Cần giải trình cụ thể, đánh giá tác động rõ ràng
Sáng 19-6, nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đã góp ý về nội dung tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Ông nói mặc dù dự thảo luật chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sở hữu đất hay không, nhưng có thể thấy nội dung này chưa được làm rõ và có thể chưa phù hợp với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về người sử dụng đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân người nước ngoài.
Thêm vào đó, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định trường hợp cá nhân người nước ngoài mua nhà ở của chủ đầu tư bất động sản theo quy định của Luật Nhà ở; tổ chức, cá nhân nước ngoài mua công trình theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản thì các nội dung liên quan về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở.
Bên cạnh đó, liên quan nội dung này, dự thảo luật quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và dự thảo cũng quy định điều kiện cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
"Quy định như vậy là quá rộng và cần nghiên cứu, cân nhắc. Đặc biệt lưu ý việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng với mục đích đi du lịch có được phép sở hữu nhà ở hay không?
Ngoài ra, việc quy định này có xung đột với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, lưu trú của người nước ngoài ở Việt Nam hay không? Bởi theo dự thảo sửa đổi, thời gian thị thực cấp cho khách nước ngoài là 90 ngày, trừ một số trường hợp khác như lao động, đầu tư nhưng nhiều nhất là 5 năm với nhà đầu tư.
Nếu được sở hữu nhà ở thì những người được cấp thị thực có thời hạn ngắn dưới 1 năm có được ở lại Việt Nam sau khi hết thời hạn thị thực không? Vấn đề này cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh việc khiếu kiện, tranh chấp quốc tế", ông Cường nêu.
Ông nhấn mạnh vấn đề người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam là vấn đề lớn, hệ trọng, nhạy cảm, liên quan nhiều vấn đề an ninh, quốc phòng. Do đó cần phải được giải trình cụ thể, đánh giá tác động rõ ràng hơn.
Nên chăng chỉ tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư vào Việt Nam được sở hữu đất
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà đất là chưa rõ ràng. Bởi vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hằng năm có số lượng rất nhiều và không lẽ họ muốn mua nhà đất ở Việt Nam là được.
Ông đề nghị có cân nhắc và nên chăng chỉ tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư vào Việt Nam, người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là được sở hữu nhà đất.
Trong khi đó Luật Đất đai sửa đổi quy định "người sử dụng đất được Nhà nước giao đất cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài".
Ông dẫn lại việc thời gian qua dư luận rất bất bình cho rằng không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức người Việt Nam thu tóm nhiều đất đai ở một số nơi, nhất là thành phố có giá trị đất đắt đỏ, thành phố du lịch...
"Do đó, nếu quy định trong dự thảo cũng nên giới hạn thời hạn sử dụng", ông Hòa đề nghị.
Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cũng bày tỏ băn khoăn về nội dung này. Ông nói dự thảo quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc sở hữu 250 căn nhà ở riêng lẻ là quá lớn.
Ông cho rằng việc này dễ dẫn đến tổ chức, cá nhân nước ngoài có điều kiện kinh tế đầu cơ, tích tụ nhà ở tại Việt Nam, lũng đoạn thị trường, làm giá... Trong khi người Việt Nam có nhu cầu lại khó tiếp cận nhà ở.
Ông đề nghị tách quyền sở hữu, số lượng sở hữu nhà ở của tổ chức và cá nhân vì nhu cầu khác nhau, đồng thời phải đánh giá cụ thể với cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận