Xây sân vận động thì có gì xấu nhỉ? Vì xem ra nó còn tốt hơn là xây nhà hàng, khách sạn, vũ trường kia mà.
Cũng đã có nhiều ý kiến tương tự như nêu trên, sau khi đọc bài viết nói về việc nhiều huyện ở Hà Nội đua nhau xây sân vận động khủng, có nơi lên đến chục triệu USD ( 200 tỷ đồng).
Vâng, thoạt tiên thì thấy như thế thật, vì sân vận động là nơi để tập luyện, thi đấu thể thao. Mà thể thao thì đương nhiên là lành mạnh, là liều thuốc hữu hiệu để đẩy lùi tệ nạn, bệnh tật.
Nhưng, vấn đề quan trọng là sân vận động khủng được xây nên, nhưng liệu có mấy người dân vào đấy tập luyện? Xin nêu một vấn đề ở ngay chính TPHCM, một địa phương giàu có bậc nhất của cả nước, nhưng người dân chủ yếu tập luyện thể thao ở đâu? Những nhà thi đấu hoành tránh kiểu CLB Phú Thọ, CLB Nguyễn Du, CLB Phan Đình Phùng...chủ yếu để tổ chức giải thể thao đỉnh cao, có tài trợ hoành tráng. Vì cứ mỗi lần bật dàn đèn, bật máy lạnh, huy động lực lượng làm vệ sinh là tốn khối tiền, nên người dân thường lấy đâu ra tiền mà vào nổi. Mà giải thể thao đỉnh cao thì hồi này không nhiều lắm, khi kinh tế sa sút, các doanh nghiệp lấy đâu ra tiền mà tài trợ thể thao. Vậy nên, các nhà thi đấu này giờ đây thường phải sống bằng cho thuê làm hội chợ, tổ chức games show...
Hiện nay, sân chơi thu hút được nhiều thanh niên TPHCM nhất chính là các sân bóng đá mini cỏ nhân tạo. Mỗi một giờ, trung bình tiền thuê sân là 200 ngàn đồng, cộng với nước nôi, tiền gởi xe thì bình quân mỗi chàng trai đi đá bóng tốt khoảng 20 ngàn đồng. Một con số không quá lớn, nhưng rất nhiều sinh viên than rằng “quá khả năng kinh tế”. Vậy nên, thật sự là viễn vông nếu bảo xây sân bạc triệu đô la để cho dân tập thể thao!
Ở TPHCM mà như thế thì thử hỏi Huyện Đan Phượng, Huyện Hoài Đức...xây sân khủng ắt chỉ để phơi sương nắng một thời gian rồi...xuống cấp. Ngay chính lãnh đạo Trung tâm TDTT huyện Hoài Đức cũng thừa nhận rằng mỗi năm ngân sách cấp cho 500 triệu đồng để lo cho việc bảo dưỡng, trả lương công nhân viên là chẳng nhằm nhò gì với cơ ngơi trị giá 200 tỷ đồng này.
Không quá khó để thấy rằng việc hàng loạt huyện ở Hà Nội đua nhau xây sân vận động khủng là một sự lãng phí, như chính Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội đã nhận xét. Vậy nhưng tại sao người ta vẫn cứ xây?
Người ta đồn rằng: làm nhiều thì mới ăn nhiều! Không biết có thật thế chăng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận