24/04/2021 12:34 GMT+7

Người sưu tầm dưới đáy sông Tiền và có 500 xe máy cổ lẫn mới

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Từ Tết Tân Sửu đến nay, bộ sưu tập 24 con giáp bằng gỗ được chạm trổ đẹp mắt và hàng chục gốc cây khổng lồ tìm thấy ở đáy sông Tiền đã thu hút cả vạn người đến xem tại thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang.

Người sưu tầm dưới đáy sông Tiền và có 500 xe máy cổ lẫn mới - Ảnh 1.

Các gốc cây chìm sâu trăm năm dưới đáy sông được trục vớt và tạo tác tuyệt diệu - Ảnh: S.LÂM

"Thú sưu tầm sau này mình mới biết là nó kéo mình đi. Đã lỡ chơi rồi, hễ thấy là không chịu được.

Ông Nguyễn Văn Nghỉ

Ai đến thưởng lãm bộ sưu tập kỳ thú, ông Nguyễn Văn Nghỉ cũng tiếp đón thân thiện. Nhưng hễ họ đòi chụp hình, ông đều chỉ sang người cháu Phan Văn Khánh. "Tính mình đó giờ ngại người ta biết lắm. Với lại dân làm cầu đường đen thui vầy lên hình xấu, người ta cười".

Bộ sưu tập từ việc giúp người

Ông Nghỉ cười giòn giải thích khi dẫn chúng tôi tham quan bộ sưu tập của mình về những thân gỗ dưới dòng nước sông Tiền mênh mông.

"Thị trấn Mỹ Luông là làng mộc lâu đời của vùng sông Tiền, nên tôi cũng nghiễm nhiên ngấm niềm ưa thích nghề mộc trong huyết quản" - người đàn ông 52 tuổi với nước da đen sạm rám nắng cười hiền lành bắt đầu câu chuyện. 

"Thời đó, trên sông Tiền này ghe cào nhiều. Người ta đi ghe cào, vướng phải gốc cây dưới đáy sông là lại kêu mình vì mình có sà lan và máy móc trục vớt. Ban đầu mình chỉ giúp người ta, định vớt lên về làm củi thôi" - ông Nghỉ kể.

Nhưng những gốc cây khổng lồ chìm sâu cả trăm năm dưới đáy sông được dòng nước xói mòn chỉ còn toàn lõi cứng như sắt nên cũng không phải là thứ thích hợp để làm củi. 

Chẳng phân biệt được các loại cây sau khi thời gian và dòng nước bào mòn, người ta gọi chung là gỗ lũa. 

Ban đầu, ông Nghỉ chỉ kéo lên giúp bà con rồi chất đống nơi bãi đất trống bên cồn Én giữa đôi bờ An Giang, Đồng Tháp. Dần dà, đống gỗ của ông thành một bãi cây ngổn ngang hàng trăm gốc, thân lũa. 

"Phải đến khi có nhiều nhiều, mình mới nổi máu sưu tập, vì thấy nhiều người đi kiếm một gốc cây đẹp về chạm trổ cũng không dễ dàng gì. Cứ rảnh, mình lại đi rà khắp vùng sông Tiền, sang cả dọc sông Hậu để hỏi bà con có ai đi ghe mà dính phải gỗ lũa dưới sông không. Nhưng kỳ nghen, bên sông Hậu gần như không có, chỉ sông Tiền là nhiều" - ông Nghỉ kể.

Những thân lũa có gốc to nhiều vòng tay người ôm với đủ dáng vẻ tự nhiên bắt đầu được ông Nghỉ thuê người trau chuốt lại. 

Rồi con mắt của người con làng mộc khiến ông đòi hỏi sản phẩm của mình phải được tinh xảo hơn. Ông lặn lội đi tìm, thuê luôn một đội thợ điêu khắc từ Huế vào ăn ở chỉ để tạo dáng cho các thân, gốc lũa mà ông đang sở hữu.

"Hơn 15 năm trời, mình đâu dám cho vợ biết. Mấy ai thích chồng đi làm mấy việc... tào lao. Đến khi biết thì cười trừ thôi chứ sao" - ông Nghỉ bật cười tếu táo kể việc giấu vợ đi sưu tầm gỗ lũa.

Người sưu tầm dưới đáy sông Tiền và có 500 xe máy cổ lẫn mới - Ảnh 3.

Những gốc lũa chìm sâu đáy sông được tạo thành bộ sưu tập kỳ thú

Làm du lịch để người ta biết đến Chợ Mới

Mà lẽ ra vợ ông Nghỉ cũng không biết về bộ sưu tập gỗ của chồng nếu như ông không "nổi hứng" làm du lịch. 

"Ban đầu là do... tức mình, vì nhiều bạn bè ở xa nói tới An Giang chỉ biết có Long Xuyên, Châu Đốc, còn nói Chợ Mới thì hầu như chỉ biết mỗi bài nhạc tân cổ cùng tên. Sau nghĩ lại thấy người ta không biết nhiều về vùng Chợ Mới cũng phải, vì ít điểm du lịch để người ta ghé chơi" - ông Nghỉ lại cười.

Và thế là chỉ trong 9 tháng, ông đã dồn hết tâm sức vào 2ha đất của mình ở thị trấn Mỹ Luông làm điểm du lịch. 

Khai trương từ ngày 26 tết đến nay, khu du lịch tại thị trấn Mỹ Luông của ông Nghỉ đã trở thành điểm thu hút khách lớn nhất huyện Chợ Mới, được lãnh đạo tỉnh và huyện ủng hộ phát triển thêm.

Tính từ trước ra sau, điểm du lịch của ông Nghỉ có hơn 50 khối gỗ lũa dưới đáy sông Tiền với đủ loại hình thù. 

Ngoài những gốc lũa với nhiều nhánh rễ đã được chạm trổ công phu thành hình các loài vật, hình người, có những gốc cây chỉ cần để tự nhiên đem chụm lại thành hòn non bộ khổng lồ, hay một gốc cây chỉ cần lật ngược đủ để làm một vọng lâu cho hàng chục người lên ngắm cảnh cùng lúc. 

Nhưng tất thảy số này chỉ là một phần nhỏ trong bãi gỗ ông còn để ngoài cồn Én. Ở ngoài đó, ông cũng còn hơn chục hecta đất trống và cũng đang trong quá trình triển khai xây dựng thành điểm du lịch để "người ta biết đến Chợ Mới".

Mê cả xe xưa, xe nay

Bên cạnh gỗ lũa, khu du lịch của ông Nghỉ còn có căn phòng 300m2 chứa hàng trăm loại xe máy các đời những năm 1965, 1967 đến nay và cả các dòng xe tay ga cao cấp sau này như SH, Vespa, Honda Dylan, PCX... 

Các loại xe cũ đều còn "zin" như khi chúng xuất xưởng mấy mươi năm trước, được lau chùi thường xuyên và ông Nghỉ phải huy động người thay nhau... đưa xe ra chạy vì sợ xe để không lâu ngày sinh hư hỏng. 

"Căn phòng này cũng chỉ chứa được một phần thôi vì mình có hơn 500 chiếc lận, đem tới hết không có chỗ để" - ông Nghỉ lại cười nói.

Ông chỉ dừng nụ cười khi nhớ lại ngày đầu đam mê xe biển số đẹp. Đó là ngày vô tình cậu nhóc con thứ 10 trong một gia đình nghèo sống dựa vào mấy mẫu ruộng ở Mỹ Luông lội bộ đi học về và thấy một chiếc xe "Honda Cub 50" mang biển số tứ quý chạy qua trước mắt. 

"Con nhà nghèo, chiếc xe đạp còn không có để đi học, mà tự nhiên thấy cái biển số xe tứ quý cái mình nổi lên ước mơ có được chiếc xe máy. Nó thôi thúc mình làm việc không ngừng để kiếm tiền" - ông Nghỉ nói giọng bồi hồi.

Việc gì có tiền mà không trái đạo đức, pháp luật là ông xông vào làm. Hình ảnh chiếc xe biển số tứ quý ngày nào đã đẩy ông Nghỉ lăn lộn vào trường đời từ rất sớm để trở thành một nhà thầu xây dựng khi chưa bước sang tuổi 30, rồi làm nhà máy gạch, chủ sà lan...

Và ngay khi "bắt đầu có điều kiện", ông Nghỉ đã thể hiện ước mơ sở hữu xe máy biển số đẹp của mình. 

15 năm, dường như ông đã đi xa hơn nhiều ước mơ thuở nhỏ. Bộ sưu tập xe biển số đẹp này có một đặc điểm chung là đều biển số đăng kiểm của hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Ông Nghỉ cho hay mình chỉ sưu tập xe ở hai tỉnh này vì đó là quê nội và quê ngoại của mình vốn ở hai bên bờ sông Tiền.

Cũng như việc sưu tầm gỗ lũa từ đáy sông, mỗi lần mua một chiếc xe máy mới ông đều... giấu vợ.

Trong thời gian sưu tầm, mỗi lần đổi hay mua được một chiếc xe nào ông Nghỉ đều âm thầm đi đổi tên sang chính mình hoặc sang tên cho một, hai người cháu thân cận, rồi đem đi... gửi người khác giữ gìn. Nhiều chiếc xe sau khi mua rồi ông Nghỉ gửi lại ngay luôn cho người chủ cũ.

Nhà sưu tầm... thời sự Nhà sưu tầm... thời sự

TT - Gia tài của ông bây giờ là một gian nhà đầy sách báo với hàng trăm cuốn sổ sưu tầm, biên soạn các sự kiện mà ông cho là “lịch sử của đất nước”.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên