kilômet. Thầy Võ Đăng Chín, hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Don (Nam Trà My, Quảng Nam), đã đưa chúng tôi trực tiếp gặp một học sinh mồ côi, ba năm nay theo học ở Làng SOS Đà Nẵng và cũng vừa đậu ĐH tại Đà Nẵng.
Thông tin nhận hồ sơ Tiếp sức đến trường 2019, mời độc giả đọc TẠI ĐÂY.
1.000 suất học bổng Tiếp sức đến trường hỗ trợ tân sinh viên
Dự kiến, năm học 2019-2020 chương trình sẽ dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển ĐH, CĐ với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt.
Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: [email protected] hoặc điện thoại: 028.39973838. Đồng thời, bạn đọc có thể ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện đi lại, dụng cụ học tập... cho tân sinh viên. Đây sẽ là sự hỗ trợ ban đầu và động lực tinh thần để các bạn tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời.
Kinh phí ủng hộ đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực; chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên", hoặc tên các cá nhân độc giả muốn giúp đỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận