"Người sâu" Hoàng Thần - Video: VŨ TUẤN
Ngôi nhà nhỏ giữa cánh đồng. "" trườn khắp nền nhà, kẹp những ngón tay co quắp vào đũa nấu cơm.
50 năm đi bằng... lưng
Gần 50 năm qua, ông ở bản Lang Lầu, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) chỉ sống với tư thế nằm. Ông đi bằng lưng, nấu cơm, tắm giặt, ăn uống, thậm chí bổ củi cũng với tư thế... nằm!
Năm ông Thần học lớp 2, sau trận ốm thập tử nhất sinh thì bị liệt. Chân ông giờ bằng cái chuôi dao, bàn tay co quắp như củ nghệ, không đi được, chỉ vặn vẹo cái lưng trườn như con sâu.
Lũ trẻ bản tinh quái trêu "người sâu". Thế nhưng không đứa nào sợ hay ghét ông Thần, ngược lại chúng thích nghe ông kể chuyện. Đi học về là rẽ vào chơi với ông, khi thì cho ông ôm củi, mớ rau, khi thì mang truyện vào chòi cũ của ông đọc.
Ông Thần liệt nhưng cái đầu thì khôn, miệng lại khéo. Dân bản Lang Lầu muốn vui cứ phải gặp ông.
Ông trườn bằng lưng để nấu nướng - Ảnh: VŨ TUẤN
Giờ chỉ thiếu người thôi, "người bảo vệ" ấy. Người hộ nấu cơm, đi chợ cùng tôi, để tôi không lái xe lăn xuống ruộng.
Ông HOÀNG THẦN
Căn nhà ông Thần ở bản Lang Lầu chỉ rộng 20m2. Bếp gas, nồi niêu xoong chảo cũng nho nhỏ vừa đủ cho một người. Tất cả đều từ nhà hảo tâm quyên góp. Chính quyền xã nhận giúp, dân bản bỏ công lao động, biến căn nhà mơ ước của "người sâu"... thành hiện thực.
Kéo cái ghế gỗ kê vào cổ, ông Thần tiếp chuyện chúng tôi ở tư thế nằm nghiêng. Làm gì ông cũng cần có sự trợ giúp của chiếc ghế này. Trước sân nhà, cái chòi cũ được dỡ phần vách. Cột và mái lá vẫn còn như cái cổng trước khi bước vào nhà mới.
Ông Thần khoe đấy là cái chòi thứ ba của ông. Cái đầu tiên mục, dột tứ tung, dân bản dựng cho cái thứ hai. Rồi cái chòi này cũng tan hoang. Đó là đêm mưa bão, chòi đổ, cả cột lẫn mái đè ông Thần tưởng chết.
Sáng sớm, người bản nhìn ra đồng không thấy mái chòi đâu liền chạy tới thì thấy ông Thần đang co quắp, ướt như con cá dưới suối trong đống đổ nát.
Ngày bé, ông có bố mẹ chăm. Nhưng ông bị liệt vài năm thì mẹ cũng liệt nằm một chỗ. Chưa được chục năm, bố lại mất! Sáu anh chị em lập gia đình riêng, ông Thần thành sống một mình.
Người ta dựng cho ông cái chòi góc vườn, bên bờ ao. Và từ ấy ông trở thành "người sâu" giữa đồng.
"Số người sâu phải sống mà, không dễ chết được đâu - ông Thần vui vẻ kể - Nhiều lần ngã xuống ao không chết. Không có cái ăn cũng không chết, mấy chục năm tắm nước lạnh giữa đông rét cũng không ốm, không chết! Sống mà, đã sống thì phải vui".
Dân bản bảo ông là người khổ nhất, nhưng cũng vui tính nhất bản. Một mình trong chòi giữa ruộng, những ngày mưa ông trườn ra bờ ao hái được nắm rau về thì người toàn bùn. Lại bỏ rau đấy, kéo nước giếng lên đổ vào chậu, trườn vào đằm như con vịt cho sạch.
Ông Thần tả kéo nước bằng cái móc tre. Ông kê ghế, nằm nghiêng, ngoắc cái móc vào xô, vừa dùng răng giữ vừa kẹp đôi tay co quắp để lôi xô nước lên. Bây giờ, dân bản thương làm cho ống nước lấy từ khe núi, ông không phải múc giếng nữa.
Và ăn cũng phải nằm - Ảnh :VŨ TUẤN
Người vui nhất bản
Mấy năm trước, ông Thần được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Mỗi tháng hơn 600.000 đồng, mình ông đủ mua gạo, tí thịt, không phải nhờ anh em, dân bản nữa.
Gần đây, một người bản mới mua điện thoại, đến chơi, chụp ảnh đăng mạng xã hội. Nhiều người hỏi thăm. Có người tận Đà Nẵng gọi điện ra cho xã đề nghị giúp đỡ. Rồi họ quyên góp tiền, xã quản lý, xây nhà cho ông Thần.
Khi chúng tôi đến, nhà ông Thần mới khánh thành được hơn một tuần. Đường vào nhà cũng mới đổ bêtông, ông Thần giờ có xe lăn để ngồi, tự mua rau, mua gạo được.
Món quà ông quý nhất là cái xe lăn chạy điện ăcquy. Phiên chợ vừa rồi là lần đầu tiên ông được ra chợ xã Phú Linh.
"Từ bé đến giờ tôi mới được đi chợ, vui lắm!".
Chợ phiên xã Phú Linh cách bản Lang Lầu hơn 2 cây số. Đường nhựa, chỉ mấy dốc quanh. Nhưng cái xe lăn của ông Thần không lên được dốc, phải nhờ sự trợ giúp của cô cháu.
Hậu, cháu ông, nói mấy hôm nữa làm cỏ lúa xong, nhàn việc lại cho ông đi chợ chơi. Một đời hơn 50 năm không biết chợ, ông gặp ai cũng tay bắt mặt mừng. Dân bản gặp "người sâu" rôm rả như bạn cũ lâu ngày.
Bản Lang Lầu còn nghèo, xưa nơi này chằm trũng, trồng lúa không có bông to. Chỉ người Tày, người Giáy hết ruộng mới đến khai hoang rồi ở lại, đông nhà dần thành bản.
Cuộc sống khó khăn, dân bản bảo nhau: "Cứ nhìn ông Thần mà sống. Chỉ bò như con sâu mà ông ấy vẫn sống vui. Chẳng ai thấy ông ấy buồn, khóc bao giờ".
Nhưng "người sâu" không lúc nào thiếu nụ cười - Ảnh: VŨ TUẤN
Ông Thần bảo ngày bé cũng mặc cảm, cũng khóc vài lần. Khổ quá, buồn quá rồi thì cái buồn cũng "phát chán" với ông. Không đi được, không cầm con dao lên nương được nhưng cái bụng hiểu chuyện, cái miệng khéo pha trò khiến ai cũng thích.
Trưởng bản Hoàng Văn Thịnh nói: "Đây là vùng xa, chứ thành thị người nào đưa ông Thần đi bán hàng thì đắt lắm đấy. Nó bị liệt nhưng khéo. Bản ai cũng khen".
Nhấp chén trà do chính "người sâu" đun nước pha, tôi nhỡ hỏi mong muốn của ông sau này. Ông Thần vừa thật vừa đùa: "Giờ chỉ thiếu người thôi, người "bảo vệ" ấy. Người hộ nấu cơm, đi chợ cùng tôi, để tôi không lái xe lăn xuống ruộng".
Ông Thần pha trò khiến ai cũng vui vẻ.
Tiễn chúng tôi về, ông kê cái ghế nằm ngó theo giữa cửa: "Các anh về may mắn nhé! Tìm được cô nào làm bảo vệ thì nhớ giới thiệu cho tôi đấy nhé". Ông pha trò, nhưng mắt có tia lấp lánh về một tổ ấm.
Trời vẫn xanh. Hoa vẫn nở. Ai biết đâu ngày mai...
Đã sống thì phải vui
50 năm, ông Thần mới có xe lăn và lần đầu được đi chợ phiên - Ảnh: VŨ TUẤN
Hậu, cô cháu gọi ông Thần bằng chú, kể có sẩm tối không thấy khói bếp chòi ông bốc lên như mọi ngày, cô chạy tìm thì nghe ì oạp dưới ruộng. Rồi cô nhìn thấy mắt ông chú đang thao láo, người ngập trong bùn trùi trũi. Hậu phát hoảng, hô hoán dân bản bế ông về.
Đó là lần duy nhất ông Thần muốn tự vẫn.
Ông nhờ trẻ con trong bản mua cho chai rượu uống say và trườn ra bờ ao để chết. Nhưng cái bờ nhỏ, một bên là ao, một bên là ruộng, ông trườn thế nào lại lăn sang ruộng. Ngâm bùn nửa ngày, chỉ tỉnh rượu chứ chả chết.
Sau trận muốn chết mà trời chả cho chết ấy, ông Thần bảo chẳng có gì phải buồn nữa. Trời đã cho sống thì phải sống vui thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận