Người dân có thẻ bảo hiểm y tế đóng viện phí tại Bệnh viện quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Chúng tôi giới thiệu một số ý kiến đề cập đến nguyên nhân sụt giảm này.
* Bà TRẦN THỊ TÂM (54 tuổi):
Phải bỏ BHYT vì ngại thủ tục
Tôi có sổ tạm trú theo diện KT3 tại một xã thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội từ lâu. Trước đây tôi mua BHYT tự nguyện tại xã, nhưng năm nay tôi lại được nhân viên UBND xã nơi tạm trú yêu cầu về TP Thái Nguyên, nơi thường trú, để mua BHYT tự nguyện.
Không chỉ vậy, lần này tôi không được mua BHYT theo diện cá nhân mà phải mua theo diện hộ gia đình. Liên hệ về địa phương thường trú, tôi được hướng dẫn thủ tục mua BHYT theo hộ gia đình, trong đó buộc phải trình thẻ BHYT, chứng minh nhân dân của thành viên gia đình đã có BHYT từ trước.
Thấy thủ tục phiền phức và đường sá đi lại xa xôi nên tôi quyết định không mua BHYT nữa.
* Bà NGUYỄN KIM HỒNG (36 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội):
Không có nhu cầu mua cả gia đình
Bố chồng tôi từng mua BHYT tự nguyện theo diện cá nhân nhưng hết hạn từ cuối năm 2014. Đầu năm nay, khi biết được thông tin những người mua bảo hiểm cá nhân có thể mua tiếp vào năm 2015, tôi đi mua cho bố chồng.
Tuy nhiên, nhân viên UBND phường lại yêu cầu bố chồng tôi phải mua theo diện hộ gia đình vì đã quá thời hạn mua BHYT liên tục ba tháng. Vì không có nhu cầu mua BHYT cho cả gia đình, bố chồng tôi không mua BHYT cá nhân nữa.
* Ông NGUYỄN HUY QUANG (vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế): Không được phát sinh thêm thủ tục Cơ quan bảo hiểm xã hội hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ bảo hiểm là đúng, nhưng những hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ không được ảnh hưởng đến thủ tục hành chính, nếu chuyên môn ấy lại đòi người dân photo thêm giấy tờ như giấy ly hôn, kết hôn như vậy là phát sinh thêm thủ tục hành chính. |
* Ông LÊ VĂN KHẢM (phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế):
Cần sớm tháo gỡ thủ tục rắc rối
Trong Luật BHYT sửa đổi có giao bảo hiểm xã hội hướng dẫn thực hiện BHYT theo hình thức hộ gia đình. Luật không ghi chi tiết về kỹ thuật nhưng bảo hiểm xã hội thì có quy định một số công cụ để kiểm soát theo chủ quan.
Các địa phương thì thực hiện theo đúng hướng dẫn của bảo hiểm xã hội, đôi khi trong hướng dẫn có sử dụng dấu “...” thì địa phương lại thao tác thêm ra, làm phát sinh thêm thủ tục.
Qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương, chúng tôi thấy một số giấy tờ thường được yêu cầu gồm giấy tạm vắng nếu có con đi học đi làm ở xa, giấy ly hôn nếu gia đình ly hôn, ở một số gia đình có con lấy chồng là người nước ngoài thì đòi thêm giấy kết hôn với người nước ngoài, bản sao thẻ BHYT của con đang đi học, đi làm ở tỉnh khác...
Bên Bảo hiểm xã hội VN đang phân tích cụ thể xem giảm sút 1,2 triệu thẻ BHYT thời gian qua là ở khâu nào, nhóm đối tượng nào là chính để có biện pháp khắc phục sớm, nhưng rõ ràng những thủ tục này có tác động nhất định.
Sau khi có những ý kiến phản ảnh về thủ tục rắc rối và nhất là ý kiến báo chí thời gian qua, tôi được biết Bảo hiểm xã hội VN đã có chỉ đạo để tháo gỡ, nhưng những chỉ đạo này chưa thành một văn bản cụ thể, đầy đủ để mọi người thực hiện, trong khi văn bản cũ với những hướng dẫn như yêu cầu thêm giấy tờ này giấy tờ khác vẫn đang có hiệu lực thực hiện.
Vấn đề là phải sớm thông tin lại với người dân.
Tạo dựng niềm tin vào BHYT Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 khuyến khích, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình với những chính sách ưu đãi hơn so với quy định cũ. Người trong hộ gia đình thứ nhất khi mua BHYT sẽ đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư trong cùng hộ gia đình nếu tham gia đóng BHYT chỉ phải đóng ở mức thấp hơn và kể từ người thứ năm trong hộ gia đình trở đi mức đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất, tức xấp xỉ 300.000 đồng. Vẫn biết một bộ phận người dân đời sống còn khó khăn, tuy nhiên với đa số hộ gia đình mà chính sách khuyến khích miễn giảm khi tham gia BHYT như trên và có những trường hợp chỉ còn 300.000 đồng, đây có phải là mức phí chưa phù hợp hay không? Có thể nói ngay là không, nhưng như vậy tại sao một bộ phận người dân chưa mặn mà với việc tham gia BHYT? Thực tế công tác BHYT ra sao là câu chuyện dài cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Chất lượng khám, điều trị cũng đang là sự ưu tư của những người đã, đang và sẽ mua BHYT. Có lẽ lúc bệnh nhẹ chắc không nhiều người đến cơ sở khám chữa bệnh theo BHYT, thế nên lúc đã đi khám BHYT thì thường là sức khỏe... có vấn đề lớn. Tâm trạng của người bệnh lúc này là lo lắng, mong muốn được điều trị tận tình, kịp thời. Đối với những bệnh hiểm nghèo, nan y, mong muốn của người bệnh là được kéo dài sự sống. Vì lẽ đó, bức xúc nhất những lúc này của người đi khám bệnh bằng BHYT là phải chờ đợi lâu, chất lượng khám chữa bệnh không tốt. Chưa nói đến lúc khám chữa bệnh vượt hoặc trái tuyến vì một lý do nào đó, người bệnh để được điều trị còn gặp nhiều bất cập, phiền toái. Việc tuyên truyền, giải thích, vận động và đi kèm là những chính sách miễn giảm để người dân tích cực tham gia BHYT là điều cần thiết, nhưng cần thiết hơn vẫn là phải có sự phối hợp giữa bảo hiểm xã hội và các cơ sở khám chữa bệnh để người bệnh khi đến bệnh viện khám, điều trị do BHYT chi trả được đối xử tử tế, nhanh chóng và hiệu quả. Hãy tạo dựng niềm tin bằng những việc làm cụ thể đối với bệnh nhân BHYT, đây sẽ là động lực quan trọng để mọi người dân tham gia BHYT và như vậy thì tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân chắc sẽ cao hơn 80% ở thời điểm cuối năm 2020. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận