TTCT - Chuyến đi thực địa tháng 9-2012 trong khuôn khổ một đề án nghiên cứu do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) tổ chức đã cho chúng tôi cơ hội tận mắt chứng kiến cuộc sống học đường, cách thức tổ chức giảng dạy, học tập của người Phần Lan. Nơi chúng tôi chọn khảo sát là một trường tiểu học trong vùng Mohos, cách TP Oulu ở phía bắc Phần Lan khoảng 35km. Với người Phần Lan, đây là một ngôi trường nông thôn, có thể nói là “vùng sâu vùng xa”. Trong nhiều tuần, chúng tôi đã gặp gỡ, nói chuyện với các thành viên của trường như hiệu trưởng, giáo viên, học sinh, phụ huynh, thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu với một số nhân vật chủ chốt. Những điều chúng tôi nghiệm thấy rõ nhất trong đợt khảo sát: người Phần Lan hầu như không có bệnh nói hay cày dở, không lý thuyết suông, không lý luận chủ nghĩa gì cao siêu, không có phong trào thi đua khen thưởng gì cả. Các văn bản luật Phần Lan liên quan đến giáo dục viết ngắn gọn, rõ ràng. Trong văn bản quy định thế nào thì họ thực hành trong thực tế tại các trường như vậy. Tôi lấy vài ví dụ sau đây để chứng minh điều này. Công bằng cơ hội Luật giáo dục cơ bản Phần Lan quy định: “Mục tiêu của giáo dục là đảm bảo sự công bằng cơ hội trong giáo dục trong khắp cả nước” (điều 3). Thế là tại các trường học, người ta làm đúng như thế. Trong trường tiểu học chúng tôi quan sát có một học sinh lớp 1 bị khiếm thị, chỉ nhìn được 20%. Để hỗ trợ học sinh này không thua kém bạn bè, nhà trường, với kinh phí của nhà nước (trung ương và địa phương), phải đầu tư riêng cho học sinh này một hệ thống điện tử trợ giúp đôi mắt, một bộ vi tính có chứa tất cả nội dung học tập để trợ giúp đôi tay (vì em này cầm bút không được), một trợ giáo ngồi sau lưng em trong lớp để kèm và giúp đỡ em ngoài sân chơi (công việc của trợ giáo này chủ yếu kèm riêng học sinh này). Hội đồng quốc gia giáo dục Phần Lan đưa ra ba mức độ hỗ trợ dành cho tất cả học sinh, trong đó có chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho học sinh học yếu hay có các vấn đề về thể chất hoặc tâm lý. Với những học sinh này, giáo viên đứng lớp phải phối hợp với các chuyên gia giáo dục, với phụ huynh và các tổ chức an sinh xã hội, các câu lạc bộ địa phương để lên kế hoạch cho từng trường hợp, với mục tiêu giúp từng học sinh phát triển tối đa, xóa bỏ khoảng cách với các học sinh giỏi giang khỏe mạnh khác. Trong ngôi trường chúng tôi đến có một chuyên gia giáo dục đặc biệt chuyên kèm 25 học sinh thuộc diện này của tất cả các lớp. Các học sinh này học với cô một tuần hai tiết, lớp học của cô tối đa bốn học sinh. Với kỹ năng của một chuyên gia được đào tạo, với sự hỗ trợ của các phương tiện sư phạm đặc biệt, các em vừa học vừa chơi, chơi nhưng để học, để thực hiện các bài tập. Công bằng cơ hội là như vậy, những học sinh không may bị tật nguyền hay kém trí thì trách nhiệm của xã hội là phải tạo mọi điều kiện để các em cũng được nhìn, được viết, được hiểu như các bạn đồng lứa. Kết quả nghiên cứu của PISA (xem box) chỉ ra rằng ngoài chuyện học sinh Phần Lan luôn dẫn đầu thế giới, ở nước này khoảng cách giữa học sinh giỏi và chưa giỏi là không nhiều, chất lượng giữa trường TP và nông thôn không có khoảng cách là mấy. Đây là hoa trái của những chính sách giáo dục đúng khiến nhiều quốc gia thèm thuồng. Tự giáo dục - phát triển toàn diện Luật giáo dục quy định: “... tạo những điều kiện cơ bản cho học sinh để các em tự tham gia vào giáo dục, cũng như tự phát triển bản thân trong suốt cuộc sống” (điều 2). Người lớn Phần Lan làm đúng như thế. Quan sát nhiều lớp học, chúng tôi thấy không có giáo viên nào giảng bài suông tổng cộng quá 15 phút cho một tiết dạy 45 phút. Các giáo viên thiết kế giáo án trong đó học sinh là trung tâm, tạo điều kiện cho học sinh tự làm việc một mình hay nhóm. Một ví dụ về giờ dạy sử lớp 6: Mở đầu bài mới, học sinh được yêu cầu đọc to các đoạn trong sách giáo khoa, các em tự chia nhau đọc, em nào cũng có phần. Kế tiếp, giáo viên đặt các câu hỏi và dành thời gian cho học sinh tự suy nghĩ, sau đó rất nhiều học sinh giơ tay để trả lời. Dựa trên các câu trả lời, giáo viên giải thích và chỉnh lại, sau đó yêu cầu học sinh làm bài tập ngay tại lớp. Các em tự đọc lại tài liệu và điền vào chỗ trống trong cuốn bài tập. Học sinh ngồi gần nhau có thể trao đổi với nhau về nội dung các câu trả lời, trong khi giáo viên trả lời thắc mắc của một số học sinh khác. Mấy hôm sau, chúng tôi quay lại giờ học sử kế tiếp của lớp 6 này thì thấy học sinh được chia nhóm, mỗi nhóm nhận một đề tài thuyết trình. Các nhóm kiếm phòng trống trong trường để tự thực tập thuyết trình. Giáo viên giải thích với chúng tôi mục đích thuyết trình không chỉ liên quan đến kiến thức môn sử mà tập cho các em kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng tự nghiên cứu và thẩm tra các nguồn tài liệu, kỹ năng làm việc nhóm... Tạo điều kiện cho học sinh tự học là như thế, giáo dục toàn diện là như vậy. Luật giáo dục cơ bản quy định hỗ trợ học sinh phát triển (phần 2 - điều 1) về mọi mặt, trong đó có phát triển về thể chất (phần 3 - điều 2). Theo đó, học sinh được ăn trưa miễn phí ở trường, với bữa ăn được các chuyên gia dinh dưỡng tính toán cẩn thận, bởi chuyện ăn uống liên quan đến sức khỏe, sự phát triển thể chất và trí lực của học sinh nằm trong kế hoạch hành động nhằm đạt được mục tiêu giáo dục tổng thể. Ngoài chuyện ăn uống, các em còn được xe buýt đưa đi bơi hằng tuần, được chơi thể thao đủ mọi hình thức. Cách thức giáo dục thể chất của họ diễn ra như thế... Thực học - thực làm Học sinh Phần Lan học gì cũng học thiệt chứ không phải cưỡi ngựa xem hoa. Trong giờ học thêu - môn thủ công, chúng tôi thấy cô trò cùng nhau thêu thùa các sản phẩm cụ thể với vật liệu và dụng cụ đầy đủ. Giờ học mộc, cũng trong chương trình môn thủ công, thầy trò hì hục bào, đục, cưa trong xưởng mộc của nhà trường, được trang bị đủ máy móc, dụng cụ, vật liệu không thua gì một xưởng mộc chuyên nghiệp bên ngoài. Học nhạc thì có đủ nhạc cụ, phục vụ năng khiếu của từng học sinh. Học về môi trường, giáo viên đưa học sinh vào rừng chơi các trò chơi, thông qua đó các em hiểu biết về đời sống động thực vật, tôn trọng môi trường thiên nhiên. Tóm lại, người Phần Lan đưa ra mục tiêu chung của giáo dục phổ thông là: đào tạo học sinh phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ, có khả năng tự học suốt đời, khả năng phản biện, sáng tạo, tôn trọng sự đa dạng, sự khác biệt, mang các giá trị của xã hội dân chủ, công bằng và nhân quyền. Những điều này thể hiện trong mục tiêu của từng vùng địa phương, từng trường học, thấm vào tư duy và hành động hằng ngày của hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và phụ huynh, tạo ra một sự nhất trí chung thống nhất trong các văn bản chính thức cũng như thực tế. Tôi không thấy có khoảng cách giữa những gì được Luật giáo dục quy định và thực tế đang diễn ra. Ở đây không có chuyện nói một đường làm một nẻo, không thấy bệnh thành tích, bệnh dối trá. Khác biệt với nền giáo dục Việt Nam là ở chỗ này. Thành công của giáo dục phổ thông Phần Lan không những chỉ là việc liên tục đứng đầu trong các đợt thi PISA mà hơn thế, với những gì đang xảy ra trong thực tế, họ đào tạo được những công dân tương lai có đầy đủ tố chất cần thiết để bước vào đời, làm chủ cuộc sống bản thân và xã hội trong một thời đại cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Cũng bằng cách đó, họ duy trì và thúc đẩy sự phát triển, tạo ra được một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thật sự. Ngay lần đầu tiên (năm 2000) Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment, PISA, nhằm đánh giá thành tích học đường của học sinh 15 tuổi ở các môn toán, khoa học và đọc hiểu) được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thực hiện, Phần Lan đã dẫn đầu 32 nước tham gia. Năm 2006, nước này vẫn dẫn đầu 56 nước tham gia, mặc dù phải chia sẻ vị trí đứng đầu với các quốc gia và lãnh thổ châu Á như Hàn Quốc, Hong Kong về toán và đọc hiểu. Lần gần đây nhất (năm 2009), Phần Lan vẫn thuộc tốp đứng đầu trong tổng 65 nước tham gia. Thành công của giáo dục Phần Lan còn được tô đẹp bởi tựa đề các công trình nghiên cứu của những nhà nghiên cứu giáo dục trên khắp thế giới, chẳng hạn như: The finnish primary school: ten elements of educational excellence (Nhà trường tiểu học Phần Lan: mười yếu tố của giáo dục trác việt) của Lynn Lahti Hommeyer (2010); The secret to Finland’s success: educating teachers (Bí mật thành công của giáo dục Phần Lan: đào tạo các giáo viên) của Pasi Sahlberg (2010); La Finlande: Un modèle éducatif pour la France? Les secrets d’une réussite (Phần Lan: một mô hình giáo dục cho nước Pháp? Những bí mật của một sự thành công) của Paul Robert (2010); Reussite scolaire enquete PISA: le miracle finlandaise (Sự thành công học đường qua điều tra PISA: phép lạ Phần Lan) của Philippe Deraye (2008). Tags: Câu chuyện giáo dụcNgười Phần LanIREDCuộc sống học đường
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Không có chuyện UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới THIÊN ĐIỂU 23/12/2024 'Đoàn giám sát của UNESCO sắp sang đánh giá tổng thể hiện trạng bảo tồn di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà theo lời mời của Việt Nam. Không có chuyện UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới'.
Đã cảnh báo, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, bị sóng dữ cuốn chết TRẦN HOÀI 23/12/2024 Dù đã có cảnh báo cấm xuống biển lúc sóng to, gió lớn, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, tắm lúc biển động, dẫn đến một người bị sóng cuốn chết.
Gia đình tố cáo, công an khai quật tử thi, lộ diện hung thủ đánh chết người QUỐC NAM 23/12/2024 Mâu thuẫn lúc dự đám cưới, một người đàn ông tại Quảng Bình đã chặn đánh đối thủ chấn thương sọ não và tử vong. Tuy nhiên, người nhà lại ngỡ nạn nhân bị tai nạn giao thông nên sau khi khai quật tử thi, kẻ đánh người mới bị bắt.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.