Ánh và “người tầng 10” trong một lần đi dã ngoại- Ảnh: T.Y
Chuyện hai năm trước...
Hơn hai năm qua, chùa Pháp Hội trên đường Nguyễn Văn Thoại (quận Sơn Trà) có thêm một đứa trẻ nương nhờ cửa Phật. Cháu là Tư "em" (Phạm Long, 5 tuổi) nhà ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Gia đình Tư "em" giờ đã "tan đàn xẻ nghé" khi người cha phải chịu án tù, nhưng em lại may mắn có thêm những người cha, mẹ nuôi khác.
Ánh biết hoàn cảnh gia đình này nhiều năm trước bởi chị của Tư "em" là Phạm Ngọc Vy, một bệnh nhân thường xuyên điều trị bệnh về thận ở tầng 10.
"Câu lạc bộ Máu nóng tay yêu thương của bọn tui đã quen mặt bé Vy vì thường xuyên tương trợ. Nhưng "đùng một cái", năm ấy cả bốn bà con gồm mẹ và ba chị em Vy cứ kéo nhau đến "thường trú" luôn trong viện.
Hỏi ra mới hay: ba của Vy vừa đi tù cách đó ít lâu, căn phòng nơi bốn mẹ con dùng để ngã lưng cũng bị chủ trọ lấy lại. Không thân thích, mẹ của Vy lại thường xuyên lên cơn động kinh nên có người khuyên cả nhà vào đây ở tạm vừa chăm sóc cho con" - Ánh nhớ lại.
Ra vô bệnh viện, bóng mẹ con Vy cứ vật vờ thôi thúc chàng trai trẻ này phải làm "cái gì đó". Ánh nghĩ dẫu có lo cho mẹ con Vy bữa trưa thì chắc gì lo tiếp được bữa tối. Với lại mấy đứa nhỏ nheo nhóc nếu cứ ở đây mãi thì chắc gì sau này được đến trường.
Từ suy nghĩ đơn giản ấy, mà Ánh đã thuyết phục được mẹ các cháu để gởi Tư "anh" (cháu Phạm Bảo Nhật) vào Nhà bảo trợ trẻ em đường phố số 4. Còn Tư "em", Ánh đến gởi nương nhờ cửa Phật do chưa đủ tuổi gởi đi bảo trợ.
Thời điểm ấy Ánh phải đi như con thoi. Lý do là vì ba của Tư "anh" đang chịu án trong tù, gia đình lại đi khỏi nơi cư trú nhiều năm nay, nên phải khó khăn lắm mới làm xong thủ tục để được gởi nuôi nhờ.
"Trước ngày mấy mẹ con chia tay, Ánh còn bỏ tiền túi thết đãi cả nhà một bữa no thịnh soạn rồi nhờ bạn đưa xe tới chở hai đứa nhỏ đi khu vui chơi khiến ai cũng bất ngờ. Là người dưng với nhau mà Ánh tốt với họ như ruột thịt, mấy người trong viện chứng kiến cảnh này ai cũng cảm động rơi nước mắt"- chị Nguyễn Thị Hạnh, phụ trách Trung tâm bảo trợ ADM tại Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng kể.
Tư "em" vào nương nhờ cửa Phật, Ánh không những thường xuyên đưa các cháu đoàn tụ với gia đình mà còn nhờ người đỡ đầu để lo cho tương lai phía trước. Đợt rồi nghỉ hè, Ánh lại đưa đón anh em nhà Tư vào viện chơi với chị.
"Đã thấy được sự "thay da đổi thịt" khi được nuôi dạy trong môi trường tử tế. Hai đứa đã biết vâng lời, lễ phép trước người lớn"- Ánh khấp khởi.
Phòng vui chơi cho bệnh nhi là một trong những công trình do bàn tay Ánh và các thành viên trong nhóm thực hiện để giúp các em vượt qua bệnh tật - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG.
"Cánh tay nối dài" của bệnh viện
Gắn bó với CLB "Máu nóng tay yêu thương" hơn 8 năm, Ánh trở thành "cánh tay nối dài" của các bệnh viện.
Đến nay, Ánh và CLB này đã xây dựng được danh bạ hơn 3.000 thành viên cho "máu nóng". Số điện thoại của Ánh cũng trở thành một trong những "hotline" trên các diễn đàn thiện nguyện.
"Người thân" của nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo, thành ra nhiều trường hợp không có tiền đóng viện phí, thiếu tiền xe ra vào cũng gọi nhờ "chú Ánh"... Đôi lúc không kết nối được kịp thời, Ánh bỏ tiền túi ra giúp đỡ là chuyện bình thường.
Ánh quan niệm việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn phải đúng nghĩa "đồng cảm là chia sẻ". Vì "của cho không bằng cách cho" nên những "gợi ý" để cộng đồng đến với trẻ em bất hạnh cũng rất tình cảm.
Đôi khi đó chỉ là những cuộc vận động mọi người nấu cơm ở nhà rồi đem lên tầng 10 cùng ngồi ăn với bệnh nhân. Có lúc là những chuyến dã ngoại được Ánh và thành viên CLB tổ chức dịp 1-6, để "thành viên tầng 10" được thư giãn sau những giây phút cận kề sinh tử.
Tủ thực phẩm ở hai bệnh viện
Ánh không muốn nói quá nhiều đến mất mát, đau đớn, bệnh tật. Những hình ảnh chia sẻ mà Ánh mong muốn mang tới mọi người là những suy nghĩ thiện lành, tích cực để vượt qua bạo bệnh. Ánh và những thành viên CLB "Máu nóng tay yêu thương" cũng đang xây dựng hai tủ thực phẩm ở tầng 10 Bệnh viện Phụ sản-Nhi và Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
"Tôi muốn tủ thực phẩm miễn phí thường trực ở đây để những đêm hôm đói lòng, bệnh nhân và người nhà vẫn thấy được sự hiện diện của những người xung quanh" - Ánh nói.
Từ sự kết nối của Ánh, nhiều nhà hảo tâm đã biết đến những hoàn cảnh "tầng 10" - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Theo bác sĩ Hoàng Nguyễn Thanh Thủy, khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thì Ánh đã thân với cả khoa Nhi này như người trong nhà.
Đôi khi chị Thủy và những người ở đây cũng tự hỏi "Ánh lo chuyện bao đồng vậy thì làm việc và mưu sinh như thế nào?", nhưng rồi ai cũng hiểu vì Ánh đã coi ở đây như gia đình, coi việc làm thiện nguyện là cuộc sống của mình nên mới thế.
"Ngoài cái tâm, khả năng hoạt náo thì cách tiếp cận của Ánh với bệnh nhi, người nhà cũng rất tâm lý nên khiến mọi người thoải mái. Ở đây Ánh rất có uy tín, giống như "cánh tay nối dài" của viện vậy"- bác sĩ Thủy nói.
Anh Lê Văn Ánh (bên trái) là “người nhà” của bệnh nhân tầng 10 Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận