Phóng to |
Khu đất của Công ty TNHH Trung Hải (Trung Quốc) thuê trái phép của người dân xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre để sản xuất nhiều năm nay - Ảnh: Trường Giang |
* Đến thời điểm này, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã nắm được bao nhiêu vụ người nước ngoài thuê đất trái phép tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thưa ông?
- Nói thật là chưa có báo cáo nào chính thức. Qua báo chí chúng tôi mới biết có khá nhiều vụ như vậy. Ban chỉ đạo Tây Nam bộ mới chỉ đạo các tỉnh rà soát. Phải chờ thêm một thời gian nữa mới nắm được thực tế như thế nào.
* Ông nghĩ sao khi biết phần lớn các hợp đồng cho người nước ngoài thuê đất đều được UBND xã hoặc sở tư pháp chứng nhận, tức là cơ quan chức năng thừa nhận việc thuê đất là... hợp pháp?
- Lo nhất chính là ở chỗ đó. Luật đất đai quy định chỉ có UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuê đất. UBND xã và sở tư pháp làm vậy là qua mặt UBND tỉnh hoặc là không nắm luật. Cho dù là lý do nào đi nữa thì cũng không ổn, cần phải kiểm điểm trách nhiệm, xử lý đúng quy định. Không thể nói rằng chủ tịch UBND xã hay công chứng viên không hiểu luật. Giải thích như vậy thì hết thuốc chữa rồi. Ở cấp xã hằng ngày có cả trăm đầu việc cần lãnh đạo UBND xã giải quyết. Nếu anh không hiểu luật mà ký bừa, ký ẩu thì hậu quả vô cùng lớn.
Tôi cũng băn khoăn khi biết nhiều hợp đồng cho người nước ngoài thuê đất do phòng công chứng của sở tư pháp công chứng. Đây là cơ quan hiểu luật nhất ở địa phương. Hằng ngày các sở ngành, thậm chí HĐND tỉnh cũng phải nhờ cơ quan này phản biện, góp ý, tham mưu các vấn đề liên quan đến pháp lý. Vậy mà anh cũng không rành luật thì tỉnh và dân biết dựa vào ai nữa đây?
* Tiếp xúc với báo chí, một số lãnh đạo xã nói rằng họ biết người nước ngoài đứng đằng sau các vụ thuê đất, nhưng người Việt lại trực tiếp ký hợp đồng nên bắt buộc phải ký?
- Nói vậy là thiếu trách nhiệm. Anh biết đằng sau việc thuê đất là người nước ngoài thì anh phải có trách nhiệm tìm hiểu, xác minh. Nếu đúng như vậy, anh phải báo cáo UBND huyện, UBND tỉnh cho ý kiến, hướng dẫn họ nên làm đúng quy định của pháp luật. Anh biết mà ký bừa thì lỗi càng nặng. Theo tôi nắm được, tại tỉnh Bến Tre có mấy vụ thuê đất trái phép tồn tại suốt 4-5 năm mới phát hiện. Vấn đề đặt ra là chính quyền cơ sở ở đâu suốt thời gian đó? Chẳng lẽ người dân đưa cái gì anh cũng ký rồi quẳng trách nhiệm, ai muốn làm gì thì làm hay sao? Doanh nghiệp nước ngoài, người nước ngoài sống và làm việc tại địa phương anh năm này qua tháng khác mà anh giải thích là không thấy, không biết thì kỳ lắm.
* Thưa ông, việc cho người nước ngoài thuê đất dẫn đến những hậu quả gì?
- Tôi đơn cử vụ Công ty CP VN thuê gần 100ha đất nuôi cá ở tỉnh Vĩnh Long, dù phát hiện trễ nhưng tỉnh cũng nỗ lực giải quyết. Thế nhưng mấy tháng nay có xong đâu. Doanh nghiệp nước ngoài thuê đất và xây dựng nhà xưởng hoạt động trong thời gian dài. Khi phát hiện sai thì không chỉ hủy hợp đồng, thu hồi đất là xong. Khâu định giá tài sản trên đất, thương lượng bồi thường... rất nhiêu khê, nhùng nhằng. Còn tại Bến Tre có doanh nghiệp thuê đất xong đào ao nuôi cá. Bây giờ nói trả lại dân... cái ao thì chắc gì họ chịu. Về nguyên tắc, bên thuê đất phải có trách nhiệm phục hồi nguyên trạng trước khi trả cho dân. Nếu họ cù cưa không chịu làm thì giải quyết thế nào?
* Chúng tôi cho rằng đang có một lỗ hổng quá lớn trong công tác quản lý. Đáng lo là trình độ kiến thức pháp luật của cán bộ yếu kém. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
- Tôi cũng thấy hình như có một lỗ hổng trong công tác quản lý ở địa phương, từ xã đến tỉnh. Kiến thức pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức yếu thì rõ rồi. Tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ thấy giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre thừa nhận việc công chứng cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất là sai, nhưng nói họp nội bộ rút kinh nghiệm là chưa ổn. Việc này sai ở mức nghiêm trọng chứ không phải sơ suất câu chữ văn bản mà họp nội bộ rút kinh nghiệm. Ban chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ có ý kiến với các tỉnh về việc xử lý cán bộ làm sai.
Còn tại tỉnh Long An, báo chí cũng nói vụ hai người Trung Quốc tới làm việc nhân giống tôm dưới danh nghĩa chuyên gia của một doanh nghiệp ở miền Trung. Một thời gian thì họ về nước mất tiêu. Người dân cho thuê đất, cơ sở nhân giống vẫn chưa được trả tiền mà không biết kêu ai. Hay một người Đài Loan - Trung Quốc tới thuê xưởng gỗ sản xuất một thời gian cũng về mất, công nhân bị nợ lương dài cổ chờ trong tuyệt vọng. Có điều mãi đến khi người dân kêu cứu thì chính quyền mới biết. Đó cũng là một lỗ hổng.
* Với tư cách là phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, ông nói gì về trách nhiệm của lãnh đạo các tỉnh đối với những sai phạm này?
- Trên tất cả là phải yêu cầu cán bộ các cấp học tập, nghiên cứu luật pháp nhiều hơn. Tôi không hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra nếu cán bộ làm việc bằng cảm tính chứ không phải bằng quy định, bằng luật pháp. Chính quyền địa phương phải quản lý địa bàn tốt hơn, kịp thời phát hiện những vụ việc bất thường để giải quyết sớm, chứ để mấy năm trời mới phát hiện thì rắc rối vô cùng. Người nước ngoài sống và làm việc ở địa bàn anh mà anh không biết thì làm sao biết được tội phạm (là người VN) lẩn trốn ở đó!
Tôi cũng mong người dân nâng cao tinh thần cảnh giác và tuân thủ pháp luật. Nếu có người đến hỏi thuê đất xây dựng nhà máy hay đào ao nuôi cá... thì cần hỏi rõ doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài. Nếu là thuê cho doanh nghiệp nước ngoài thì kiên quyết nói không. Khi phát hiện người khác cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trái pháp luật thì nên báo chính quyền địa phương biết. Đừng vì lợi ích trước mắt rất nhỏ mà làm trái quy định của pháp luật, rồi phải chịu hậu quả về sau.
Lo giải quyết hậu quả trước, chuyện cán bộ tính sau Ông Cao Văn Trọng (phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre) nói sở dĩ tỉnh chưa xử lý cán bộ làm sai trong vụ cho người nước ngoài thuê đất là vì đang tập trung lo giải quyết hậu quả. Hiện chỉ mới hủy hợp đồng thuê đất trái luật của hai doanh nghiệp nước ngoài và đang tiếp tục mời các doanh nghiệp còn lại nhưng cũng rất khó khăn. Các cán bộ làm sai đã nhận ra sai phạm của mình và đang tham gia khắc phục hậu quả. Khi nào giải quyết xong sẽ làm rõ trách nhiệm từng người. Công việc mà UBND tỉnh làm là chỉ đạo tất cả xã, huyện và các sở, ngành chấn chỉnh việc giải quyết công việc hành chính mà không tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật. Đặc biệt, sở tư pháp phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh thái độ làm việc và học tập nâng cao trình độ để tránh sai sót tương tự. Cán bộ cần phải ý thức rằng một chữ ký chỉ mất vài giây, nhưng hậu quả của nó có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới giải quyết được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận