24/04/2017 08:20 GMT+7

Người 'phục chế những cuộc đời'…

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TTO - Hàng trăm đứa trẻ bụi đời từ nghiện game, cờ bạc, bỏ nhà đi bụi, thậm chí cả hút chích khi đến gara ô tô của cựu binh Trần Nhật Ninh, (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đều trở thành những người thợ lành nghề.

Ông Trần Nhật Ninh tận tình chỉ dạy cho các thợ ở gara của mình   Ảnh: Tấn Vũ

Từ một cái gara, hàng trăm đứa trẻ bụi đời từ nghiện game, cờ bạc, bỏ nhà đi bụi, thậm chí cả hút chích khi đến đây đều trở thành những người thợ lành nghề. Có đứa ông dựng vợ, gã chồng, có đất đai nhà cửa. Có người ở tận Tây Nguyên xa xôi hay từ Bắc Ninh, Móng Cái…đều mang con mình vào gởi cho ông với hy vọng làm lại cuộc đời. Nhiều người gọi đó là bến đỗ hoàn lương…

“Game thủ” vào nghề

Đúng 13h30, tiếng nhạc ở phân xưởng vừa vang lên, từng tốp thanh niên trong áo quần công nhân dính đầy dầu máy, tay cầm búa, cà lê, que hàn tiến thẳng vào vị trí làm việc. Không ai nói với nhau lời nào, họ chăm chú vào công việc của mình một cách tốt nhất có thể.

Hơn mười năm trước, Trung tâm Bảo trợ xã hội TP. Đà Nẵng đã từng nhờ ông Ninh dạy nghề cho những đứa trẻ mồ côi. Sau đó ông tạo điều kiện ăn ở và học việc miễn phí cho những đứa trẻ này ngay tại gara của mình. Tiếp đó là Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên địa phương cũng gửi gắm ông vài “đại ca nhí” để ông “rèn”. Tiếng lành đồn xa, dần dần, những phụ huynh có con cái chưa ngoan ở các địa phương khác cũng đưa con đến nhờ ông giúp.

Bên ngoài, những chiếc xe hỏng hóc liên tục được kéo về xưởng. Khách hàng là các chủ xe, nhân viên các hãng bảo hiểm, ngồi ở căn tin của gara để đợi.

Tiếng búa chan chát, tiếng máy nổ ì ầm, mùi dầu nhớt máy trộn với mùi khét lẹt của các que hàn rực sáng khiến phân xưởng càng náo nhiệt. Thỉnh thoảng một vài công nhân cầm một chi tiết máy đến trao đổi với ông Ninh về cách khắc phục. Sau khi được hướng dẫn họ quay về nơi làm việc tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình. 

Liếc mắt về hướng một công nhân đang làm ở xưởng sơn, ông Ninh cười hiền: “Nhìn giờ vậy đấy nhưng ngày xưa “đại ca” lắm!. Trước lúc vào đây mấy đứa nhỏ toàn anh chị nhưng giờ thì ngoan hiền rồi. Đứa nào cũng chí thú, lo kiếm cái nghề”.

Bố đi làm ăn xa, mẹ chỉ đủ sức lo cho hai em nhỏ, nên Lữ Thành Thịnh, 17 tuổi, (Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng), học mới giữa lớp 9 thì “tự tốt nghiệp” vì quá nghiện game. Mái tóc cạo sát da đầu, chàng trai có ánh mắt rất sáng và nụ cười hiền gật gù bảo: “Nếu năm ngoái em không gặp chú Ninh thì đời em giờ chắc đã tan nát đâu đó rồi”. Thịnh bảo từ ngày gặp chú Ninh, ông ấy luôn vỗ về, yêu thương và chăm sóc Thịnh như con trong nhà nên Thịnh cảm thấy không còn đơn độc nữa

Một năm trước đây thôi, khi đến gara ông Ninh, “game thủ” Thịnh mang nước da xanh tái, dáng người gầy nhom nhưng nay Thịnh là một chàng trai khác. “Chú Ninh mang về đây cho ăn, ở và dạy nghề. Lúc đầu chưa biết gì chú cho các đàn anh chỉ dẫn. Mỗi đứa lính mới đều có một sư huynh truyền nghề. Tiền ăn chú cho ngày 50.000 đồng. Em bảo em thích học ngành sơn nên chú ấy cho vào phân xưởng sơn. Nay thì em có lương tháng rồi!” - Thịnh cười khoe.

Sau khi Thịnh vào nghề, hai đứa bạn cùng xóm vốn nghiện game như Thịnh được Thịnh khuyên răn, dẫn đến ông Ninh và  được ông nhận làm đồ đệ. Qua một năm, bây giờ cả ba đều trở thành những người có tay nghề kha khá.

Nơi “phục chế” lại cuộc đời

Câu chuyện với các học viên ở phân xưởng bị đứt đoạn, ông Ninh quay vào căn tin để tiếp khách. Lần này “khách” của ông là một chàng trai 21 tuổi, đến từ Trà Đa, (Gia Lai). Đặt chiếc ba lô dưới gần bàn, đầu tóc mượt dài che gần khuất mi mắt, chiếc mũ bẻ cong che lút tai, chàng trai tự giới thiệu mình là Phạm Xuân Cường muốn đến đây học nghề. Ông Ninh bảo ông đã biết vì trước đó có người quen từ Gia Lai điện xuống xin cho Cường vào học nghề.

Ông gọi ly nước chanh mời Cường, rồi hỏi nhẹ: “Cháu học đến lớp mấy?”. “Dạ 12”. “Trước đây con từng làm gì chưa?”. “Dạ con chỉ đi chơi” - Cường nói nhưng mắt vẫn cúi xuống. “Vậy bây giờ về đây học nghề con quyết tâm chưa? Con muốn học nghề gì vì ở đây có đủ cả: thợ máy, sơn, hàn, gò…”. “Con xin học nghề sơn!” - Cường bảo.

Nghe vậy, ông Ninh quyết “Được! Chú sẽ giúp con nhưng con nhớ vào đây phải ngoan, nghe lời các anh, phải thật thà, đoàn kết. Tuyệt đối không hút thuốc vì xăng dầu máy xe rất nguy hiểm. Con sẽ được chú nuôi ăn, chổ ở miễn phí, khi nào tiến bộ sẽ có lương !”.

Mời đứa học trò mới nhận uống nước, ông Ninh vừa phân tích rằng ở cái xưởng này đủ thành phần. Có tổng cộng 3 kỹ sư, gần 15 người tốt nghiệp cao đẳng, nhưng gần 50 thợ lành nghề ở đây cũng rất giỏi, ai cũng có lương và đủ nuôi sống vợ con gia đình. “Con biết đấy, con muốn có tiền nhanh thì có thể đi làm công nhân, đi làm bảo vệ... Nhưng muốn có cái nghề nuôi sống bản thân gia đình con sau này chắc chắn con phải học.” - ông Ninh khuyên nhủ chân thành.  

Nói rồi, ông  gọi Quốc Cường, một thợ sơn kỳ cựu, cũng là một tay anh chị lẫy lừng một thời đến nhận kèm Nguyễn Xuân Cường. Ông Ninh tự hào khoe Quốc Cường giờ sắp mua đất, làm nhà, lương đủ nuôi vợ, con. Quay ngược 11 năm trước, chẳng ai nghĩ cậu bé “coi trời bằng vung” ngày đó có được hôm nay.

Có thể nói Quốc Cường là một con ngựa bất kham được ông thuần phục trở thành một trong những người thợ hàng đầu của ông. “Có đứa vào đây còn nghiện, nhưng mình thương yêu nó, chăm nom nó và nó thành người. Bây giờ nó đã ra lò, lập gara riêng, làm ăn khấm khá tôi mừng lắm!” - ông Ninh kể.

Sống để tin yêu

Tuổi thơ cơ cực, đói khổ của ông như một ám ảnh. Để được đi bộ đội, ông Ninh phải khai thêm tuổi. Nhưng khi học xong nghề sửa xe, chuẩn bị nhận lệnh hành quân thì cuộc chiến ở biên giới phía Bắc đã lắng xuống. Hết tuổi, ông Ninh giải ngũ về làm thuế vụ, rồi nông nghiệp, ngân hàng… “Cưới vợ xong, tôi dựng cái gara lên… nhưng mãi chẳng có xe để sửa. Ngày ấy chẳng ai dám mơ rằng mình có như hôm nay” - ông Ninh kể.

Ông Ninh bảo: “Hàng ngày tôi cũng ăn suất ăn như các cháu. Hòa đồng, gần gũi, yêu thương thì nó mới quý mình. Tôi dặn các em từ chuyện đi đứng, nói năng. Nhưng phải nói thẳng rằng không phải cháu nào cũng thành. Mười em thì cũng thành công được tám, vài trường hợp “quá sức” thì các em đi. Nhưng có em đi ,vài năm sau quay về thì tôi cũng nhận vì mình phải cho cháu cơ hội nên người” - ông Ninh tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc - người bán quầy tạp hóa cạnh gara than thở: “Biết ông Ninh tốt, nhưng ông cứ nhận vô đây toàn ba thứ “trời ơi” không à. Chơi game, ăn cắp đồ của xưởng không thiếu thứ gì. Có đứa chôm đồ xong bỏ đi, một thời gian sau quay trở lại xin lỗi, kiểu gì ông cũng nhận. Cứ kiên trì với tụi hắn, ổng luyện miết nhưng càng luyện càng thấy cam go. Ớn lắm!”.

Mặc dù nhiều lần bị “trả oán” như vậy nhưng ông Ninh vẫn cười bảo: “Phải xem tụi nhỏ như con cháu. Khắt khe quá các em sẽ rời đi hết. Giữ lại mới khó chứ để chúng bỏ đi thì dễ. Khi thành nghề rồi, đi đâu cũng được, tôi không giữ lại làm gì. Các cháu thành công là gia đình tôi hạnh phúc rồi. Bây giờ học trò của thành nghề, mở nhiều gara khắp các tỉnh thành.Thỉnh thoảng các cháu mời mình đi du lịch, ghé chúng thăm chơi nhưng đâu có thể bỏ các cháu đang ở xưởng đây mà đi được.” 

Câu than thở đầy nỗi bận bịu nhưng trong giọng nói của ông Ninh lấp lánh rất nhiều tin yêu với sự nghiệp “phục chế cuộc đời” mà ông đang tâm niệm.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên