Người biểu tình Thái Lan sử dụng các hình nộm bơm hơi để thể hiện sự phản đối chính phủ trong cuộc biểu tình ngày 27-11 - Ảnh: Reuters
"Năm nay tôi 18 tuổi nhưng đã chứng kiến tới 2 cuộc đảo chính. Điều đó hoàn toàn sai trái. Chúng tôi không muốn lịch sử tái diễn" - Tan, một học sinh trung học tham gia biểu tình, nói với Hãng tin Reuters.
Cuộc "diễn tập" - như cách nhóm tổ chức Ratsadon tự gọi - diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Prayuth Chan-ocha kiên quyết không từ chức theo yêu cầu của phe biểu tình.
"Bài học từ lịch sử"
Trời càng về tối, đám đông đổ về giao lộ Lat Phrao càng nhiều. Từ đám đông chỉ vài trăm người, đến tối 27-11 con số này tăng lên vài ngàn theo kiểm đếm của tờ Nikkei Asia có trụ sở tại Nhật Bản.
Reuters bình luận cuộc diễn tập chống đảo chính ngày 27-11 cho thấy người Thái có lẽ đã quá mệt mỏi với các cuộc binh biến. "Họ muốn loại bỏ ông Prayuth, một cựu lãnh đạo quân đội đã tham gia đảo chính năm 2014, nhưng cũng không muốn một vị tướng khác thay thế ông", hãng tin của Anh viết.
"Đã có quá nhiều cuộc đảo chính trong quá khứ và chúng ta nên học được bài học từ đó, bài học về sự cảnh giác. Mọi người hãy tham gia diễn tập chống đảo chính cùng chúng tôi. Nếu một cuộc đảo chính nữa xảy ra, chúng ta sẽ không ngồi im chịu trận", nhóm Ratsadon kêu gọi trên Facebook ngày 26-11.
Kể từ khi bùng phát vào tháng 7, người biểu tình đã liên tục đưa ra 3 yêu sách với chính phủ. Một trong số này là Thủ tướng Prayuth phải từ chức.
Tướng Thái Lan bác tin đồn đảo chính
Cả Thủ tướng Prayuth và Tư lệnh lục quân Thái Lan, tướng Narongpan Jittkaewtae, đều bác bỏ khả năng sắp xảy ra cuộc đảo chính thứ 14. Cuộc đảo chính năm 2014 đã dẫn tới sự vươn lên nắm quyền của đại tướng Prayuth, người sau đó tuyên bố trở thành một thủ tướng dân cử sau cuộc bầu cử năm 2019.
Tuy nhiên, người biểu tình đã không chấp nhận ông Prayuth làm thủ tướng của mình. Họ cáo buộc ông thao túng bầu cử và yêu cầu ông từ chức, viết lại hiến pháp năm 2017 vì cho rằng hiến pháp này đã tạo điều kiện cho các đảng thân quân đội giành chiến thắng trong bầu cử 2019.
Đáp lại, ông Prayuth khẳng định cuộc bầu cử đã diễn ra công bằng và khẳng định sẽ không từ chức. Không có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng giữa hai bên sẽ sớm hạ nhiệt.
Trong diễn biến mới nhất, 7 lãnh đạo phong trào biểu tình Thái Lan đã nộp đơn kiện Thủ tướng Prayuth và Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon vì áp đặt tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok hồi tháng trước.
Theo báo Bangkok Post ngày 27-11, đơn kiện nộp lên tòa dân sự Bangkok trong cùng ngày yêu cầu ông Prayuth, ông Prawit và một số tướng cảnh sát khác phải bồi thường 3,5 triệu baht "thiệt hại" vì lệnh tình trạng khẩn cấp.
Lệnh này được ban bố hồi tháng trước nhằm ngăn chặn người dân tụ tập biểu tình; tuy nhiên hàng ngàn người vẫn xuống đường, dẫn tới việc cảnh sát phải bắt giữ và sử dụng vòi rồng để giải tán. Thủ tướng Prayuth tuyên bố dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp chỉ 1 tuần sau đó, song nhấn mạnh đây là cử chỉ thể hiện thiện chí giải quyết vấn đề với phe biểu tình.
Từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, đã có 3 cuộc đảo chính của quân đội xảy ra tại Thái Lan. Hai cuộc đảo chính gần đây nhất là năm 2006 và 2014, với sự ra đi lần lượt của hai anh em Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra. Nếu tính từ đầu thế kỷ 20 đến nay, Thái Lan đã trải qua 13 cuộc đảo chính thành công và vô số nỗ lực đảo chính bất thành khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận