Một trong các bài đăng về tiền mã hóa của người nổi tiếng hôm 11-5 - Ảnh: LÊ GIANG
Các chuyên gia cảnh báo đang có xu hướng tận dụng những người nổi tiếng sử dụng mạng xã hội để lôi kéo nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường.
Dùng sao để "lùa gà"?
Đồng Bitcoin tăng phi mã đang là cái cớ để các đồng tiền ảo vô giá trị (thường gọi là coin rác) ăn theo với hàng loạt chiêu trò quảng bá.
Chiều 11-5, Ngọc Trinh đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội khoe tài khoản có hơn 10 triệu USD, trong đó có 900.000 USD đầu tư vào đồng tiền ảo Shiba. Hàng loạt sao Việt khác cũng liên tục đăng status trên mạng xã hội kèm hashtag đồng Dogecoin như Lê Dương Bảo Lâm, Kiều Minh Tuấn, Trần Nam Thư... Những dòng trạng thái của hầu hết các nghệ sĩ này đều theo kiểu "copy - paste".
Thế nhưng đáng nói là chen giữa các mã coin đình đám có một đồng coin rác đang vướng nghi án lừa đảo hàng chục ngàn nhà đầu tư tại Việt Nam là FXT. FXT là tiền ảo đa cấp được Lion Group sử dụng nhằm lôi kéo các nhà đầu tư với cam kết lợi nhuận khủng, lên đến 1%/ngày, 24%/tháng nên đã có hàng chục ngàn người đổ tiền vào đầu tư.
Sự vụ này đã được Công an TP Đà Nẵng cảnh báo từ hồi đầu tháng 2 và nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc. Mấy ngày trước, sàn đa cấp của Lion Group đã vô hiệu hóa khả năng rút tiền của người tham gia.
Ông N.P. - một nhà đầu tư đồng thời cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tại TP.HCM - cho rằng việc này là "có ý đồ" vì đã tận dụng sự trỗi dậy của các đồng coin hệ động vật để quảng bá rầm rộ trở lại đồng FXT.
"Những nghệ sĩ này có thật sự đầu tư vào các đồng coin đó, nhất là FXT hay không? Có am hiểu về thị trường tiền ảo hay không? Tôi nghĩ rằng không vì những dòng trạng thái họ đăng giống nhau 100%. Vậy nguồn đến từ đâu, ai là người thuê đăng các dòng trạng thái này. Có phải là nhà cái muốn quảng bá để hốt cú chót không? Nếu vậy thì trách nhiệm cá nhân của những nghệ sĩ này thế nào" - ông N.P. nói.
Vốn hóa vượt cả Apple?
Theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, trong các dòng quảng bá mà các nghệ sĩ đăng tải có thể thấy họ vẽ ra tương lai những đồng coin sẽ lên giá 1 USD. Nhưng trong số đó hiện chỉ có Dogecoin đang có giá 0,5 USD, còn những đồng coin khác đang có giá rất thấp, do vậy khả năng lên 1 USD/coin là khá viển vông.
Khác với Bitcoin chỉ có 21 triệu đồng coin và không sinh ra thêm, các đồng coin khác số lượng rất lớn, như Dogecoin số lượng là 120 tỉ đồng coin, mỗi ngày lại có thêm khoảng 20 triệu coin mới ra đời, 1 năm có thêm khoảng 5 tỉ coin mới.
Còn SHIBA INU coin (SHIB), tổng số lượng hiện nay là 1 triệu tỉ coin. Nếu các coin này lên 1 USD thì sẽ vượt cả giá trị vốn hóa của doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất hiện nay là Apple với khoảng 2.000 tỉ USD, vượt cả giá trị tất cả vàng bạc, chứng khoán, châu báu trên toàn thế giới cộng lại (khoảng 1 triệu tỉ USD).
"Điều này càng cho thấy trong 10 hay 100 năm nữa, các đồng coin này sẽ không thể đạt được mức vốn hóa như họ vẽ ra. Do đó, việc làm cho nhà đầu tư kỳ vọng như vậy là hành động độc ác, chẳng khác nào "lừa đảo", "lùa gà", làm cho nhà đầu tư tin vào những điều viển vông" - ông Khánh nói.
Không chỉ vậy, hiện đang có trào lưu tạo ra những coin liên quan đến thú nuôi như chó, mèo, heo và có cả... dê. Những coin hệ động vật này hoặc coin liên quan đến đồ ăn như sushi, sashimi... đang là "hot trend" nhưng không có tính ứng dụng gì, kể cả trong trò chơi game trực tuyến, mà chỉ là coin rác nên những nhà đầu tư chạy theo đám đông sẽ dễ gặp rủi ro lớn.
Coi chừng bị lừa
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng các nghệ sĩ chỉ nên đưa những vấn đề mà mình hiểu biết hoặc chia sẻ về đời sống. Giới thiệu những sản phẩm không được Nhà nước cho phép chính thức tại Việt Nam như tiền ảo, trong trường hợp tình ngay cũng có thể làm thiệt hại đến người đầu tư. Nếu có đơn vị đứng sau chi tiền để thuê quảng cáo thì trách nhiệm cá nhân còn lớn hơn.
"Báo chí đã cảnh báo rất nhiều. Quyết định sau cùng vẫn là nhà đầu tư, khi bỏ tiền cần tỉnh táo để tránh thiệt hại" - ông Hiển lưu ý.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo không được pháp luật bảo vệ. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Việt Nam thuộc top tham gia tiền ảo lớn nhất thế giới
Ông Phan Dũng Khánh cho hay theo số liệu không chính thức trên một số trang xếp hạng nước ngoài, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tham gia vào tiền kỹ thuật số (tiền mã hóa, tiền ảo, tiền điện tử) lớn nhất thế giới.
Theo khảo sát người tiêu dùng toàn cầu Statista năm 2020 vừa qua, Nigeria có độ phổ biến tiền ảo lớn nhất thế giới, lên đến 32%, thứ hai là Việt Nam (21%) và Philippines (20%), trong khi các quốc gia phát triển chỉ số này lại rất thấp như Mỹ (6%), Đức (5%), Nhật Bản (4%)...
Thạc sĩ Trần Kim Long (giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM):
Phải xem xét đến khả năng chịu rủi ro
Các đồng tiền mã hóa rất nhạy cảm với các thông tin và biên độ biến động cũng rất mạnh. Chẳng hạn như Bitcoin đã tăng thẳng đứng lên trên 60.000 USD/Bitcoin khi có thông tin tỉ phú Elon Musk đầu tư vào đồng này. Nhưng vấn đề là liệu xu hướng này có kéo dài đủ lâu để các nhà đầu tư theo tin có thể kiếm lời hay sẽ gánh chịu thua lỗ khi các tay to trên thị trường bán tháo?
Do đó, xem xét tỉ suất lợi nhuận thôi thì chưa đủ, mà người đầu tư cần xem xét khả năng chịu đựng rủi ro vì có thể đối mặt với khoản lỗ rất lớn. Đặc biệt, nếu là nhà đầu tư mới thì cần bổ sung kiến thức trước khi tham gia thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận