Phóng to |
Những lời giới thiệu này được đưa ra trong buổi nói chuyện chuyên đề Dân ca Nam bộ vào ngày 27-11 tại Bảo tàng TP.HCM. Những bài lý mà lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng là có sẵn trong kho tàng dân ca Nam bộ!
Bất ngờ hơn khi được biết số lượng các bài lý mà ông sáng tác lên đến hơn 20 bài, trong đó rất nhiều bài hết sức quen thuộc như: Lý Mỹ Hưng, Lý Tư Phùng, Lý bông trang, Lý chim xanh...
Viết lý từ những dòng nhật ký
Nhạc sĩ Cao Văn Lý (tên thật là Phạm Lý) sinh ra ở mảnh đất Ðồng Tháp Mười. Ông thường tự trào: “Ba mẹ tôi ai cũng đẹp, chơi đờn ca tài tử nức tiếng chứ không xấu xí như tôi!”.
Ba mất năm ông lên 5, có sẵn máu mê văn nghệ, lại được bạn bè của ba cưu mang đưa vào các đoàn văn công nên năm 16, 17 tuổi ông ra Bắc học Trường Âm nhạc VN. Chỉ trong vòng một năm, ông được chọn sang Liên Xô học lý luận âm nhạc, chỉ huy dàn nhạc.
Gần mười năm sau ông trở về nước, học thêm sáng tác và trở thành một trong những giảng viên đầu tiên của Nhạc viện TP.HCM.
Lý qua cầu là một trong những bài lý đầu tiên ông sáng tác. Trước ngày tập kết ra Bắc, ông bị bệnh và có cô gái ngày ngày âm thầm chăm sóc, khi đem trái chuối luộc, lúc ly nước mía, lúc là gói xôi. Ông bảo lúc đó còn nhỏ nên không nghĩ đến chuyện yêu đương.
Sau ngày giải phóng, ông quay lại tỉnh nhà, cũng đã hơn 20 năm, tình cờ gặp lại người quen cho biết cô gái ấy vẫn chờ đợi, trông tin. Quá bất ngờ và xúc động, ông đã “lén” đi tìm cô gái (vì lúc này ông đã có gia đình), chỉ mong muốn được gặp để cảm ơn tấm chân tình. Nhưng tìm mãi không được.
Một lần, bất chợt thấy dáng một phụ nữ bước qua cầu như dáng người xưa..., ông buồn bã ghi lại tâm sự trong nhật ký rồi cảm tác viết một bài ngắn Khi bóng em qua cầu. Lời ca đầy nỗi nhớ thương: Dòng kinh in bóng em qua cầu. Dịu dàng trong dáng ai ngày xưa ấy nay về đâu. Dẫu rằng cây da năm xưa trốc gốc trôi rồi...
Không ngờ khi bài hát được phát trên đài phát thanh, ba tháng sau ông nghe người dân miền Tây hát rân bài này. Họ còn đặt lời mới cho bài hát và gọi ngắn gọn là Lý qua cầu.
Ðến khoảng những năm 1975-1985, từ những dòng nhật ký, nhiều sáng tác của ông đã ra đời mà sau này người ta yêu thích và cứ tự đặt thành các điệu lý như: Chung một vầng trăng (Lý trăng soi), Ðẹp sao khi mắt em cười (Lý đêm trăng), Em vẫn cùng anh (Lý chim xanh)...
Ông kể do ngưỡng mộ chị Sứ nên sau ngày giải phóng đã tìm đến Hòn Ðất, đến mộ chị ngồi rất lâu. Ðêm về thao thức không ngủ được và sau đó bài Lý Tư Phùng ra đời - nhưng nhiều nơi hay ghi nhầm là Lý tương phùng.
Tư Phùng là tên cúng cơm của chị Sứ. Bài hát gốc có những lời lẽ như một nén nhang tri ân người nữ anh hùng: Kiên Giang ơi biết mấy ân tình! Thương cành xuân lòng hoài hận. Ðêm rừng trái tim hát mãi. Khúc Lý Tư Phùng ngày xuân trong khói hương bay...
Số mệnh... nhưng 2 năm nữa sợ chẳng còn sức!
Nhạc sĩ Cao Văn Lý tâm sự: “Có một nguyên lý là khi mình nghiên cứu nhiều, nắm bắt được nguồn "gen" quý hiếm của âm nhạc dân tộc thì có thể sáng tác những giai điệu rất hay. Những sáng tác của tôi lại thường bắt nguồn từ những dòng nhật ký, rất chân tình và xuất phát từ trái tim nên có lẽ vì vậy dễ đi đến trái tim của người khác.
Khi sáng tác tôi cũng hay tìm những gì đồng điệu giữa mình và quần chúng, mường tượng xem khi mình hát câu này mọi người có thể hát chung với mình không. Có lẽ nhờ vậy rất nhiều câu thơ khi tôi đưa giai điệu vào người ta cứ tưởng là dân ca”.
Bây giờ khi trình bày bài lý của ông hầu như chẳng ai giới thiệu tác giả. Ban đầu ông cũng buồn nhưng sau rồi quen. Có lần, nghe đâu đó một bài lý của mình ông buột miệng bảo mọi người: “Bài này tôi sáng tác!”. Chẳng ai nói gì nhưng sau đó nghe đâu họ đồn ông tự nhận vơ bài dân ca là của mình!
Ông chậm rãi nói: “Trước đây người ta hay quan niệm những tác phẩm trong âm nhạc dân gian là không có tác giả, nhưng bây giờ cần quan niệm có thể có tác giả. Những sáng tác của tôi coi như đã đi vào dân gian, quần chúng, trở thành dân ca thì họ có quyền sáng tạo theo những cách khác nhau để trở nên hay hơn. Những bài lý tôi sáng tác bây giờ gần như chỉ còn 50% của tôi, 50% còn lại là sự sáng tạo của quần chúng”.
Năm ngoái, tình cờ trong cuộc họp đồng hương, ông nghe một vị lãnh đạo của Ðồng Tháp than có một đoàn Thụy Sĩ nghe tiếng giọng hò Ðồng Tháp rất đặc sắc nên muốn đến để thu âm, ngặt nỗi không tìm đâu ra người còn giữ được giọng hò.
Nhạc sĩ Cao Văn Lý được may mắn sinh ra và lớn lên trong thời kỳ cực thịnh của giọng hò Ðồng Tháp. Nhưng vì một số lý do, 40-50 năm nay giọng hò này gần như vắng bóng. Ðau đáu về điều này, người nhạc sĩ 76 tuổi lại cùng vợ khăn gói xuống Ðồng Tháp cho một đề án phục hồi giọng hò của tỉnh.
Ông đi khắp vùng, tìm lại những người hò hay nhất ngày xưa, ghi âm, chỉnh sửa, biên tập. Sau đó là phổ biến và dạy thêm cho khoảng 120 bạn trẻ cách sáng tác và dàn dựng. Từ lớp học này hiện có hơn 300 người trẻ đang học để phát triển điệu hò đặc sắc của Ðồng Tháp.
Từ Ðồng Tháp trở về, ông nhập viện cấp cứu luôn vì tai bị điếc phải nằm cả tháng trời! Ông nói: “Có khi thấy mình như con thiêu thân. Ai gọi đi thì tỉnh bơ, dạy không biết mệt, tới chừng về mới lăn ra bệnh. Thôi cứ coi như nghiên cứu và phát triển âm nhạc dân gian là số mệnh của mình. Cái gì làm được thì cứ làm, chứ hai năm nữa sợ chẳng còn sức!”.
Những bài vọng cổ, tuồng cải lương sáng tác sau này sử dụng hầu hết là các bài lý do nhạc sĩ Cao Văn Lý sáng tác. Nhưng rất ít người biết đó là sáng tác của ông, không chỉ dân không chuyên mà cả một số tác giả chuyên nghiệp cũng không biết. Những bài lý trong dân gian được truyền khẩu thường chân phương, mộc mạc, đậm tính dân dã, còn các bài lý do ông Lý sáng tác có tính học thuật rất cao, tính cấu trúc và tính sáng tác rất rõ! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận