22/07/2018 10:11 GMT+7

Người Sài Gòn xưa lo phố vắng cây

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TTO - Không phải chỉ hôm nay, người Sài Gòn vào khoảng cuối thập niên 1950 cũng đã sốt ruột lo lắng chuyện những mảng xanh trong thành phố bị biến mất, nhường chỗ cho nhà cửa, công trình.

Người Sài Gòn xưa lo phố vắng cây - Ảnh 1.

Cư dân TP.HCM phải chia tay với nhiều cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1 - Ảnh: N.V.N.

Năm 1954, trước những biến động lịch sử đất nước, thành phố Sài Gòn tiếp nhận một đợt di dân lớn từ các tỉnh phía Bắc. Cũng như các đô thị khác đứng trước những biến động dân số đột ngột, cuối thập niên 1950, đô thị Sài Gòn đã đối diện với mối lo về "nạn khan nhà".

Nhưng những kiến trúc sư, nhà quy hoạch sớm có tư duy phát triển bền vững lại canh cánh trong lòng một mối lo khác: khi mở rộng phạm vi đô thị (đô thị hóa vùng ven) cộng với việc nhà cửa ở khu trung tâm được xây dựng nhiều hơn, nén hơn, thì đồng nghĩa với việc những mảng xanh trong thành phố sẽ dần bị lấy mất. 

Sự nhấp nhổm sốt ruột ấy được thể hiện trên một vài tờ báo chuyên ngành, trong đó đặc biệt là tờ Xây Dựng Mới - nguyệt-san mỹ-thuật kỹ-thuật kiến-trúc (tòa soạn ở số 60 Đoàn Thị Điểm, Saigon) do kiến trúc sư Võ Đức Diên làm thư ký tòa soạn.

Trong số 3 (tháng 6-1958) báo Xây Dựng Mới có bài viết "Khoảng xanh lá cây trong thành phố" của tác giả Văn Thanh nêu rõ tác dụng mảng xanh trong thành phố. 

Cụ thể: "Tác dụng của cây cối và vườn hoa trong thành phố là khung cảnh thiên-nhiên để đánh thăng bằng lại với sinh-hoạt thuần nhân tạo. Tác dụng vệ sinh của nó là sự hút bớt thán-khí của đô-thị đông người thở ra, để khiến không khí trong lành hơn". Tác giả này cũng lấy thành phố Vienne làm ví dụ.

Thời điểm đó, Vienne có 1.700.000 dân thì có 1.200 mẫu tây vườn và 2.500 mẫu tây rừng xung quanh, tính ra mỗi người dân có tới 20m2 khoảng xanh lá cây. 

Và cũng ở thời điểm đó, tác giả bài báo nhắc lại chủ trương của ông thị trưởng thành phố Vienne là: phải có một vườn chơi của trẻ em cách nhà 5 phút, một vườn nghỉ ngơi cho người lớn cách nhà 10 phút, một sân thể thao cách nhà 15 phút và thường xuyên sửa sang, bảo vệ khung cảnh thiên nhiên bên ngoài thành phố.

"Chúng ta nhận thấy công trình săn sóc đến khoảng xanh lá cây của người ta đã chu đáo đến thế nào", tác giả bài báo nêu ý kiến. Và rồi cũng quay trở lại thực tế Sài Gòn: "Nhìn trở lại xứ ta, một khu đất hàng ngàn ngôi nhà, không có lấy một vườn hoa. Mà hễ ý-kiến làm vườn nêu ra, thì y như người ta kêu ca: không có đất làm nhà lại còn để đất mà làm vườn chơi vô-ích! Vườn trong thành phố có quả thật là vô-ích chăng? 

Khi nó tránh cho thị dân những bệnh tật do thiếu dưỡng khí mà ra? Và giữa sự ở chui rúc cho sức khỏe tiêu mòn trong thành phố để nay chạy tiền thuốc mai tìm đốc-tơ, với sự chịu tốn một lần để làm trong lành không khí trong thành phố, chúng ta nên chọn đường nào?".

Thì ra cái vấn đề chất lượng sống cho thị dân liên đới mật thiết với việc bảo tồn cây xanh ở Sài Gòn đã được giới làm nghề kiến trúc đặt ra từ lâu. Và cũng từ lâu, quan điểm về bảo tồn, kiến thiết sinh thái đô thị cũng đã được nêu ra một cách quyết liệt, thẳng thắn trên chính tờ báo về xây dựng.

Người Sài Gòn xưa lo phố vắng cây - Ảnh 2.

Bốn bức tranh liên hoàn nhìn về tương lai đô thị trên báo Xây Dựng Mới năm 1958

Một điều thú vị, cũng trên Xây Dựng Mới số 3 đã đăng bốn bức tranh biếm họa liên hoàn (không đề tên tác giả) nhìn về tương lai đô thị khá bi quan nhưng cho thấy đằng sau đó là một mối âu lo về một đô thị dần vắng bóng cây xanh, thay vào đó là những con đường khô khốc với những dòng xe hơi chi chít nối dài, hai bên là những khối bêtông cửa nhà chen chúc.

Thời điểm ghi trên từng bức tranh là lần lượt các năm: 1956, 1957, 1958 và 1960. Hẳn lúc ấy người vẽ tranh đã không sao hình dung nổi quang cảnh Sài Gòn của thời "đại đô thị" của gần 60 năm sau!

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên