Cô gái Nga với ngoại hình khá xinh xắn ngồi thiền để xin tiền trên vỉa hè thị trấn Dương Đông (Phú Quốc) - Ảnh: HOÀNG TRUNG |
Chuyện một người châu Âu đi xin tiền ở Việt Nam là hi hữu, nhưng việc người dân ở một số quốc gia láng giềng đi ăn xin ở nước ta không phải là quá hiếm. Điều này khiến các chính quyền địa phương khó xử, có nơi làm ngơ, có nơi lúng túng bởi ngại “yếu tố nước ngoài”, hoặc luật chưa có quy định.
Tìm cách hỗ trợ
Ông Phạm Văn Nghiệp - phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc - cho biết cô gái Nga đến Phú Quốc xin tiền là trường hợp người nước ngoài đầu tiên được ghi nhận tại nơi này.
Đây là cô gái mới 20 tuổi, ăn mặc chỉn chu, gương mặt xinh xắn. Cô ngồi trên vỉa hè trong tư thế thiền với mảnh giấy ghi nội dung: “Thiền để được may mắn, cần tiền”. Thấy lạ, nhiều người qua đường ghé lại hỏi han, một vài người rút tiền bỏ vào cái chậu nhỏ đặt trước mặt cô gái, có người gọi báo với Công an thị trấn Dương Đông.
Theo ông Nghiệp, Công an thị trấn Dương Đông có mời cô ta về để xác minh nhân thân và tìm cách giúp đỡ. Việc cô ngồi thiền trên vỉa hè để xin tiền về cơ bản là không gây phiền hà hay ảnh hưởng tới an ninh trật tự ở địa phương.
“Vấn đề rắc rối ở chỗ cô ta là người nước ngoài nên thẩm quyền xử lý vượt quá cấp huyện, quá trình xử lý phải hết sức thận trọng và đảm bảo không gây phương hại tới quan hệ ngoại giao” - ông Nghiệp nói.
Ông Nghiệp nói theo quy định phân cấp, mọi rắc rối liên quan tới người nước ngoài xảy ra trên đảo Phú Quốc như: du khách quậy phá, bị tai nạn giao thông, bị sự cố rủi ro... đều phải chuyển hồ sơ về Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh và Sở Ngoại vụ tỉnh Kiên Giang.
Qua tìm hiểu cho thấy UBND huyện Phú Quốc chỉ đạo Công an thị trấn Dương Đông kiểm tra thủ tục nhập cảnh của cô gái Nga, kiểm tra thời hạn visa. Theo thông tin mới nhất từ Sở Ngoại vụ tỉnh Kiên Giang, sau khi nhận lại giấy tờ tùy thân, cô gái Nga tự rời nơi ở tạm đi đâu không rõ.
Ông Trần Chí Dũng - giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - cũng cho hay cô gái Nga báo với cơ quan chức năng ở Phú Quốc là mình đi du lịch “bụi” cùng vài người bạn qua một số nước châu Á. Tại những nơi đến, cô đều chọn cách ngồi thiền để xin tiền. Cô ta có nói là hết sức hạn chế giao tiếp với người dân địa phương để tránh làm phiền.
“Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đề nghị UBND huyện đảo Phú Quốc tích cực hỗ trợ cô gái Nga. Nếu cô thật sự gặp khó khăn về tài chính thì sẵn sàng giúp đỡ chi phí để cô quay về nước thông qua kênh ngoại giao” - ông Dũng nói.
Chưa có quy định xử phạt người ăn xin
Ông Mai Văn Huỳnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - khẳng định việc cô gái Nga ngồi thiền để xin tiền tuy không gây mất an ninh trật tự nhưng vẫn khó chấp nhận được.
“Giống như các nơi, Kiên Giang chủ trương không để người ăn xin, lang thang cơ nhỡ xuất hiện, nhất là tại các địa phương phát triển du lịch” - ông nói.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Đỗ Văn Vinh - giám đốc Công ty luật Đức Việt (Đồng Nai) - cho biết hiện chưa có luật cấm ăn xin đối với cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta. Các địa phương chủ yếu tự đặt ra quy định vì cho rằng hành vi ăn xin gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường xã hội, thậm chí phát sinh tệ nạn chăn dắt người già, trẻ em ăn xin để trục lợi.
Riêng người nước ngoài, đặc biệt là người châu Âu, thường rất lịch sự khi xin tiền (ngồi thiền, chơi đàn, biểu diễn nghệ thuật) nên khó có thể coi họ là đối tượng lang thang, cơ nhỡ để đưa họ vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Cùng lắm chỉ mời họ tới nhắc nhở.
Cùng quan điểm với luật sư Vinh, đại tá Phạm Trung Thành - người phát ngôn Công an tỉnh Kiên Giang - cũng nói hiện không có bất kỳ quy định nào xử phạt người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hoặc xử phạt người Việt Nam đi ăn xin. Với trường hợp của cô gái Nga thì Công an thị trấn Dương Đông chỉ nhắc nhở cô này không nên ngồi xin tiền ngoài đường nữa.
Có thể xử phạt hành chính Theo luật sư Lê Trung Phát - Đoàn luật sư TP.HCM, trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam ăn xin có thể áp dụng cách xử lý đối với người nước ngoài nhập cảnh không đúng mục đích để xử phạt hành chính. “Có nhiều trường hợp vào Việt Nam du lịch, nhưng sau đó lợi dụng cơ hội để ở lại vì một mục đích khác. Luật xuất nhập cảnh quy định rõ người được cấp thị thực không được chuyển đổi mục đích” - luật sư Phát nói. |
TP.HCM, Đà Nẵng: Giải quyết như người Việt Nam Ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, khẳng định trên địa bàn TP nếu phát hiện người ăn xin, không phân biệt là người Việt Nam hay người nước ngoài, trước mắt đều được đưa vào các cơ sở xã hội. “Trong 30 ngày, chúng tôi sẽ xác minh, phân loại từng trường hợp. Nếu là người nước ngoài, sau khi xác định rõ quốc tịch, chúng tôi liên hệ với sứ quán nước đó để yêu cầu đưa công dân của họ về nước. Nếu người nước ngoài được xác định không hộ khẩu hoặc không xác minh được nơi cư trú thì đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội” - ông Tấn nói. Ông Tấn còn cho biết sẽ kiến nghị lên Bộ Lao động - thương binh và xã hội để có phương án giải quyết kịp thời đối với những trường hợp này, tránh lúng túng cho các địa phương. Tương tự, ông Trần Công Nguyên, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP Đà Nẵng, cũng nói bất cứ đối tượng nào đến Đà Nẵng lang thang ăn xin đều được đối xử như nhau, không kể đó là người nước nào. “Người nào có nơi cư trú thì đưa trả về nơi ấy, người nào không có nơi cư trú sẽ lưu lại trung tâm bảo trợ xã hội và được chăm sóc theo chế độ chung của trung tâm” - ông Nguyên nêu. Theo bà Hệ Thị Thanh Hương - giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng, ý tưởng TP “5 không 3 có”, trong đó có nội dung không có người lang thang ăn xin được thực hiện từ đầu những năm 2000. Chủ trương này được HĐND TP Đà Nẵng ra nghị quyết thông qua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận