22/10/2017 10:16 GMT+7

Người nước ngoài bàn về cái giá phải trả của vấn nạn đạo văn

QUỲNH TRUNG - NGỌC ĐÔNG  ghi
QUỲNH TRUNG - NGỌC ĐÔNG ghi

TTO - Sau khi Tuổi Trẻ thông tin nhiều trường đại học ở Việt Nam trang bị phần mềm chống đạo văn, một số chuyên gia người nước ngoài coi đạo văn là tệ nạn toàn cầu và chỉ ra cái giá phải trả.

Người nước ngoài bàn về cái giá phải trả của vấn nạn đạo văn - Ảnh 1.

Ảnh: NVCC

Giáo sư JONATHAN LONDON (Đại học Leiden, Hà Lan):

Đạo văn xuất hiện ở mọi quốc gia

Đạo văn là một hiện tượng toàn cầu và xuất hiện ở mọi quốc gia trên thế giới. 

Ngay cả chính phủ ở những nước phương Tây tiên tiến như Đức cũng có những chính trị gia dính bê bối đạo văn. Năm 2013, Bộ trưởng Giáo dục Đức Annette Schavan từ chức sau bê bối đạo văn. 

Quyết định này được đưa ra 4 ngày sau khi bà Annette Schavan bị một trường đại học tại Đức tước bằng tiến sĩ vì đạo văn. 

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta thỏa hiệp với đạo văn. Đây là một hiện tượng xấu và chúng ta nhất quyết phải chống lại nó.

Là nhà nghiên cứu Việt Nam kể từ năm 1975, trong đó có nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục, tôi quan sát thấy nạn đạo văn ở Việt Nam đang ở trong tình trạng nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đại học và sau đại học.

Đạo văn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó lý do chính là người ta theo đuổi thành công bằng mọi giá.

Một trong những hình thức phổ biến của nạn đạo văn trong lĩnh vực giáo dục đại học và sau đại học là nhiều người vô tư sử dụng ý tưởng của người khác trong các luận án tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ... mà "quên" trích dẫn một cách đúng đắn.

Các bạn sinh viên phải hiểu rằng điều mà các giảng viên mong muốn chính là khả năng tiếp cận và đánh giá của sinh viên về những ý tưởng và bằng chứng của người khác một cách kỹ càng và sâu, chứ không phải lấy chúng làm "tài sản" của riêng mình. 

Một ví dụ cụ thể là nhiều sinh viên Việt Nam vẫn chưa hiểu Wikipedia là một từ điển mở để tham khảo ban đầu chứ không phải là một nguồn để copy lại cho bài luận của mình.

Theo tôi, để chống nạn đạo văn, Việt Nam cần phải thiết kế các cuộc thi đạt độ khó đến nỗi có đạo văn cũng không làm được. 

Chẳng hạn đặt những câu hỏi cụ thể trong một bối cảnh cụ thể, yêu cầu sinh viên suy nghĩ một cách cá nhân và sáng tạo.

Ở những nơi mà tôi từng dạy học như Mỹ, Singapore, Hong Kong, Hà Lan, hình phạt đạo văn tùy theo mức độ. Ở mức độ cao nhất, tức cố tình và đạo văn cho nhiều bài luận, nhà trường sẽ đuổi học. Những trường hợp nhẹ hơn, nhà trường đánh rớt môn học đó và cảnh cáo.

Đối với những trường hợp không cố tình đạo văn, thông thường giảng viên sẽ gặp sinh viên và giải thích cho họ rõ hành vi của họ chính là đạo văn và không được tái phạm.

Người nước ngoài bàn về cái giá phải trả của vấn nạn đạo văn - Ảnh 2.

Ảnh: NVCC

Ông HERBY NEUBACHER (người Đức):

Trích nguồn khác với sao chép

Chuyện đạo văn cũng xảy ra trong giới báo chí truyền thông, với áp lực bài vở mỗi ngày, một số người cảm thấy việc sao chép dễ dàng hơn nhiều so với việc chính bản thân mình đi điều tra, xác tín một sự việc nào đó.

Từng làm việc trong ngành báo chí, tôi cũng có lúc phát hiện đồng nghiệp của mình báo nội dung bài từ một số tờ báo lớn, và nói như thể đó là bài của họ. 

Theo tôi, việc sử dụng thông tin từ các nguồn khác là chuyện khá bình thường nhưng bạn phải trích dẫn chính xác hoặc nói rõ là bạn sử dụng tài liệu của người khác, chứ đừng làm như thể chính bạn khám phá nội dung đó!

