24/01/2019 11:37 GMT+7

Người nuôi nấng 'con ma rừng'

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - 19 năm trước, đứa trẻ ấy mất mẹ từ khi chào đời. Dân làng định đem chôn sống theo hủ tục bao đời nay của người M’Nông ở huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam. Nhưng nay em đã là thiếu nữ, đang theo học Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam.

Người nuôi nấng con ma rừng - Ảnh 1.

Cha con bác sĩ Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Trần Thị Giang - Ảnh: LÊ TRUNG

Thực sự lúc đó mình nghĩ đứa bé cũng là một con người, phải được quyền sống. Mình phải giành mạng sống cho đứa trẻ để bà con nhận thức ra, xóa bỏ hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nếp sống từ bao đời nay.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải

Đó là nhờ chàng y sĩ trẻ của trạm y tế ở rẻo núi cao đã bất chấp lệ làng, giành giật đứa bé còn đỏ hỏn từ hủ tục, vì cho đó là "con ma rừng". "Con ma rừng" ngày xưa nay theo học ngành hộ sinh, để quay về giúp bản làng.

Đêm kinh hoàng ở nóc Ông Méo

Tối 14-1-2000, trời vùng cao mét mướt, mưa rả rích. Y sĩ tuổi 27 Nguyễn Thanh Hải - lúc này đang là cán bộ Trạm y tế xã Trà Leng, huyện Nam Trà My - chuẩn bị quấn chăn đi ngủ thì nghe tiếng gọi í ới. Trong bản có một sản phụ chuyển dạ đẻ khó cần sự giúp đỡ của cán bộ y tế. Sản phụ là một phụ nữ người M’Nông đã 47 tuổi, tình trạng lúc này rất nguy cấp, máu ra nhiều.

Hải cùng một cán bộ của trạm lao vội vào nóc Ông Méo, thôn 1 giữa trời mưa tầm tã. Sau một giờ nỗ lực, đứa bé được cứu sống, nhưng người mẹ đã ra đi vì bị băng huyết. Một bé gái nặng 1,9kg còn đỏ hỏn được đặt nằm giữa cái giường cũ kỹ với tiếng khóc oe oe xen lẫn tiếng mưa rừng nặng hạt.

Dân làng kéo đến nhà mỗi lúc một đông, tiếng xì xầm mỗi lúc một lớn hơn. Một cuộc họp của làng diễn ra ngay trong đêm. Người làng quyết định chôn sống đứa bé theo mẹ, vì đó là tục lệ của làng. Do mẹ mất, người làng gọi đó là cái chết xấu, đứa bé sẽ mang đến điều xui xẻo cho bản làng. 

"Kể cả gia đình họ cũng muốn vậy. Dân làng nói đó là con ma rừng, nếu để nó sống sẽ mang đến xui xẻo cho làng" - anh Hải nhớ lại.

Nghe dân làng bảo nhau chôn sống đứa trẻ còn đỏ hỏn, chàng y sĩ rùng mình. "Tôi sẽ nhận nuôi đứa bé" - anh thuyết phục lũ làng. Đó là cả một cuộc đấu trí, đấu lý gay go. Sau một hồi giằng co, giành giật với người nhà, anh đã nhanh tay hơn và ôm đứa bé bỏ chạy về trạm y tế, cởi chiếc áo trên người quấn vội ủ ấm cho đứa bé.

Có lẽ những bước chạy đó vội hơn bao giờ hết trong cuộc đời mình. Anh sợ những người trong gia đình chạy theo giành lại đứa bé và dành cho nó cái chết lạnh lẽo.

Mười ngày sau được nghỉ phép, Hải đưa đứa bé về cho người mẹ già đã 72 tuổi của mình ở huyện Bắc Trà My chăm sóc. Bà mẹ già bật khóc vì tấm lòng nhân hậu của con trai.

Với đồng lương ít ỏi lúc đó, chỉ 350.000 đồng mỗi tháng, Hải đã dành dụm để mua sữa nuôi cháu bé. Thiếu tiền, anh vay thêm bạn bè. Và anh đặt tên cho con bé là Nguyễn Trần Thị Giang. Đứa bé thể chất yếu ớt, mắc nhiều chứng bệnh, nhưng được chăm sóc bằng tất cả tình thương nên cũng dần lớn lên.

Rồi "con ma rừng" ngày nào cứ lớn dần trong tình yêu thương của cha và bà nội nuôi, dù trong khốn khó.

Người nuôi nấng con ma rừng - Ảnh 3.

Thị Giang chăm sóc bà nội Nguyễn Thị Nên - nay đã già, người đã nuôi nấng em nên người khi còn đỏ hỏn - Ảnh: LÊ TRUNG

Nối nghiệp cha, về giúp bản làng

Năm bé Giang được 5 tuổi, anh Hải lập gia đình, đến nay đã có hai con, một trai một gái.

Chị Trương Thị Hồng Vân (40 tuổi, vợ anh Hải) nói rằng lúc mới quen, chị thực sự rất nể phục hành động của anh. "Mọi người nói Mày mà ưng thằng đó là có phúc đó, nó hiền lành, tốt bụng, làm một việc mà hiếm ai có thể làm được" - chị Vân tâm sự.

Sau bao nhiêu năm công tác ở Trạm y tế Trà Leng, đến nay Nguyễn Thanh Hải đã chuyển công tác và làm trạm trưởng Trạm y tế xã Trà Vân, huyện Nam Trà My. Anh học liên thông và đã lấy bằng đại học y dược TP.HCM, nay đã là bác sĩ. Tâm nguyện của anh muốn con bé học hành thật tốt sau này nếu có cơ hội sẽ lên vùng cao công tác để giúp đỡ người dân còn lắm khó khăn, thiếu thốn. 

"Tôi muốn cháu là người có ích cho xã hội, với bà con dân bản vùng cao" - anh Hải bộc bạch.

Khi chúng tôi gặp Giang là lúc cô bé chuẩn bị đón sinh nhật lần thứ 19. "Con ma rừng" đỏ hỏn ngày nào giờ đã là một thiếu nữ và là sinh viên năm nhất Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam. Giang kể từ nhỏ đã sống trong tình thương của bà và ba, nên cảm thấy hạnh phúc, không phải tủi hổ với bạn bè.

Giang chọn học lớp hộ sinh, khoa sản của trường để nối nghiệp cha làm một cán bộ y tế. Đó như là một cách tri ân với tình thương bao la của người cha không máu mủ ruột rà dành cho mình. "Mạng sống của em là do ba giành giật lại, nên em sẽ quý trọng. Em muốn sau này ra trường, về lại các bản vùng cao để giúp đỡ bà con dân làng, nhất là phụ nữ, trẻ em" - Giang tâm sự.

Xóa bỏ hủ tục

Ông Phan Quốc Cường, chủ tịch UBND xã Trà Leng, cho biết lúc xưa đời sống còn khó khăn, người M’Nông ở đây có tục lệ sản phụ mà chết phải chôn con theo và quan niệm đó là cái chết xấu. Nhưng anh Hải đã can trường, quyết tâm đấu tranh để giành lại mạng sống của đứa trẻ vô tội.

ma rung 3 4(read-only)

Sinh viên Nguyễn Trần Thị Giang quyết tâm học hành để về giúp bản làng - Ảnh: LÊ TRUNG

"Địa phương đã ghi nhận và trân trọng việc làm trượng nghĩa của anh, lấy câu chuyện đó để tuyên truyền bà con phải xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đến nay hủ tục ấy ở địa phương đã được xóa bỏ hoàn toàn" - ông Cường nói.

Cuộc gặp định mệnh

TTO - Cuộc nói chuyện bằng tiếng Đức trên hai chuyến taxi ngẫu nhiên trong một ngày giữa tài xế Nguyễn Mạnh Hùng (44 tuổi, Hà Nội) và vị khách là GS Richard Kilborn (Anh) đã giúp anh Hùng tìm lại được con gái sau 14 năm thất lạc.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên