26/08/2022 09:33 GMT+7

Người nước ngoài góp ý chính sách visa của Việt Nam

NHÃ XUÂN
NHÃ XUÂN

TTO - Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh thủ tục visa vào Việt Nam đang gây khó khăn cho người nước ngoài, hàng trăm bạn đọc người nước ngoài bình luận về vấn đề này: có cả ý kiến đồng tình lẫn không đồng tình.

Người nước ngoài góp ý chính sách visa của Việt Nam - Ảnh 1.

Khách du lịch Hà Lan đi dạo phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều người muốn visa du lịch hơn 30 ngày  

"Indonesia có chính sách khá thoáng. Họ cho thị thực 60 ngày và có thể được gia hạn 2 lần, tức là tận 180 ngày. Ít nhất Việt Nam cần trở về chính sách thị thực du lịch 3 tháng như cũ. Thị thực 30 ngày như hiện nay thật khó, đặc biệt là khi chỉ cho phép nhập cảnh 1 lần", bạn đọc Cristos Petropoulos bình luận với Tuoi Tre News (báo tiếng Anh của Tuổi Trẻ) sau khi đọc bài viết về việc chuyên gia, du khách gặp khó với visa vào Việt Nam.

"Giả sử bay đi Singapore hay Thái Lan vào cuối tuần với bạn bè rồi về, chúng tôi lại phải xin thị thực tiếp", Petropoulos giải thích thêm.

Một bạn đọc khác có nickname Daniel Maneveld bình luận: "Chúng tôi không xin được thị thực dễ dàng nên đã đi Thái Lan, nơi mà thị thực được miễn cho tất cả. Bản thân tôi là doanh nhân Nam Phi, tôi có khả năng kinh tế để đi đến nơi nào mà mình muốn, nhưng tôi vẫn muốn đến Việt Nam vì đất nước này rất tuyệt. Tất cả những gì chúng tôi muốn là được đi du lịch, tạo công ăn việc làm và giúp hồi phục, nhưng Việt Nam giờ khó vào hơn thời trước dịch rồi". 

Bạn đọc Peter Wildman cho rằng nhiều nhà nghỉ/khách sạn đang gặp khó khăn vì Việt Nam rất rộng lớn, khách du lịch muốn ở lại mỗi nơi lâu hơn hai ngày. "Hãy cho chúng tôi lại thị thực du lịch 90 ngày đi", Wildman kêu gọi. 

Người nước ngoài góp ý chính sách visa của Việt Nam - Ảnh 2.

Khách du lịch nước ngoài tham quan Bưu điện TP.HCM, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chính sách thị thực hiện nay không chỉ làm khách lẻ quan ngại, mà cũng khiến một số công ty du lịch chần chừ trong việc đưa khách đến Việt Nam.

"Vấn đề nằm ở thị thực điện tử và chỉ có giá trị nhập cảnh một lần. Tôi có nói chuyện với đại diện một công ty du lịch, và anh ấy nói công ty anh không đưa Việt Nam vào hành trình tour của mình", bạn đọc Štěpán Sláma viết. 

"Các đại lý công ty thường bán tour du lịch trọn gói đến các nước châu Á như Campuchia, Lào… Nếu du khách đến Việt Nam và muốn khởi hành từ Việt Nam, họ cần phải xin visa điện tử, nhiều người lại không xin được visa đúng hạn. Vậy nên việc miễn thị thực lên đến 90 ngày có thể là một giải pháp", người này nói tiếp.

Ngoài ra, một số người cũng cho biết họ gặp vấn đề trong việc tiếp cận trang web xin thị thực điện tử. "Tìm được trang web chính thức của Chính phủ để xin thị thực điện tử cũng là cả một vấn đề", Ruth Maloney trình bày. 

Thời gian giải quyết thị thực cũng như thời hạn hiệu lực của thị thực cũng là mối quan tâm nữa của người nước ngoài.

"Trên trang web nói là giải quyết trong 3 ngày làm việc cho thị thực du lịch. Thế nhưng tôi đã đợi 3 tuần rồi, và thị thực lại có hiệu lực từ ngày bạn nộp đơn xin, chứ không phải từ ngày bạn đến đất nước này. Vậy là khi họ hoàn tất xử lý thì thị thực của tôi chẳng còn mấy thời gian. Vậy tôi biết làm sao?", Danny Flood bình luận.

Người nước ngoài góp ý chính sách visa của Việt Nam - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài tham quan quận 1, TP.HCM vào trưa 12-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những ý kiến ủng hộ 

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, một số người bày tỏ mình không gặp phải vấn đề gì trong việc xin thị thực nhập cảnh Việt Nam.

"Tôi đến Việt Nam hồi tháng 5 và chẳng gặp bất cứ vấn đề gì. Là người Đức nên tôi được miễn thị thực 15 ngày. Tôi đã đi du lịch trong 2 tuần từ Hà Nội vào Hội An. Hệ thống giao thông cực tốt, khách sạn cũng ổn, mọi thứ đều ổn như trước khi có dịch vậy", bạn đọc Barbara Serve chia sẻ.

"Tôi thấy thị thực điện tử dễ xin mà. Tôi nộp đơn vào sáng thứ sáu và có thị thực vào sáng thứ tư. Tôi tự nộp đơn xin luôn và không gặp phải vấn đề gì cả. Có điều cũng phải tìm mới thấy được trang web của Chính phủ giữa một nùi các kết quả tìm kiếm được trả tiền để hiển thị khác. 

Tôi đến sân bay và cứ thế đi qua cổng thôi. Mọi thứ được sắp xếp ổn thỏa cả. 

Vấn đề là giá vé máy bay quá là "trên trời" so với thời trước dịch. Điều này sẽ khiến nhiều người lưỡng lự trong việc bay", Tim Steel nói thêm.

Trong khi đó, một số người lại cho rằng thời gian hiệu lực của thị thực là phù hợp với số ngày nghỉ phép của số đông.

"Du khách châu Á chiếm một tỉ lệ rất lớn trong số lượng khách đến Việt Nam, và họ chỉ được nghỉ phép hằng năm 10 ngày. Việc cấp thị thực đáp ứng số đông du khách hơn là số ít thì cũng phù hợp thôi", Gary Hagan nhận định.

"Hầu hết ai cũng có công ăn việc làm cả và nghỉ phép được tầm 4 tuần/năm thôi. Thống kê cũng cho thấy những người ở lại Việt Nam quá 30 ngày cũng chẳng phải ‘du khách thật sự’. Họ chỉ là muốn cư trú ở Việt Nam bằng thị thực du lịch thôi. Bạn nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam không biết điều này sao?", Jason Rouzaire nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, một số người cho ý kiến trung dung rằng thị thực không phải là vấn đề duy nhất gây cản trở việc hồi phục du lịch toàn cầu. "Công bằng mà nói, rất nhiều khách du lịch quốc tế dù sao vẫn đang phải khó khăn ở quê nhà, vì vậy có thể sẽ mất một thời gian nữa trước khi chúng ta thấy du lịch trở lại đỉnh cao trước đây", Savage Ba bình luận.

"Tôi không nghĩ là chỉ nên đổ lỗi cho Việt Nam. Mọi người đã thấy giá vé máy bay gần đây chưa?", Alessandro Ferretti viết.

Từ ngày 15-3, Chính phủ miễn thị thực cho công dân 13 nước khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đây là các quốc gia đã được Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho công dân từ trước đại dịch COVID-19 năm 2020. Chính sách miễn thị thực này được thực hiện trong 3 năm, kể từ ngày 15-3, đến hết ngày 14-3-2025 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Việt Nam cũng đang thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước. Theo Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh Việt Nam, người nước ngoài đang ở nước ngoài, có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam cũng có thể trực tiếp đề nghị cấp thị thực điện tử hoặc thông qua cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh.

Thị thực điện tử là một loại thị thực do Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài qua hệ thống giao dịch điện tử. Thị thực điện tử Việt Nam có giá trị một lần, thời hạn không quá 30 ngày.

Chuyên gia, du khách gặp khó với visa vào Việt Nam Chuyên gia, du khách gặp khó với visa vào Việt Nam

TTO - Dù Việt Nam đã mở cửa sớm hơn so với một số nước nhưng thủ tục visa vào Việt Nam đang gây khó khăn cho người nước ngoài nhập cảnh. Rào cản này không chỉ với khách du lịch mà còn với doanh nhân, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài…

NHÃ XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên