Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên - Ảnh: Việt Dũng |
Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số nội dung dưới đây:
* Về việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, xin cho biết đánh giá của Chính phủ về tác động và chỉ đạo chính sách tiền tệ, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Việc Trung Quốc điều chỉnh giảm mạnh giá đồng nhân dân tệ đã tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực và Việt Nam. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều chỉnh kịp thời và với cách thức phù hợp khi tăng biên độ tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư... và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động đến từng lĩnh vực; thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường phối hợp, có đối sách phù hợp, tận dụng tác động tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
* Việc giá dầu thô thế giới giảm sâu có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách. Xin cho biết Chính phủ đã có phương án gì để bảo đảm nguồn thu, cân đối ngân sách trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Ngay từ đầu năm 2015, trước tình hình giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản điều hành bảo đảm nguồn thu, cân đối ngân sách nhà nước và tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015.
Đến hết tháng 8-2015 tổng thu ngân sách nhà nước đạt 67,8% dự toán cả năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, thu nội địa đạt 71,9%, thu từ xuất nhập khẩu đạt 62,3%; riêng thu dầu thô mới chỉ đạt 50,7% dự toán. Các bộ, ngành chức năng đã báo cáo Chính phủ các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản giá dầu tiếp tục giảm sâu. Bộ Tài chính khẳng định với giá dầu như hiện nay, thu ngân sách nhà nước năm 2015 vẫn bảo đảm theo kế hoạch đề ra và quyết tâm thực hiện thu đạt và vượt dự toán.
* Tại hội nghị trực tuyến tháng 6-2015, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương cho rằng để tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 6,2% thì phải khai thác thêm 1-2 triệu tấn dầu thô. Tuy nhiên, giá dầu giảm sâu vừa qua làm giá trị xuất khẩu giảm trên 50% nên có ý kiến cho rằng không nên khai thác vượt chỉ tiêu trên. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Từ đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ liên quan và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lập kế hoạch khai thác dầu thô ứng phó với các phương án giá dầu giảm, thậm chí có cả phương án xấu nhất là giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng; rà soát kỹ, áp dụng các biện pháp giảm tối đa chi phí; trên cơ sở chi phí sản xuất trung bình của từng mỏ đang khai thác để tối ưu hóa kế hoạch sản lượng khai thác, góp phần bảo đảm cho tăng trưởng GDP năm 2015.
Thực tế, giá thành sản xuất trung bình 1 thùng dầu thô của Việt Nam đang thấp hơn so với giá bán trung bình thời điểm hiện nay (giá bán dầu thô của Việt Nam khoảng 53 USD/thùng).
Trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2015, thực trạng các mỏ dầu khí đang khai thác và sau khi rà soát, cân đối tất cả các yếu tố liên quan, PVN phấn đấu đạt sản lượng khai thác dầu trong nước năm 2015 là 15,74 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với kế hoạch Chính phủ giao (14,74 triệu tấn), tương đương mức tăng 7%. Đây là sự chủ động của ngành dầu khí để góp phần thực hiện các mục tiêu của cả nước về kinh tế, không phải là do thời gian qua giá dầu thô giảm quá sâu nên phải tăng khai thác để bù thiếu hụt về tài chính.
* Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu, một số chuyên gia bày tỏ quan ngại và nhận xét rằng Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng quản trị doanh nghiệp và thể chế, điều hành quốc gia của Nhà nước còn chậm đổi mới nên khả năng nắm bắt, khai thác cơ hội từ hội nhập còn thấp. Xin người phát ngôn Chính phủ cho biết ý kiến về nhận xét này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là chủ động hội nhập quốc tế, chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác tối đa những cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế.
Đến nay nước ta đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang tiếp tục đàm phán 5 FTA khác.
Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế, quyết liệt triển khai 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Cùng với các nỗ lực của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động đổi mới quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi sản xuất của khu vực và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.
Sau khi các FTA có hiệu lực, các hoạt động đầu tư, kinh doanh đều đạt mức tăng trưởng rõ rệt. Cụ thể là, xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc sau khi có FTA (mới chỉ tính FTA Hàn Quốc đã ký với ASEAN trong đó có Việt Nam; chưa tính FTA song phương sẽ có hiệu lực tháng 1-2016) tăng bình quân 38%/năm (trước FTA là 16%/năm); vào Nhật Bản tăng 28%/năm (trước FTA là 26%/năm); vào Hoa Kỳ cũng đã vươn lên đứng đầu các nước ASEAN sau hơn 10 năm thực hiện Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA)...
Tuy nhiên, những kết quả này còn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thời gian tới Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận