17/01/2006 03:12 GMT+7

Người nuôi vịt lao đao vì lò mổ

HẢI ĐĂNG - ĐỒNG HƯNG - YẾN TRINH
HẢI ĐĂNG - ĐỒNG HƯNG - YẾN TRINH

TT - Chưa qua khỏi dịch cúm gia cầm, người nuôi vịt lại phải đối mặt với khó khăn mới: giá thu mua vịt giảm dưới giá thành, muốn bán phải đăng ký và không phải lúc nào cũng bán được. Vì sao?

MCeoYIKC.jpgPhóng to
Bà Phạm Thị Hoa - chủ cơ sở giết mổ Phúc Hoa - tại khu nhà xưởng xây dở dang - Ảnh: Y.T.
TT - Chưa qua khỏi dịch cúm gia cầm, người nuôi vịt lại phải đối mặt với khó khăn mới: giá thu mua vịt giảm dưới giá thành, muốn bán phải đăng ký và không phải lúc nào cũng bán được. Vì sao?

Có bị ép giá?

Gần một tháng nay, gia đình ông Bảy - chủ trang trại tại Hòa Thành (Tây Ninh) - "xấc bấc xang bang" vì giá mua vịt giảm dưới giá thành. "Còn hơn 30.000 con vịt, không đủ tiền lo thức ăn, đem bán thì bị lỗ nặng. Giá mua cứ ba hồi lên ba hồi xuống, người chăn nuôi chẳng biết đâu mà lần..." - ông Bảy than thở.

Theo ông Bảy, cách nay gần một tháng, Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ - HGHĐ (TP.HCM) công bố giá mua 21.000 đồng/kg (loại 3,6kg/con) và thấp nhất cũng được 14.000 đồng/kg (loại dưới 2,7kg/con). Vài ngày sau đơn vị này "đè" giá xuống dần, vịt có trọng lượng từ 3,6 kg/con trở lên cũng chỉ bán được 13.000-14.000 đồng/kg.

Giá mua treo như thế nhưng đâu phải ai cũng bán được giá này. Ông Năm Đẹp (Dương Minh Châu, Tây Ninh) ngao ngán kể: nghe giá mua 21.000 đồng, mừng quá đưa vịt xuống ngay trong ngày nhưng Công ty HGHĐ để sang ngày hôm sau cho giá còn có... 19.000 đồng/kg! Tình trạng này khiến người nuôi vịt đã khó càng thêm khó.

Theo ông Nguyễn Phước Thảo - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, quan điểm của TP là không mở thêm các cơ sở giết mổ vịt. Việc cho mở cửa lại các cơ sở giết mổ vịt sẽ rất khó khăn cho các ngành chức năng trong khâu kiểm soát dịch cúm gia cầm. Ông Thảo cũng "gợi ý" rằng nếu các nhà đầu tư có nhu cầu thì có thể hợp tác với các địa phương để xây dựng nhà máy giết mổ.

Bà M.L., chủ trại vịt ở Long An, nói như mếu: "Ngân hàng không cho chúng tôi vay tiền nữa rồi, số tiền nợ đã lên tới hơn 2 tỉ đồng, chưa kể thiếu nợ chỗ khác". Giá mua "nhảy disco", gần đây càng bán càng lỗ. Cứ mỗi con vịt bỏ hai đồng vốn thì thu lại chỉ được hơn một đồng. Nhiều chủ trại vịt cho biết trước khi xảy ra dịch cúm, việc buôn bán giết mổ còn thoải mái, giá vịt hiếm khi rớt xuống dưới 25.000 đồng/kg. "Nếu có thêm cơ sở giết mổ, có sự cạnh tranh lành mạnh, người chăn nuôi đâu bị ép thế này” - nhiều chủ trại vịt uất ức.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Châu Nhựt Trung - thành viên HĐQT Công ty HGHĐ - khẳng định "không có chuyện ép giá". Giá cả lúc trồi lúc sụt bất thường, phụ thuộc vào sức mua trên thị trường. Như những ngày gần đây nhu cầu mua vịt để cúng có tăng lên và công ty đã điều chỉnh giá mua lên 17.000 đồng/kg loại 2,5 kg thịt/con...

Cơ sở giết mổ cũng khó

Vì sao có cảnh đã bán rẻ lại còn phải đăng ký? Không như trước, giờ đây người nuôi vịt phải chịu cảnh "len qua cửa hẹp" vì các cơ sở giết mổ thủ công ở Bình Hưng (Bình Chánh, TP.HCM) phải đóng cửa sau khi dịch cúm gia cầm nổ ra. Theo qui định, việc giết mổ phải được tập trung ở các cơ sở đủ điều kiện để đảm bảo an toàn.

Tại TP.HCM, ngoài đơn vị chuyên giết mổ vịt với qui mô lớn là HGHĐ, chỉ còn cơ sở giết mổ vịt Út Nhi đặt tại khu vực Nhà máy giết mổ Nam Phong với công suất 500-700 con/ca. Ngoài ra Long An cũng có một cơ sở nhỏ là Tân Trường Phúc. Công suất giết mổ của các cơ sở này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu tiêu thụ vịt của người chăn nuôi.

Giá gà trên thị trường vẫn tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là giá gà màu thả vườn hiện lên đến 24.000-25.000 đồng/kg mua tại trại nuôi, riêng gà trắng công nghiệp dao động ở mức 16.000-17.000 đồng/kg. Tại các siêu thị, giá gà "tươi" được bán từ 39.000-43.000 đồng/kg.

Ngay Công ty HGHĐ cũng thừa nhận không đủ sức để mua hết vịt của người chăn nuôi. Ông Châu Nhựt Trung nói: "Chúng tôi là đơn vị làm ăn, vốn liếng có hạn, đâu thể giải quyết tất cả những bức xúc của người chăn nuôi...".

Ông Trung còn cho biết thêm mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo các ngân hàng đáp ứng vốn cho các cơ sở giết mổ thu mua gia cầm, nhưng ngân hàng đòi phải có thế chấp. Theo ông Trung, công suất giết mổ của HGHĐ vào khoảng 30.000 con/ca (20.000 con gà và 10.000 con vịt), nhưng hiện nay đơn vị này chỉ giết mổ khoảng 5.000 con/ca cả hai loại vì thiếu vốn. "Nếu chạy hết công suất, chi phí của HGHĐ lên đến 24 tỉ đồng/tháng, muốn vay vốn cũng đâu biết lấy gì để thế chấp..." - ông Trung nói.

Trong khi đó, không ít cơ sở giết mổ được cấp phép hoạt động trước đây được công nhận qui trình giết mổ, đã nhiều lần kiến nghị được tiếp tục hoạt động lại không được chấp thuận vì "thuộc diện di dời theo định hướng của TP". Cơ sở Phúc Hoa ở quận 8, có miếng đất gần 6.000m2 ở khu Nam, bà Phạm Thị Hoa đã đầu tư gần 10 tỉ đồng xây dựng nhà xưởng, một dàn máy chế biến gia cầm trị giá 4 tỉ đồng và xin hoạt động trở lại "theo hướng vệ sinh, an toàn, hiện đại hóa" thì lại bị vướng vì đất thuộc diện qui hoạch...

HẢI ĐĂNG - ĐỒNG HƯNG - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên