Đọc bài "Sao để điểm tập kết rác "lồ lộ" bên đường!?" (Tuổi Trẻ ngày 18-10), tôi muốn gửi một lời nói thẳng: chúng ta chưa đủ quyết tâm thay đổi thực trạng rác đang bủa vây chúng ta hằng ngày.
Rác khắp nơi trên đường phố. Những điểm tập kết rác bốc mùi quen thuộc. Không ít xe chở rác cũ kỹ rỉ
nước bẩn xuống đường. Và việc phân loại rác tại nguồn vẫn là chuyện nghe nhiều, nói nhiều nhưng chẳng mấy ai làm được!
Thay đổi bằng cách nào?
Phường nhà tôi ở (Q.9, TP.HCM) đã có chủ trương phân loại rác tại nguồn từ đầu năm 2018. Phường có hướng dẫn người dân phân loại rác tại nhà (bằng tài liệu in trên giấy A4, túi đựng rác hai màu trắng đen phát tận nhà).
Xe rác thu gom rác hữu cơ hằng ngày, các loại khác thu gom cố định 2 ngày/tuần. Hơn một năm qua, nhà làm nhà không làm, rác trước cửa mỗi nhà vẫn lẫn lộn nhiều loại, xe rác vẫn gom tất cả lên xe.
Tôi không rõ họ phân loại cách nào, ở đâu nhưng tôi chắc rằng chuyện phân loại rác còn lâu mới có hiệu quả với kiểu thu gom rác cũ. Vậy nên vẫn thấy nhiều người lui cui nhặt nhạnh, phân chia nhiều thứ ở điểm tập kết gần nhà giữa mùi rác nồng nặc bủa vây. Việc phân loại ở đây tức là tìm chọn những loại có thể bán lấy tiền…
Đến nhà nhiều bạn bè ở chung cư tôi lại thấy mỗi nhà mang những bịch rác nhà mình ra thả vào họng rác, phân loại hay chưa tùy mỗi nhà. Đến cơ quan cũng không khá hơn. Dù rác công sở sạch sẽ hơn, dễ phân loại, và con người ở công sở hiểu biết hơn về chuyện phân loại rác nhưng rác ở cơ quan vẫn một mớ "tả pín lù" từ bao nilông, ống hút, ly nhựa, giấy… đến nhiều loại rác hại như kim loại, thủy tinh, pin…
Chúng ta vẫn nghĩ sẽ có ai đó phân loại rác. Nhưng ai đó là ai? Chính tay chúng ta ném đủ loại rác sạch và dơ, lành và độc, dễ và khó phân hủy vô cùng một chỗ rồi chờ ai, làm cách nào phân tách chúng ra? Chẳng phải gây tốn kém công sức đó sao? Và tiếp theo đó là gây hại kinh khủng cho môi trường khi nhiều loại rác có thể tái chế đành phải chôn vùi cùng nhiều loại rác độc hại khác, không dễ phân rã, chúng còn đó đến tận đời sau…
Chừng nào ta thay đổi?
Xong chuyện phân loại rác, lại nói đến chuyện tập kết rác. Rác gom xong tập kết ở đâu? Dân số thành phố tăng nhanh, lượng rác tăng theo. Mỗi bữa ăn, mỗi ly nước của chúng ta bây giờ xả ra nhiều rác hơn trước rất nhiều (hầu hết là rác khó phân hủy).
Vậy nên, sẽ cần nhiều nơi tập kết rác và đống rác ở đó ngày càng to hơn, giảm bằng cách nào được với kiểu xả rác ở đô thị?
Rác ở đâu thì cũng sẽ bốc mùi, tập kết ở đâu dân cũng phản đối. Có mô hình nào thay thế điểm tập kết rác này không? Xóa điểm hẹn rác phải chờ đến năm 2030 (tức phải chờ một thập niên nữa, theo Tuổi Trẻ 18-10).
Gần hơn, chuyện nghe nói đã nhiều là thay đổi xe thu gom rác, chừng nào thành phố làm xong? Cũng sẽ còn rất lâu, tôi nghĩ vậy và sẽ càng lâu hơn nếu chúng ta không quyết liệt với các giải pháp gỡ rối từ thực trạng rác dân lập hiện nay.
Thay phương thức lấy rác, các thùng rác lớn ở khu dân cư được xem là cách làm văn minh, sạch đẹp (như chúng ta thường thấy trong các phim nước ngoài). Thử hỏi làm ở Việt Nam, ở TP.HCM được không? Còn lâu lắm với kiểu đổ rác tùy tiện, tùy ứng xử của phần đông người đô thị.
Tôi lại muốn nói thẳng: mỗi người thành thị xả rác ngày càng nhiều và vẫn giữ thói quen đụng đâu vứt đó như ở nông thôn. Ở thành thị, ứng xử với rác cần văn minh, sạch sẽ, gọn ghẽ hơn cả nông thôn mới phải. Nhất là khi nơi ta đang ở, đường ta đang đi đang khổ sở vì lượng rác hỗn tạp ngày càng nhiều. Thử hình dung vài năm nữa sẽ như thế nào nếu từng người không thay đổi.
Thay đổi từ ai, từ đâu? Nơi nào đã tuyên truyền phân loại rác nhưng chưa làm được thì sao? Thành phố đã mất kinh phí lớn cho việc này, vậy thành quả đến đâu? Những người dân đã phân loại rác đang nhìn vào những chiếc xe gom rác cũ kỹ và thấy nỗ lực phân loại rác của mình thành lẻ loi, vô tác dụng.
Trước khi chúng ta có thay đổi về công nghệ tái chế, đốt rác thải thay cho chôn lấp, điều gần hơn là thay đổi con người. Chúng ta thấy khó hay chính chúng ta chưa quyết làm nhanh, làm mạnh? Từ mỗi người, mỗi nhà và cơ quan chức năng các cấp chưa có sự quyết liệt cần thiết. Nên hiệu quả xử lý rác vẫn chậm chạp, rề rà, mờ nhạt trong thực tế đời sống đô thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận