09/01/2019 09:16 GMT+7

Người Thái phản đối dự án đường thủy ở sông Mekong

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Sau nhiều năm giậm chân tại chỗ vì bị người Thái Lan kịch liệt phản đối, dự án phát triển đường thủy vận quốc tế Lan Thương - Mekong 2015-2025 dường như sắp tiến thêm một bước vào giai đoạn 2, bắt đầu từ năm 2020.

Người Thái phản đối dự án đường thủy ở sông Mekong - Ảnh 1.

Người dân đồng loạt làm dấu hiệu chữ X, nói không với dự án tại cuộc họp đại diện dự án phát triển đường giao thông thủy quốc tế trên sông Lan Thương - Mekong 2015-2025 huyện Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan - Ảnh: Mekong School

Trước làn sóng phản ứng của người dân về các tác động môi trường của dự án phát triển đường thủy này, chủ đầu tư dự án đã tổ chức ba cuộc họp lấy ý kiến người dân tại các huyện Wiang Kaen, Chiang Khong và Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai, bắc Thái Lan.

Phá đá, vét sông

Các buổi họp diễn ra từ ngày 3 đến 5-1 trong bối cảnh người dân địa phương rất lo ngại về các tác động tiêu cực của dự án đối với hệ sinh thái của và sinh kế của họ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Trường Mekong vì kiến thức bản địa, một tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận ở tỉnh Chiang Rai, cho biết khoảng 100 người dân tham dự các cuộc họp trên. Ngoài ra, một nhóm tư vấn đại diện cho chủ dự án phía Trung Quốc cũng có mặt.

Các nhóm tư vấn thừa nhận dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của cá cũng như các cánh rừng ven sông trong thời gian xây dựng.

Nếu được tiến hành, trong vòng 60 tháng, 13 cồn, cù lao và tảng đá lớn trên sông Mekong giữa hai nước Thái Lan và Lào sẽ được cải tạo bằng các biện pháp: nạo vét lòng sông - đảm bảo độ sâu dòng chảy là 2,5m cho tàu có trọng tải 500 tấn đi qua và nổ đá.

Tại cuộc họp, đại diện phía chủ dự án Trung Quốc đề cao lợi ích của dự án khi cho rằng tất cả các nước liên quan đều được hưởng lợi, nhất là Trung Quốc và Thái Lan, vì có thể mở ra hi vọng để Thái Lan xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang Trung Quốc.

Thực tế ghi nhận từ các cửa khẩu biên giới cho thấy Thái Lan đang nhập siêu từ Trung Quốc.

Lo ngại môi trường, sinh kế

Theo báo Bangkok Post, người dân địa phương biết về buổi họp rất lo lắng về dự án. Thonglai Bua-ngaidet, 52 tuổi, người làng Ban Huay Luek, xã Muang Yai, huyện Wiang Kaen, cho rằng việc nổ đá có thể làm sụp vùng bờ và đất nông nghiệp ven sông.

Các tảng đá ở giữa sông có vai trò của nó, cụ thể là giảm sức mạnh của dòng chảy. Khi chúng mất đi, đất đai vườn tược ven sông sẽ bị xói lở nhiều hơn, nhanh hơn.

Ông Thonglai trăn trở: "Nguồn lợi thủy sản có thể biến mất. Người dân không có lợi từ việc có nhiều tàu bè qua lại. Chỉ có thương nhân Trung Quốc là được lợi".

Phan Kanyadet, một người dân khác ở làng Huay Luek, cho biết việc phá đá sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

"Các vụ nổ sẽ gây hại đến nơi sinh sản của cá, đặc biệt là cá tra khổng lồ trên sông Mekong và các loài tảo nước ngọt" - ông Phan nói.

Ông Niwat Roykeaw, người vận động bảo tồn các giá trị bản địa của sông Mekong, chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Người dân đã bị ảnh hưởng bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong từ hơn 18 năm qua.

Chủ đầu tư đã nhiều lần muốn thực hiện dự án phát triển nhưng không thành công do bị phản đối quá gay gắt. Cần làm rõ về lợi ích của dự án, ai sẽ được lợi nhất và làm sao người dân địa phương có thể hưởng lợi từ dự án này".

Ông Roykeaw cho rằng dự án này sẽ tàn phá hệ sinh thái của con sông, hủy hoại nguồn sống của người dân và tạo ra mâu thuẫn về đường biên giới giữa hai nước Thái và Lào.

Dự án đường thủy vận quốc tế Lan Thương - Mekong nối liền Vân Nam (Trung Quốc) qua Myanmar, Thái Lan và Lào (dài tổng cộng gần 890km) được ký kết bởi 4 bên vào năm 2001.

Từ năm 2001, Trung Quốc đã phá 21 đoạn ghềnh thác và các cù lao từ Vân Nam đến biên giới Myanmar tại cột mốc 243 vào Lào.

Năm 2016, Chính phủ Thái Lan đồng ý cho Trung Quốc nghiên cứu dự án phát triển đường thủy vận quốc tế Lan Thương - Mekong 2015-2025.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên