Thầy Thắng và 4 em học sinh con nuôi - Ảnh: SƠN LÂM |
Thầy Nguyễn Quốc Thắng bước ra khỏi lớp 1, vỗ tay mấy tiếng. Có 4 em học sinh lập tức tụ lại bên thầy... Các em đợi thầy Thắng kiểm tra một lượt chân tay, mặt mũi, quần áo trước khi cho về nhà ở lưng chừng núi.
Chắc không có ai từ chối chức vụ, chịu bám giữa rừng mà nuôi con của người dưng như ông giáo này |
Ông TRẦN VĂN DŨNG (phó ban ấp Tà Lọt, xã An Hảo) |
Không nhận nuôi thì học trò nghỉ học
Cả bốn em tuy về nhà của mình nhưng mỗi sáng các em đều phải tập trung tại trường từ rất sớm để nhận phần ăn sáng, nhận vài ngàn ăn vặt, đi học, rồi ăn trưa, kiểm bài... từ thầy Thắng. Quần áo, sách vở hay tất tần tật mọi thứ của mỗi em đều được chính thầy Thắng chăm lo từ nhiều năm nay.
“Ở đây ai cũng gọi tụi nó là con của mình, vì chỉ có ban đêm là tụi nó về nhà ngủ, còn lại mình nuôi từ A đến Z” - thầy Thắng cười hể hả chỉ vào căn nhà gỗ với mái tôn thủng lỗ chỗ ở góc trường, nơi thầy ở. Thầy nói tiếp: “Căn nhà mình hẹp quá, không thì chắc tụi nó ở đây luôn rồi”.
Thầy Thắng bước vào căn nhà gỗ này từ hồi mới tốt nghiệp sư phạm năm 2005. Lúc đó, ngoài căn nhà gỗ cùng 5 lớp học, dường như chỉ có... muỗi và cây rừng đón người giáo viên mới ra trường quê huyện Chợ Mới lên đây dạy học.
Điện chưa có, nước phải dự trữ từ những cơn mưa bất chợt sầm sập giữa rừng. Ngôi trường có vị thế khá đặc biệt, lọt sâu giữa hai ngọn Núi Dài, Núi Cấm nên dù chưa tới 100 học sinh nhưng lại tập hợp từ 4 xã khác nhau.
Phần nhiều các em tự băng rừng đi học. Những bữa trưa của người thầy trẻ dần dà có thêm vài em ở lại ăn cùng, để khỏi phải lội rừng dăm ba cây số đi về mỗi khi học hai buổi.
Ba năm, thầy Thắng vừa quen với nhịp sống ở đây thì được luân chuyển về lại cơ sở chính của trường ở ấp Thiên Tuế, ngay trên đỉnh Núi Cấm. Dù cùng xã nhưng con đường từ ấp Thiên Tuế đến ấp Tà Lọt phải đi vòng hơn 20km.
Tuy điều kiện sống tại ấp Thiên Tuế tốt hơn cơ sở phụ ở ấp Tà Lọt nhưng lúc đó thầy Thắng nhận ra mình đã gắn bó với Tà Lọt. Nên đến năm 2010, ngay khi dưới này thiếu giáo viên, thầy lại xin được luân chuyển về đây. Lúc đó cũng có không ít người nói thầy bị “khùng”.
Ngày thầy Thắng trở lại với căn nhà gỗ xập xệ thì dù chưa có nước nhưng đã có dàn năng lượng mặt trời phát điện. Đồng lương của giáo viên tiểu học hằng tháng tiếp tục được thầy Thắng san sẻ đều vào những bữa cơm trưa của các em học sinh nghèo.
Năm 2011, thấy đường về nhà của em Huỳnh Thị Ngọc (học sinh lớp 1) và chị gái Huỳnh Thị Huệ (học lớp 4) quá xa nên thầy Thắng nhận nuôi cả hai chị em. Đó là lần đầu tiên thầy Thắng có “con”.
Thầy Thắng kể: “Tui không bao giờ quên được con đường lần đầu tiên đi về nhà em Ngọc. Ngã bên nào cũng là nước, lên chút nữa thì chỉ cần trượt chân là lăn xuống núi. Ba thì làm thuê, mẹ đi chăn bò cho người ta. Nếu tui không nhận lời nuôi thì hai đứa phải nghỉ học”.
Bây giờ Huệ đã học đến lớp 9 ở Trường trung học Thiên Tuế, còn Ngọc học lớp 5. Thầy Thắng còn đang nuôi thêm Huỳnh Văn Lượm, học lớp 1, là em út của hai học sinh này.
6 năm nay, năm nào thầy Thắng cũng nhận nuôi các em học sinh nghèo khó để lo cho ăn học hoàn toàn bằng tiền lương của thầy. Nghỉ hè thầy cũng ít về nhà thăm ba mẹ ở huyện Chợ Mới mà ở lại dạy rèn thêm miễn phí cho các em. Cách nay 3 năm tôi định đề nghị thầy Thắng làm phó hiệu trưởng nhưng thầy từ chối. Đề xuất xét khen thưởng cho thầy về thành tích nuôi trẻ ăn học, thầy cũng từ chối luôn. Thầy muốn làm âm thầm nên tôi tôn trọng |
Thầy NGUYỄN THÀNH TRUNG (nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học “B” An Hảo) |
5 triệu đồng lo cho "7 đứa con"
5.377.000 đồng tiền lương mà thầy Thắng nhận hiện nay đều được tính toán cẩn thận để lo cho 7 “đứa con” đầy đủ áo quần, sách vở, ăn trưa, ăn vặt hằng ngày. Em này bớt khó khăn thì lại lo cho em khác, theo khả năng mà thầy Thắng đã tính toán chi li.
Trong số này có hai anh em Trần Quốc Bảo đang học lớp 3 và Trần Quốc Trí đang học lớp 1, cha mẹ các em đã đường ai nấy đi. Hai đứa đã từng dắt tay nhau lang thang ở khu vực huyện Tri Tôn. Ông bà ngoại của hai em tìm gặp, mang về khẩn khoản xin “ông giáo” Thắng lo giùm. Lúc ấy cả hai em đều chưa có giấy khai sinh.
Thầy Thắng nhận lời. Em Bảo được thầy Thắng đưa vào lớp 1 giữa năm học, và cũng đã “bị” chính thầy Thắng bắt học đúp lại năm sau cho đủ chuẩn. Với thầy Thắng, lớp 1 luôn là lớp học quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục.
Đó cũng là lý do mà bao nhiêu năm nay thầy Thắng đều xin được dạy lớp 1. Thậm chí ngay cả khi được nhà trường phân công đi học thêm để quy hoạch vào vị trí lãnh đạo về sau, thầy Thắng cũng xin từ chối.
“Tui không chỉ bị miếng đất này dính lấy, mà dường như còn bị ám ảnh bởi một thứ trách nhiệm là phải dạy mấy em lớp 1 nơi đây có được tác phong làm người, phải có được cái lễ thực sự như châm ngôn giáo dục của chúng ta” - thầy Thắng chia sẻ.
“Về nhà con gặp cha phải nói gì?”, “Dạ thưa cha con đi học về”. “Trước khi ăn cơm phải làm sao?”, “Dạ phải mời những người lớn ăn cơm”. Ngoài những câu chuyện hỏi han sau một buổi học, thầy Thắng đều kiểm tra lại những học trò của mình.
“Nói để tụi nó hình thành phản xạ luôn mới được” - thầy Thắng cười. Riêng những “đứa con” của thầy Thắng, khi gặp người lạ đều chủ động khoanh tay chào hẳn hoi. Đó là một điều không dễ bắt gặp ở những em học sinh tiểu học, chưa nói đến vùng sâu, vùng xa hiện nay.
Có lẽ chính cách thầy Thắng rửa lại từng đôi tay cho các “con” của mình sau khi ăn, vuốt lại áo quần của chúng sau mỗi buổi học, những lời dặn dò ngày này qua tháng khác trước khi cho phép chúng về với gia đình mới giúp những đứa trẻ sinh ra ở lưng chừng núi thấm được cái “lễ” tối thiểu này.
“Nhiều người hỏi tui động lực hay nguyên nhân gì để làm chuyện bao đồng này. Nói thiệt, câu trả lời là chỉ vì tui khoái được người ta khen học trò thầy Thắng lễ phép. Vậy thôi” - thầy Thắng cười.
“Ông giáo có nỗi sợ nào không?” - chúng tôi hỏi. Thầy Thắng đáp tỉnh bơ: “Tui chỉ sợ là không có cô nào chịu lên xứ thâm sơn cùng cốc này. Sợ nữa là sẽ gặp một người vợ về sau không cho tui được nuôi những đứa con như thế này nữa”.
Dù âm thầm, nhưng câu chuyện thầy Thắng dạy trẻ cũng được lan truyền, nên tháng 11-2016 thầy được bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong năm học 2014-2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận