Anh Hà tự nguyện chăm sóc hơn 1.000 ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ - Ảnh: Lê Trung |
Anh là Nguyễn Phước Hà (45 tuổi, nhân viên bảo vệ Trường tiểu học Trần Cao Vân, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Nhờ những bức thư tay của anh, hàng trăm thân nhân đã tìm được mộ liệt sĩ sau bao năm trời thất lạc.
Cầu nối những linh hồn
Người quản trang tự nguyện Ngoài việc viết thư tay, anh Hà còn tự nguyện “kiêm” luôn công việc quản trang. Anh tự bỏ tiền chăm lo hương khói mộ phần liệt sĩ, hay sắm sửa hương đèn lễ cúng cũng như tự tay cất bốc hài cốt nhưng quyết không nhận của thân nhân liệt sĩ dù chỉ một đồng. Mỗi lần thắp nhang cho cả nghĩa trang, anh phải mất gần hai giờ. Đánh giá việc làm của anh Hà là một nghĩa cử hết sức cao đẹp, chính quyền xã đã giao hẳn chìa khóa để anh trông coi, quản lý nghĩa trang liệt sĩ Bình Định Bắc. |
Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Định Bắc nằm trên một khu đất cao ráo, được bao bọc bởi những dãy keo xanh ngắt. Những năm chống Mỹ và nhất là sau trận đánh Đồng Dương ác liệt cuối năm 1965, hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hi sinh và yên nghỉ trên mảnh đất này. Trong số 1.000 ngôi mộ tại nghĩa trang có 503 ngôi mộ vô danh. Và đã từ rất lâu, nhiều ngôi mộ vẫn chưa được người thân tìm thấy.
Mở trang vở đã úa màu, chi chít dòng thông tin về từng ngôi mộ, anh Hà nói: “Tôi cứ trăn trở làm sao tìm được thân nhân cho các anh, làm sao để những ông bố, bà mẹ nhận được tin về những người con đã hi sinh vì Tổ quốc”.
Đánh vội vài tiếng trống trường cho học sinh ra chơi, anh Hà cẩn thận lật một lá thư vừa viết đêm hôm trước.
Bức thư viết trên tờ giấy học trò đơn giản mà đầy đủ thông tin: “Tôi là Nguyễn Phước Hà, thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, số điện thoại... Dưới đây là danh sách các mộ chiến sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Bình Định Bắc. Nhờ cơ quan quân sự tỉnh, phòng lao động - thương binh và xã hội huyện, chính quyền địa phương nhắn giùm là các chiến sĩ đó đang yên nghỉ tại mảnh đất này. Kính thư”. “Còn mấy mộ liệt sĩ nữa chưa viết, sáng mai tôi tranh thủ đến bưu điện gửi đi luôn” - anh Hà nói. Bưu điện giờ đã về tận xã, không như gần 10 năm trước, mỗi lần gửi một bức thư, anh đạp xe hơn 10km xuống thị trấn để gửi.
Năm 2000, anh Hà cưới vợ. Ngôi nhà cấp 4 duy nhất một phòng ngủ nằm đối diện nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Định Bắc. Bấy giờ, nghĩa trang còn hoang sơ lắm, cây cỏ mọc um tùm. Đối diện với nghĩa trang bao lần như thế, anh Hà bỗng nghĩ mình phải làm điều gì đó cho những ngôi mộ kia khỏi buồn lòng. Thế là hằng ngày anh ra nghĩa trang quét dọn, dẹp sạch cỏ dại, thắp nhang cho các ngôi mộ liệt sĩ, xem chương trình Nhắn tìm đồng đội trên tivi rồi nảy ra ý định viết thư đến các gia đình thân nhân liệt sĩ.
Thế rồi từ đó, hằng ngày anh ra nghĩa trang vẽ lại sơ đồ từng ngôi mộ, viết số thứ tự từng họ tên, năm sinh, năm mất, quê quán... vào một cuốn sổ tay. Tối về, anh thức đến tận khuya lọc danh sách từng tỉnh, thành, nào là Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc... Anh đánh dấu tỉ mỉ, lọc danh sách mỗi tỉnh, rồi viết một lá thư gửi cho chính quyền địa phương.
Một bức thư, rồi hai, ba bức... cứ gửi đi và lòng anh Hà vẫn chờ đợi tia hi vọng phản hồi. “Có khi chờ 1-2 tháng không thấy hồi âm, tôi lại đánh dấu trong cuốn vở là thư đã gửi lần một, rồi gửi tiếp lần hai. Nhiều tấm bia có thể in sai địa chỉ, rồi có khi thân nhân liệt sĩ đã chuyển đi chỗ khác nên thư không đến được. Nhưng tôi vẫn cứ gửi”.
10 năm viết thư tay
Rồi những cánh thư tay cũng có phản hồi, anh vẫn nhớ rõ mồn một trường hợp đầu tiên tìm đến anh, đó là một người đàn ông ở Hà Tây. Người này đến nhà anh lúc trời đã chạng vạng. Anh liền dẫn ông ra nghĩa trang liệt sĩ, tìm đến đúng ngôi mộ của anh mình. Lúc ấy, nhìn những thông tin trên mộ biết chính xác là của anh mình, người đàn ông này ngã quỵ xuống, khóc như một đứa trẻ khiến anh Hà khóc theo.
Gần chục năm viết thư tay, anh Hà nhớ mỗi năm anh gửi 300-400 bức thư. Sau những cánh thư hồi âm, đã có gần 100 thân nhân ở khắp mọi miền đất nước tìm thấy mộ liệt sĩ ở Bình Định Bắc.
Ngôi nhà đơn sơ trước nghĩa trang của vợ chồng anh có thêm nhiệm vụ đón thân nhân đến tìm mộ liệt sĩ. “Ở quê làm gì có nhà nghỉ, khách sạn, tôi nói nhà chẳng có chi, các bác đến đây ở có chi ăn nấy, ngủ thì trải chiếu ra phòng khách, tôi cũng ngủ cùng để nói chuyện với các bác cho vui” - anh nói với họ như vậy. Nồi cơm của gia đình không đủ nấu, vợ anh phải qua hàng xóm mượn thêm xoong nồi. Cứ có ai đến đây tìm mộ người thân, dù giàu hay nghèo, anh đều sắp xếp chỗ ở, nấu cơm nước cho họ. Rồi tự tay anh dẫn họ đi tìm mộ.
Hơn 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Toan (em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Hoán ở huyện Lý Nhân, Hà Nam) cùng gia đình vẫn mòn mỏi đi tìm thông tin về liệt sĩ Hoán nhưng đều vô vọng. Ông Toan chia sẻ: “Tôi cũng là người lính chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam với anh trai, vậy nhưng khi đi tìm hài cốt của anh bất thành, lòng tôi trĩu nặng và cảm thấy có lỗi lắm”. Giữa lúc tuyệt vọng ấy, gia đình ông Toan bất ngờ nhận được bức thư của anh Hà. Ông nói: “Cả nhà tôi mừng phát khóc, tôi biên thư lại cho anh Hà rồi lên xe đò vào đón hài cốt anh trai. Gặp Hà, tôi chỉ biết ôm anh khóc và nói anh là ân nhân của chúng tôi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận