Người sắt có thật

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC 24/05/2018 14:05 GMT+7

Nếu bạn thắc mắc liệu mình có đủ sức tham dự Ironman hay không, hãy nhìn vào câu chuyện của Nguyễn Hồng Lợi, VĐV đặc biệt nhất cuộc thi Ironman 2018 diễn ra ở Đà Nẵng mới đây...

Nguyễn Hồng Lợi thực sự là một người truyền cảm hứng phi thường. Ảnh: VNG
Nguyễn Hồng Lợi thực sự là một người truyền cảm hứng phi thường. Ảnh: VNG

 

Mất hai chân và chỉ còn một cánh tay lành lặn, anh Lợi tham dự cuộc thi ở hạng mục đồng đội với phần thi bơi, cùng hai đồng đội Nguyễn Đình Hiếu (xe đạp) và Nguyễn Trà My (chạy bộ). Lợi hoàn tất chặng bơi 1,9km ngay trong lần đầu tiên ra biển lớn, cả nghĩa bóng và nghĩa đen.

Nguyễn Hồng Lợi không phải người xa lạ trong làng thể thao khuyết tật VN. Với biệt danh ngang tàng Lợi “cụt”, VĐV 31 tuổi này nhiều năm liền giành HCV tại các giải thể thao người khuyết tật toàn quốc và từng đoạt HCĐ tại ASEAN Para Games Myanmar 2013. Nhưng Ironman đặc biệt hơn, bởi đó là nơi Lợi tranh tài sòng phẳng với những VĐV lành lặn.

So với phiên bản hoàn chỉnh Ironman, cuộc thi Ironman 70.3 có độ dài hành trình bằng một nửa: 1,2 dặm bơi (1,9km), 56 dặm đạp xe (90km) và 13,1 dặm chạy bộ (21,1km). Đó là một hành trình đầy thách thức ngay cả với những người lành lặn. 1,9km bơi trên biển cũng là phần thi khó nhất, càng khó hơn khi năm nay, biển Đà Nẵng không sóng êm gió lặng trong ngày thi đấu.

“Trước thềm giải đấu, tôi nghe mọi người trấn an rằng biển Đà Nẵng mùa này rất êm. Nhưng khi đến rồi mới biết khu vực thi đấu sóng đánh khá cao. Với người bình thường thì chỉ đến ngang mặt, nhưng tôi thì chỉ có... chìm. Tất nhiên là tôi sợ. Trước đây tôi chưa bao giờ bơi ở biển cả. Có ra biển Vũng Tàu cũng có bạn đi cùng và chỉ chơi thôi. Từng có lần tôi suýt chết vì bị sóng đánh rồi, may mà có mấy người nước ngoài cứu kịp” - anh Lợi nói.

1,9km tương đương 38 lượt hồ bơi cỡ chuyên nghiệp, và bơi trên biển khác xa trong hồ. Hôm đó khi đặt chân ra bãi cát, anh Lợi thừa nhận có hơi “ớn” khi nhiều thí sinh bỏ cuộc giữa chừng, một số người còn được đưa đi cứu hộ. “Nhưng dù sao đời tôi đã phải nhiều lần vượt qua giới hạn bản thân rồi... Khoảng 100m đầu là khó khăn nhất khi phải học cách đối mặt với những con sóng. Không có chân, tôi không thể lặn xuống để tránh sóng được, nhưng nói chung sau khoảng 100m đầu thì cũng quen dần” - anh Lợi kể. 55 phút sau, Lợi “cụt” đã về đích.

 

Nguyễn Hồng Lợi rạng rỡ trong chiến thắng.(Ảnh: VNG)

 

Hồng Lợi cho biết đây cũng là lần đầu tiên anh tham gia một giải đấu dành cho những người bình thường. “Được đọ sức với những người bình thường khiến tôi rất vui. Hòa nhập với cuộc sống bình thường là mơ ước của những người như tôi. Từ trước khi theo con đường thể thao chuyên nghiệp, tôi đã thích tập thể hình và bơi lội, vì thể thao mang lại sức khỏe. Cơ thể khiếm khuyết nhưng vẫn cần phải khỏe. Càng chơi thể thao, tôi càng thấy mình giống như mọi người” - Lợi kể. Những người quen biết anh ắt hiểu rõ khao khát và nghị lực này của Lợi - được sống như một người bình thường.

Được cha mẹ đưa vào làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) từ khi 5 tuổi, Lợi cho đến nay vẫn sinh sống tại đây, nhưng không còn trong tâm thế một người nhận sự giúp đỡ nữa. Hằng ngày, anh tham gia giúp đỡ công việc chung ở làng Hòa Bình, trực tiếp dạy bơi và các kỹ năng thể thao cho những em nhỏ ở làng, nhất là những em khuyết tật như anh.

Đó là công việc ở mái nhà nơi Lợi khôn lớn. Còn với cuộc đời, anh cũng có những công việc ổn định liên quan đến nghệ thuật. Năm 2005, cuộc gặp gỡ tình cờ với nhà thiết kế Sỹ Hoàng đã đưa Lợi vào công việc của một nhà thiết kế thời trang. Sau thời gian học việc, Lợi trở thành một trong những cây bút vẽ áo dài cho nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Không chỉ vậy, anh còn có duyên với nghiệp diễn xuất khi thi thoảng tham gia một số bộ phim.

Trong những lần đầu tiên tiếp xúc với Lợi, chúng tôi giữ phép lịch sự, luôn e dè khi nói đến nỗi đau khiếm khuyết cơ thể của anh. Trái lại, Lợi luôn cười xòa với quan điểm: “Phải luôn tự tin mới có thể hòa nhập cuộc sống bình thường được”. Chính anh là người chủ động nói với mọi người: Hãy gọi tôi với cái tên thân thiết Lợi “cụt”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận