20/11/2015 19:00 GMT+7

Người Sài Gòn không trị nổi bệnh đám cưới “giờ dây thun”?

TIẾN LONG ghi
TIẾN LONG ghi

TT - Sau bài viết Không chấp nhận “giờ dây thun” trong mục Dân nghĩ Dân làm (Tuổi Trẻ ngày 19-11), chúng tôi tiếp tục nhận được những ý kiến chia sẻ về nguyên nhân khiến nhiều người đi trễ trong tiệc cưới, cũng như đề xuất thay đổi thói quen không tốt này.

Một đám cưới ở Tiền Giang mời khai tiệc 11g30 đã diễn ra đúng giờ - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Một đám cưới ở Tiền Giang mời khai tiệc 11g30 đã diễn ra đúng giờ - Ảnh: Nguyễn Công Thành

* Chị Nguyễn Thị Trang (Q.Phú Nhuận, TP.HCM):

Đi trễ do không muốn chờ đợi

Việc đi trễ là do phần lớn khách mời có tâm lý không muốn chờ đợi. Ai cũng canh gần thời gian lễ, mọi người đến hết rồi mình vào ngồi bàn là vừa. Nhiều khách đến đúng giờ chỉ chụp một vài bức ảnh cùng cô dâu chú rể rồi đứng chờ. Từ đó tạo nên tâm lý đến sớm phải ngồi vất va vất vưởng. Lâu ngày chuyện đi trễ thành bình thường.

Điều đáng nói vì sợ khách tới trễ nên nhiều gia đình khi mời cũng viết thời gian sớm hơn giờ làm lễ thực tế cả tiếng đồng hồ. Nhưng điều này không có tác dụng, tình trạng chậm trễ đâu vẫn hoàn đó, ngược lại còn ảnh hưởng đến những người có thói quen đúng giờ.

Bản thân tôi nhiều lần đến đúng giờ như trong thiệp mời, nhưng khi đó ban tổ chức mới chuẩn bị sân khấu, âm thanh.

Ngoài ra, đám cưới ở TP.HCM thường tổ chức vào khung giờ cao điểm tắc đường hoặc thời điểm mọi người đi làm về phải lo cơm nước rồi mới đi tiệc dẫn đến chuyện “giờ dây thun”. Việc đi trễ ảnh hưởng rất nhiều đến không khí buổi tiệc.

thói quen “giờ dây thun” như hiện nay, để tổ chức đám cưới đúng giờ là rất khó. Chỉ khi ban tổ chức khai tiệc đúng như thư mời, dần dần sẽ tạo thói quen đi sớm, đúng giờ.

* Chị Đặng Hoàng Khuyên (nhân viên văn phòng một nhà hàng ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Phải dời thời gian đãi tiệc

Đám cưới nào cũng xảy ra tình trạng khách đi trễ. Khách thường đến đông vào gần giờ làm lễ. Có nhiều người chủ tiệc làm lễ rồi khách mới đến. Do biết thói quen “giờ dây thun” của khách nên phía nhà hàng và gia đình cô dâu chú rể phải thỏa thuận lùi giờ làm lễ 20 - 30 phút hoặc lùi giờ kết thúc lại.

Do khách tới trễ nên nhà hàng bắt buộc cô dâu chú rể phải báo giờ vào tiệc trước 15 phút để nhà hàng chuẩn bị thức ăn, tránh trường hợp bày biện ra hết nhưng chưa thấy bóng dáng khách. Có những lần nhà hàng bày biện thức ăn ra chờ khách vẫn chưa đến đủ nên phải đưa vào bảo quản tủ nóng, lạnh. Chỉ cần hai họ yêu cầu, nhà hàng luôn tổ chức đúng giờ như quy định. Thực tế có nhiều đám cưới dù còn bàn trống vẫn bắt đầu tiệc đúng giờ.

* Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy:

Một người cũng bắt đầu lễ để tạo thói quen đúng giờ

Hiện tượng “giờ dây thun” đã phổ biến. Không chỉ tiệc cưới mà trong các cuộc hội nghị, hội thảo cũng xảy ra tình trạng này. Lâu ngày mọi người chấp nhận, xem đây là điều hết sức bình thường.

Lỗi lớn nhất nằm ở những người đảm trách tổ chức buổi lễ, vì tâm lý cả nể, thói quen du di chờ khách đến đông đủ rồi mới bắt đầu. Thấy vậy nên mọi người càng có thói quen chậm trễ. Mặt khác, do suy nghĩ người Việt theo tập quán văn hóa nông nghiệp làm giờ nào cũng được, hôm nay không làm thì mai làm.

Đây là thói quen rất tệ cần thay đổi. Tuy nhiên ngày một ngày hai không thể thay đổi được thói quen này. Do đó, trước hết những người đảm trách việc tổ chức phải thay đổi. Khi mời dự tiệc nên ghi rõ thời gian đón tiếp, bắt đầu để mọi người chủ động sắp xếp thời gian.

Đúng giờ mời dù chỉ một người cũng phải tổ chức. Chỉ có cách này mọi người mới tạo cho mình thói quen đúng giờ.

Vì sao người Hà Nội đi ăn cưới đúng giờ?

Trả lời câu hỏi này, anh Nguyễn Hữu Dũng (33 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường chủ động đến đám cưới trước 15 - 20 phút để gặp bạn bè.

Ngoài phép lịch sự, tôn trọng người mời, việc đến dự đám cưới sớm còn tạo điều kiện thuận lợi cho người tổ chức tiệc sắp xếp chỗ ngồi. Lý do khác nữa là việc đến dự đám cưới muộn thường bị sắp xếp vào những bàn đã có khách từ trước.

Trong tình huống này, nếu họ là những người đã quen nhau thì tôi trở thành người vô duyên, người ngoài lề xen vào cuộc vui của họ và chẳng biết nói chuyện với ai.

Tuy nhiên, thực tế tôi vẫn rơi vào tình huống đến trễ so với giờ mời cưới bởi có đám cưới mời vào giờ cao điểm, kẹt xe từ 5 - 6g chiều, nhiều lúc tôi còn chưa xong công việc ở khung giờ này. Những lúc như vậy tôi không thể chủ động đến sớm, đúng giờ dù rất muốn”.

QUỲNH LIÊN

Người miền Tây ít có “dây thun”

Ở miền Tây Nam bộ ít có tình trạng dự tiệc cưới bằng “giờ dây thun” mà thường đi dự rất đúng giờ. Nếu có đến trễ chỉ là trễ 15 phút, cao lắm là nửa giờ.

“Người ta quý mình nên mới mời mình. Đi dự tiệc đúng giờ là cách tôn trọng người mời và cũng chính là tôn trọng mình. Đám cưới là tiệc vui nhất đời người. Đời người chỉ có một lần đại hỉ như vậy nên mình đừng có “ăn cắp” thì giờ “vàng” của “đôi vợ chồng son” kỳ lắm. Cho nên khi nhận được thiệp mời, tôi thường đến sớm vài phút hoặc ít nhất là đúng giờ để vui vẻ cả làng” - chị Nguyễn Thị Thảo Mai, Q.Cái Răng, TP Cần Thơ, nói.

Người miền Tây quan niệm đám cưới là dịp sum vầy, thăm hỏi, hàn quyên bởi gia chủ không chỉ là bạn bè thân thiết mà cũng có khi là bà con dòng tộc.

Nguyên nhân quan trọng nữa là ở các tỉnh, thành miền Tây ít có tình trạng kẹt xe, dù vào các giờ cao điểm vẫn có thể đến đúng giờ như dự tính.

MINH TÂM

1 đám cưới - mời khách 2 giờ khác nhau

 

Một lần tôi đi dự đám cưới cô em họ. Thiệp mời ghi 17g30. Vì chú rể là người Thụy Điển nên tôi nghĩ đám cưới sẽ rất đúng giờ. 

Tôi đến nhà hàng đúng giờ mời trên thiệp cưới nhưng nhìn vào nhà hàng vắng tanh, không thấy ai. Tôi đành chạy xe lòng vòng. Khoảng 30 phút sau, tôi quay lại mới nhìn thấy họ nhà gái. Tôi vào nhà hàng, gặp cô em họ và trách rằng cô dâu còn đi trễ hơn khách.

Lúc này cô dâu mới cho biết vì quá sợ “giờ dây thun” của người Việt nên trên thiệp mời của người Việt ghi 17g30, còn trên thiệp mời họ hàng, bạn bè chú rể thì ghi 19g30. Thế mà khoảng 19g đã thấy gần như đông đủ khách nước ngoài, còn khách người Việt vẫn rất vắng.

Đúng 19g30 tiệc cưới bắt đầu nhưng đến 20g tôi còn thấy khách Việt đến. Đám cưới vào ngày chủ nhật, không phải ngày làm việc, thế nhưng không hiểu sao những người khách ấy lại đi quá trễ như vậy. Tôi tự hỏi không biết những người nước ngoài trong tiệc cưới nghĩ gì khi biết rằng đám cưới ấy có hai giờ mời khách khác nhau? Và những người khách được mời trước hai giờ như tôi sẽ nghĩ gì khi cô dâu chú rể mời mình như thế?

LÊ PHƯƠNG TRÍ

TIẾN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên