TTCT - Suốt năm 2017, nước Pháp và giới nghệ thuật quốc tế, trong đó có nhiều bảo tàng nghệ thuật quan trọng, đã cùng tạo thành một mạng lưới các triển lãm toàn cầu tổ chức nhiều hoạt động lớn kỷ niệm 100 năm ngày mất của nghệ sĩ tạo hình Auguste Rodin (1917-2017). Nụ hôn - phiên bản đá cẩm thạch trắng đặt hàng bởi Nhà nước Pháp nặng 3 tấn -Lê Sơn Auguste Rodin là cha đẻ của ba tác phẩm điêu khắc lừng danh Người suy tư (Le Penseur), Nụ hôn (Le Baiser), Kỷ Đồng thau (L’Âge d’Airain). Hơn 200 tác phẩm quan trọng nhất của Rodin lần đầu tiên được tập hợp, cùng tranh và điêu khắc của những tên tuổi như Bourdelle, Brancusi, Picasso, Matisse, Giacometti, Beuys, Baselitz, Gormley, Maillol... trong “Rodin - Triển lãm trăm năm” của Cung triển lãm quốc gia Grand Palais Paris - sự kiện lớn nhất đang diễn ra. Công chúng biết thêm những khía cạnh nghệ thuật còn ít được biết đến của A. Rodin trong nhiều lĩnh vực: hội họa, ký họa, minh họa, tranh khắc, trang trí, nhiếp ảnh, lý luận, điêu khắc, đặc biệt là để nhìn lại tính hiện đại trong sáng tác của ông. Người thổi hồn vào tượng Với các nhà phê bình đương thời, Rodin có một phong cách hoàn toàn riêng, không thể xếp loại, dù điêu khắc cũng phản chiếu hầu hết trào lưu tư tưởng nghệ thuật của thế kỷ 19: tân cổ điển, lãng mạn, triết trung, hiện thực, ấn tượng, hàn lâm, biểu tượng, nghệ thuật mới. Ra đời và hoạt động nghề nghiệp trong một giai đoạn lịch sử bản lề của nhân loại (1840-1917), với những đổi thay sâu rộng và căn bản về văn hóa - xã hội dưới sự dẫn dắt của cách mạng công nghiệp, Rodin còn bị đánh trượt cả ba lần vào khoa điêu khắc của Trường Mỹ thuật Paris bởi chính phong cách “không truyền thống” của mình, nhưng ông không phải là một nghệ sĩ nổi loạn chống lại nghệ thuật “truyền thống”. Ngược lại, ông có kiến thức sâu rộng và rất yêu thích nghệ thuật điêu khắc cổ đại Hi Lạp - La Mã, am hiểu rất vững kỹ thuật điêu khắc và trang trí “truyền thống” sau 20 năm làm việc kiếm sống trong các xưởng nghệ thuật cao cấp. Sau chuyến đi dài sang Ý năm 1875 trực tiếp nghiên cứu, đối chất các suy nghĩ của mình với các tác phẩm gốc đầy tính biểu cảm của Michelangelo, Rodin làm tác phẩm lớn đầu tiên Kỷ Đồng thau (năm 1877) với mẫu sống là một thanh niên người Bỉ, tên tác phẩm lấy theo khái niệm “kỷ thứ ba của nhân loại” của nhà thơ Hi Lạp cổ đại Hésiode. Với chất liệu thạch cao và to đúng bằng người thật (180,5cm), bức tượng khỏa thân một thanh niên bình dân đầy sức sống, biểu đạt bởi các chi tiết cơ thể cực kỳ sống động, chân thực chưa từng thấy đã gây chấn động mạnh. Những ý kiến ghen tị đã “kết án” Rodin là đơn giản chỉ đổ khuôn đúc trên chính người mẫu sống... Năm 1878, Rodin sáng tác Thánh Jean Baptiste (Saint Jean Baptiste), lần này với kích thước lớn hơn người mẫu (cao 203cm) thay cho lời khẳng định về tài năng xuất chúng của mình. Năm 1880 và 1881, Nhà nước Pháp quyết định mua cả hai tác phẩm này và cấp cho ông một xưởng làm việc ở trung tâm thủ đô. Tác phẩm Nụ hôn (Le Baiser) mà Nhà nước Pháp đặt hàng năm 1882 được Rodin tạc trực tiếp từ đá khối cẩm thạch nặng 3 tấn, sự mịn màng của hai nhân vật chính đối lập với sự thô ráp của khối đế làm tăng tính sống động, bay bổng, thăng hoa của tác phẩm. Sự độc đáo trong phong cách của Rodin là thổi vào các chất liệu đất sét, thạch cao tươi, đồng thanh, đồng đen, đá cẩm thạch trắng... tính chân thật, tâm hồn và sự sống, kể cả bản mẫu và điêu khắc thành phẩm. Nhưng ông không có ý định sao chép hay sáng tác lại dựa theo chủ đề hay các tác phẩm cổ điển, mà coi cơ thể sống của nam nữ khỏa thân hoàn toàn chính là chất liệu sáng tác, trong đó ông nhấn mạnh biểu hiện của cơ thể đang chuyển động. Ông cũng không cố gắng sao chép, tái tạo một cách hiện thực nhất cơ thể con người như được nhìn thấy theo điêu khắc truyền thống, mà dùng ngôn ngữ cơ thể được thể hiện một cách tự nhiên và khai thác các niềm đam mê khác nhau của con người để diễn đạt cảm xúc chân thật nhất thời của chính ông, đã được ông “vẽ lại và giữ trong ký ức”. Theo ông Dominique Vieville - giám đốc Bảo tàng Rodin Paris, nhờ tư tưởng này mà Rodin được xem là người đã khai phóng nghệ thuật điêu khắc hiện đại. Một khía cạnh độc đáo nữa trong phong cách của Rodin là tư thế của các nhân vật. Nếu Người đi bộ (L’Homme quy marche) với hai chân dang đều thẳng tắp như một chiếc compa mang lại tính động cho nhân vật, Ba bóng người (Les Trois Ombres) với cổ có tư thế gập sát vai, cơ thể uốn cong mang lại sự biểu hiện khác biệt về sự trừng phạt thì tư thế ngồi của Người suy tư (Le Penseur) là chưa từng có trong lịch sử điêu khắc. Người suy tư - phiên bản đá thạch cao 1,8m-Lê Sơn Rodin - Người suy tư Năm 1880, Edmond Turquet, quốc vụ khanh phụ trách nghệ thuật, đặt Rodin thiết kế và điêu khắc cổng vào chính của Bảo tàng Nghệ thuật trang trí sẽ được xây dựng mới bên bờ sông Seine. Dự trù được hoàn tất trong 5 năm, dự án đã kéo dài suốt cuộc đời Rodin, trở thành tác phẩm lớn nhất của ông cả về nghĩa bóng và nghĩa đen với kích thước 635 x 400 x 85cm, gồm hơn 250 tượng và nhóm tượng nam nữ khỏa thân, thể hiện 6 chủ đề khác nhau. Bản thạch cao chỉ được Rodin triển lãm lần duy nhất vào năm 1900, còn bản đúc đồng đầu tiên được thực hiện sau khi ông mất hơn 10 năm (hiện trưng bày ở Bảo tàng Rodin Paris). Chủ đề của tác phẩm được yêu cầu là trường ca kinh điển Thần khúc (Divina Commedia) của nhà thơ Ý Dante Alighieri (1265-1321). Để “đối ứng” với cổng chính Nhà rửa tội Thánh Gioan (Battistero di San Giovanni) ở Florence mà sự tuyệt hảo của điêu khắc đã khiến Michelangelo phải đặt tên là Cổng thiên đàng, Rodin đã lấy cảm hứng từ phần 1 của Thần khúc mang tên Địa ngục đặt cho tác phẩm của mình: Cổng địa ngục (Porte de l’Enfer). Nếu mỗi điêu khắc của Cổng địa ngục thể hiện những nhân vật tiêu biểu hay nội dung triết lý của Thần khúc thì tác phẩm Nhà thơ (tên ban đầu của Người suy tư) đặt ở phần trên của cổng, thể hiện Dante đang ngồi cúi nhìn xuống, suy tư về trường ca của mình. Ý tưởng này là một cuộc cách mạng ở ba khía cạnh. Nếu tư duy là một trong các chủ đề chính của điêu khắc “truyền thống” thì trước đó luôn được thể hiện bằng một nhân vật thần thoại nữ, mặc quần áo và ở tư thế đứng ít tính động. Trong khi đó, nhân vật của Rodin lại là một người đàn ông hoàn toàn khỏa thân, qua đó thể hiện tính phổ cập và nhân tính của quá trình tư duy; động tác ngồi ở tư thế khó khăn (cùi chỏ tay phải chống lên đùi trái với bàn tay gập ngược vào trong và vươn cúi người nhìn xuống). Tạo hình này làm kéo căng và nổi bật từng chi tiết của toàn bộ hệ thống cơ bắp mạnh mẽ, gây ấn tượng về thẩm mỹ và thể hiện triết lý: một tinh thần đẹp ở trong một cơ thể khỏe mạnh. Tư thế đặc biệt khó chịu này thể hiện sự sống động của tượng, như đang thật sự chìm đắm, trầm tư trước một thế đôi ngả khó khăn. Cổng địa ngục trở thành một trường ca điêu khắc, trong đó Rodin khai thác những thú đau thương của con người bị chi phối bởi dục vọng cá nhân. Tác phẩm Nhà thơ giờ đây trở thành Người suy tư cũng chính là hiện thân con người Rodin. Trước khi qua đời, ông đã yêu cầu đặt một bản Người suy tư trên mộ mình. Thiên tài: 1% năng khiếu và 99% lao động Rodin may mắn nhận được những ủng hộ cần thiết trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, bao gồm cả Nhà nước Pháp, để nổi tiếng toàn cầu từ năm 1900. Ông là nghệ sĩ Pháp đầu tiên có các gian triển lãm riêng khi còn đang sống (ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan New York và Bảo tàng Nghệ thuật Tokyo). Cha mẹ Rodin gửi ông vào Trường đặc biệt về họa và toán học ở Paris (nay là Đại học Quốc gia nghệ thuật trang trí) ở tuổi 14. Ở đây, ngoài việc nắm bắt các kỹ thuật “truyền thống”, họa sĩ tài năng Horace Lecoq de Boisbaudran áp dụng với ông phương pháp sư phạm mới: phát triển năng lực cảm nhận riêng của mỗi học trò thông qua việc rèn luyện khả năng quan sát vật thể, sau đó chỉ vẽ lại theo ký ức. Trong gần 20 năm, Rodin vừa kiếm sống với vai trò họa sĩ trang trí (đặc biệt là mặt đứng các công trình kiến trúc) trong cỗ máy sản xuất của các xưởng nghệ thuật vừa tự đào tạo mình. Ông đã trải qua những năm tháng miệt mài vẽ ghi các tác phẩm điêu khắc cổ đại trong Bảo tàng Louvre, tự thực hành vẽ mẫu sống khỏa thân ở Xưởng sản xuất thảm thêu quốc gia Gobelins, đi sang Ý và nghiên cứu các nhà thờ trên toàn nước Pháp. Ngay cả khi đã nổi tiếng, để nắm bắt thần thái của ngôn ngữ cơ thể mà ông cho rằng các nghệ sĩ múa là những người hoàn hảo nhất, ông rong ruổi theo một đoàn múa nữ Campuchia từ Paris đến Marseille để thực hiện hơn 50 ký họa sống tại chỗ bằng màu nước. ■ Sức sáng tạo đáng nể Rodin để lại khoảng 7.000 tác phẩm điêu khắc, 10.000 bản vẽ (hội họa, ký họa, minh họa), 1.000 bản tranh khắc, 10.000 bức ảnh cùng hơn 7.000 cổ vật thời cổ đại mà ông sưu tập. Toàn bộ tác phẩm được Rodin trao tặng cho Nhà nước Pháp trước khi mất. Năm 1919, Bảo tàng Rodin được khai trương ở Hôtel particulier de Biron, một trong những nơi làm việc của ông, tại quận 7 của Paris. Ngày nay, đây là một trong mười địa điểm mà du khách yêu nghệ thuật đến Paris không bao giờ bỏ qua. Tags: Auguste Rodin100 năm ngày mất Auguste RodinNhà điêu khắc Auguste RodinNgười khai phóng
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.