Ở Đức, nếu một người nào đó trong giới học thuật bị phát hiện là đạo văn, người đó sẽ bị "ruồng bỏ", mất hết cả thanh danh. Còn nếu sinh viên đạo văn, luận văn của họ có thể sẽ không được công nhận và họ có nguy cơ bị từ chối xếp hạng học thuật.

Ở Đức từng có hai vụ việc liên quan đến đạo văn làm chấn động công chúng. 

Một trong hai vụ đó là vào năm 2011, bộ trưởng quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg đã phải từ chức sau khi bị ĐH Bayreuth thu hồi bằng tiến sĩ vì bê bối đạo văn liên quan đến luận án tiến sĩ của ông.

Luận văn của ông Guttenberg đã được nhiều chuyên gia học thuật cấp cao kiểm tra. Họ so sánh với các bài viết khác trong cùng lĩnh vực và phát hiện những chỗ tương đồng. Không quá khó để phát hiện luận văn của ông Guttenberg là một tác phẩm chắp vá.

Người nước ngoài bàn về cái giá phải trả của vấn nạn đạo văn - Ảnh 3.

Ảnh: NVCC

Đối với hầu hết mọi người, tôi nghĩ cũng sẽ chẳng vui vẻ gì khi mà người khác biết được nền tảng học thuật và nghề nghiệp của mình được xây dựng trên sự dối trá

RAFAEL RIBEIRO

Anh RAFAEL RIBEIRO (Giáo viên ở Brazil):

Chú ý ra đề tránh đạo văn

Theo tìm hiểu của tôi, hầu hết trường học và các viện giáo dục ở Brazil phát hiện đạo văn bằng cách sử dụng các trang web, các phần mềm chuyên dụng và nhiều biện pháp khác.

Là giáo viên dạy tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, tôi cũng luôn cố gắng tránh cho học sinh của mình khỏi nạn đạo văn bằng cách khi ra đề thi tôi yêu cầu các em viết những gì liên quan đến cuộc sống của chính mình, hoặc điều gì đó có ý nghĩa với bản thân các em. 

Tìm tài liệu trên mạng mà giống với cuộc sống của mình không phải dễ, đồng thời viết về bản thân mình sẽ khuyến khích các em tự thực hiện bài viết của mình, vì ai cũng thích nói về bản thân mình mà.

Trường đại học ráo riết chống đạo văn

TTO - Mới đây một luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ thành công tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bị phát hiện sao chép gần như y nguyên luận án tiến sĩ được bảo vệ trước đó của người khác.

Ông PASI TOIVA (Công ty tư vấn giáo dục Wise Consulting Finland Oy, Phần Lan):

Đạo văn là hành vi lừa đảo

Mọi trường đại học của Phần Lan đều mua một công cụ để hướng dẫn cách làm khoa học một cách đúng đắn và xác định các vi phạm về liêm chính trong học thuật.

Có hai phần mềm được chọn làm hệ thống hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu, đó là Turnitin của Mỹ và Urkund của Thụy Điển.

Tất cả các cơ sở giáo dục bậc cao đều có "quy tắc chung về bằng cấp", trong đó nói rõ đạo văn là hành vi lừa đảo và không thể được chấp nhận.

Dựa vào mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý, từ cảnh cáo miệng/chính thức, đình chỉ/đuổi học cho đến thu hồi luận văn và bằng cấp.

Tại Phần Lan, Hội đồng đánh giá giáo dục bậc cao Phần Lan có trách nhiệm giám sát và đảm bảo chất lượng giáo dục bậc cao, gồm các trường đại học và đại học khoa học ứng dụng.

Tổ chức trực tiếp liên quan tới vấn đề liêm chính trong học thuật là ủy ban tư vấn quốc gia về đạo đức nghiên cứu.

Ủy ban này đưa ra các hướng dẫn để làm nghiên cứu một cách có trách nhiệm cũng như hợp tác với cộng đồng nghiên cứu Phần Lan để xử lý các vi phạm.

Mục đích của việc này là để thúc đẩy nghiên cứu có trách nhiệm và ngăn chặn vi phạm ở tất cả các tổ chức có liên quan đến công việc nghiên cứu, như ở các trường đại học, viện nghiên cứu và các trường khoa học ứng dụng.

QUỲNH TRUNG - NGỌC ĐÔNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên