Ông Sakda Siriphattrasophon - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Thái Lan - cho biết từ nhiều năm trước Chính phủ Thái đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nước này hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến hình thành vào cuối năm 2015.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Sakda nói:
- Khoảng sáu năm trước, Chính phủ Thái Lan cùng các bộ, ban ngành liên quan đã dành một khoản ngân sách lớn triển khai các chương trình phổ cập về AEC. Tiếp theo đó, mỗi năm Thái Lan có hơn 2.000 cuộc hội thảo khác nhau chỉ để tập huấn, đào tạo, giúp doanh nghiệp hiểu về AEC.
Chương trình cũng đi vào các trường đại học, trường phổ thông, thậm chí trường tiểu học. Các em cũng được giáo dục sẽ là lao động của AEC chứ không chỉ là lao động ở Thái Lan, làm việc cho các công ty quốc tế. Chúng được khuyến khích học thật giỏi ngoại ngữ là tiếng Anh và có thể học thêm một thứ tiếng trong các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng có một số viện nghiên cứu chuyên sâu về Đông Nam Á. Những nhà nghiên cứu này sẽ dùng các kết quả từ công trình nghiên cứu để tư vấn, cung cấp thông tin lại cho doanh nghiệp theo ngành hàng, thị trường, văn hóa...
Dựa trên cơ sở đó, các cơ quan ban ngành sẽ đưa ra những chính sách khai thác lợi thế có được từ AEC sau năm 2015 để hỗ trợ một cách toàn diện cho doanh nghiệp Thái đi đầu tư bên ngoài. Những chương trình này đều không thu phí và tập trung vào đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thái Lan có hơn 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với những doanh nghiệp lớn, có nguồn lực mạnh, bản thân họ sẽ tự bỏ kinh phí, kết hợp với các cơ quan chức năng như Phòng Công nghiệp và thương mại Thái Lan, cơ quan xúc tiến... tổ chức các hội thảo, kết nối doanh nghiệp nhỏ có ý muốn mở rộng làm ăn ở nước ngoài.
Hoặc chính doanh nghiệp sẽ tự bỏ tiền thuê các công ty luật tư vấn nghiên cứu những ảnh hưởng cũng như lợi thế có được từ AEC, vạch ra các thế mạnh và những điểm chưa khắc phục được của các đối tác. Nhờ vậy, từ nhiều năm nay doanh nghiệp Thái Lan đã nhìn thấy cơ hội xuất hàng sang các nước khác, đặc biệt là VN.
* Làm sao Chính phủ Thái có thể cuốn hút được các doanh nghiệp Thái Lan vào chương trình của mình?
- Đó là sự vào cuộc một cách đồng bộ, nhẹ nhàng của các cơ quan có trách nhiệm như Phòng Công nghiệp và thương mại, cơ quan xúc tiến... Sự chuẩn bị này trải đều và đi vào chi tiết từng lĩnh vực, cung cấp hiểu biết đến chi tiết từng ngành nghề, yêu cầu kỹ thuật đến nguồn vốn hỗ trợ... Chẳng hạn chúng tôi có những khóa học kéo dài ba tháng, học phí có thể lên đến vài ngàn USD tìm hiểu về thị trường các nước trong khối nhưng hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp.
Ví dụ, về thị trường VN, doanh nghiệp sẽ biết ở VN đang diễn ra thế nào. Nếu vào thị trường VN thì cần phải gặp ai, cơ quan nào? Các bước thủ tục ra sao? Và những nhà đầu tư nào đã đến VN? Các cạnh tranh công ty Thái gặp phải nếu bước vào lĩnh vực đó là gì? Hằng tháng chúng tôi đều có các hội thảo về AEC, nên có thể nói đến bây giờ Thái Lan đã sẵn sàng, thậm chí đã ở phía trước AEC và chuẩn bị những bước tiếp theo sau AEC.
* Hiện nhiều nhà đầu tư Thái đã hiện diện ở VN. Phải chăng đây là sự đón đầu AEC mà doanh nghiệp Thái có được từ sự chuẩn bị sớm?
- Trong vài năm gần đây Thái Lan mất dần nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực may mặc, dệt may, họ đã chuyển sang VN vì ở đây chi phí nhân công rẻ hơn. Trong xu hướng đó, một số doanh nghiệp Thái Lan cũng đã đến VN để xây dựng các nhà máy, phát triển thị trường nhờ AEC.
Có thể thấy nhà đầu tư Thái có thể tận dụng được ít nhất các lợi ích: nhân công giá rẻ của VN, hàng hóa Thái Lan cũng không còn được hưởng ưu đãi thuế quan GSP tới một số thị trường như EU hay Mỹ. Vì vậy nếu chuyển nhà máy sang đây, họ có thể tận dụng được hạn mức mà các thị trường này vẫn đang dành cho VN.
* Ông đánh giá thế nào về doanh nghiệp VN? - Những thay đổi đến từ AEC sẽ tác động đến các doanh nghiệp tiêu cực lẫn tích cực, tăng thêm tính cạnh tranh khu vực, đặc biệt là với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là điểm mà các doanh nghiệp VN cần lưu ý để thường xuyên tự đánh giá sự chuẩn bị của mình, xem mức độ thích nghi. Hiện nay, tổng thư ký ASEAN là người VN, doanh nghiệp VN nên tranh thủ điều này vì các thông tin cung cấp sẽ chính xác và cập nhật hơn. Trước đó, trong thời gian đương nhiệm vị trí này, vị tổng thư ký ASEAN người Thái đã cập nhật rất nhiều kiến thức về AEC cho cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận