Họ là những tình nguyện viên tới đón giúp những trẻ có cha mẹ bận đi làm chưa về kịp.
Bà Yuan Peijun, 62 tuổi, là người khởi xướng chương trình đầy ý nghĩa này. Chuyện bắt đầu từ năm 2018 khi bà Yuan nhận đón giúp bé gái nhà hàng xóm học cùng trường mẫu giáo với cháu bà. Cha mẹ bé không thể đón con đúng giờ vì khi ấy họ vẫn đang phải làm việc. Hoàn cảnh của họ cũng là khó khăn chung của nhiều gia đình trẻ trong vùng.
Bắt đầu từ sự quan tâm
Việc làm của bà Yuan đã truyền cảm hứng cho một số phụ nữ lớn tuổi khác trong vùng. Vào tháng 9-2019, họ đã cùng nhau khởi động chương trình chính thức chuyên hỗ trợ đón con cho các gia đình có cha mẹ bận làm về không kịp.
Những "người bà chia sẻ" này đã chia ca với nhau để đảm bảo giờ đón phù hợp. Hiện tại, theo đài quốc tế Trung Quốc CGTN, đã có 58 người bà, hầu hết trong độ tuổi 60 và 70, tham gia chương trình. Trong 4 năm qua, họ đã giúp đưa đón hơn 600 cháu.
Lan tỏa sáng kiến
Tới nay, sáng kiến của bà Yuan ở TP Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang đã được nhân rộng tại nhiều khu dân cư khác trên toàn Trung Quốc, trong đó có TP Ôn Châu (cũng thuộc Chiết Giang), TP Trùng Khánh, TP Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), TP Erdos phía bắc Khu tự trị Nội Mông.
Tấm lòng của những người bà đã khiến mọi người đều cảm kích. Giới chuyên gia cho rằng chương trình hỗ trợ của họ không chỉ đáp ứng nhu cầu của các gia đình trẻ và những người lớn tuổi, mà còn giúp cộng đồng huy động tối đa các nguồn lực.
Theo GS Sun Juanjuan thuộc Viện lão khoa, Đại học Nhân dân Trung Quốc, chương trình là ví dụ điển hình cho thấy một tuổi già tích cực khi những người lớn tuổi vẫn tiếp tục đóng góp cho cộng đồng, xã hội thông qua những hoạt động khác nhau.
Bà cho biết các chương trình tương tự cũng đã xuất hiện tại nhiều trường học ở Mỹ. Tình nguyện viên lớn tuổi cũng tới trường và trông nom học sinh cho tới khi cha mẹ tan tầm về đón.
Dân số Trung Quốc đang lão hóa nhanh. Tính tới cuối năm 2022 có hơn 280 triệu người thuộc độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm khoảng 19,8% trong tổng dân số hơn 1,4 tỉ của họ, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc.
Giáo sư Sun cũng nói, việc sáng kiến "những người bà chia sẻ" ra đời không chỉ chứng minh sự đóng góp của những người lớn tuổi là rất đáng trân trọng.
Việt Nam: nhiều gia đình con cái nhờ cả vào ông bà
Hai con nhỏ đang học lớp 1 và lớp 3, do trường học cách xa nhà hơn 1km, đường sá đông đúc, anh Hòa (Hà Nội) không an tâm để con tự đến trường. Thế nhưng, lịch học và lịch làm việc của ba mẹ lại không thuận tiện cho việc đưa đón con đến trường. Anh phải nhờ bà nội từ quê tỉnh Nam Định lên để phụ giúp việc đưa đón con.
Anh nói thêm tại khu nhà anh ở rất nhiều nhà như vậy. Thực tế, nếu nhờ hàng xóm cũng chỉ thi thoảng.
Bà Nguyễn Thị Thơm (65 tuổi, Hà Nội) cũng cho rằng việc nhờ các bà đưa đón trẻ con trong xóm cũng là cách làm hay.
"Tôi ở khu tập thể, thi thoảng các cháu ở xung quanh vẫn sang chơi, bố mẹ có việc bận vẫn nhờ bà trông giúp chốc lát. Việc nhờ các cụ đã về hưu, không bận con cháu đưa đón trẻ giúp để bố mẹ an tâm đi làm cũng là cách hay. Tuy nhiên, chỉ thuận tiện nếu trường học ở gần hoặc các cháu có xe đưa đón tận nhà", bà Thơm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận