Trương Cảm giới thiệu về các loài chim, thú rừng cho một đoàn khách tham quan tại hải vọng đài ở Vườn quốc gia Bạch Mã - Ảnh: N.LINH
Hồi đó nghe Cảm từng bị kiểm lâm bắt vì tội săn bắt chim thú trong rừng nên nhiều người cũng dị nghị. Thế nhưng tôi vẫn quyết định đưa Cảm về bởi tôi tin rằng Cảm là người tốt
Ông HUỲNH VĂN KÉO
Một lần, chiếc bẫy của ông dính được một con khỉ mẹ, chân vướng vào bẫy. Tiến lại gần, Cảm thấy khỉ mẹ dù đau đớn vẫn đang cho con bú... Khỉ mẹ không tỏ ra sợ hãi mà ánh mắt như tỏ ra van xin giúp đỡ.
Trương Cảm bật khóc. Anh gỡ bẫy thả mẹ con khỉ về rừng. Từ đó, chàng trai quê xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế bỏ nghề rừng.
Từ "lâm tặc" trở thành người bảo vệ rừng
Bỏ nghề "lâm tặc", Trương Cảm về nhà làm ruộng, trồng lúa. Nhưng biệt tài gọi chim và một thời ngang dọc núi rừng của ông thì ai cũng biết.
Khi còn thiếu niên, Cảm cùng cha sục sạo khắp rừng quốc gia Bạch Mã. Bẫy chim mà không cần chim mồi vì Cảm chỉ cần chụm môi, bụm tay là kêu như tiếng của từng loài chim. Chim nghe tiếng bạn gọi sà tới, thế là dính bẫy.
Nhưng từ khi bỏ nghề rừng, ông cũng bỏ luôn "nghề" bẫy chim. Hình ảnh mẹ con nhà khỉ đánh động trong trái tim chàng trai trẻ niềm thương cảm và day dứt.
Bỗng một chiều cuối đông, một người đàn ông lạ mặt tìm đến gặp Cảm, đề nghị: "Vô rừng nuôi chim với chú không?".
Người đàn ông đó là ông Huỳnh Văn Kéo - giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã lúc bấy giờ.
Lúc đó Trương Cảm là chàng trai 17 tuổi. Giờ Trương Cảm đang là kiểm lâm của vườn.
Trong suốt 30 năm làm kiểm lâm tại Vườn quốc gia Bạch Mã - kể từ năm 1988 - không thể kể được biết bao nhiêu chiếc bẫy thú, bao nhiêu con vật mà Trương Cảm cùng đồng nghiệp đã gỡ bỏ, thả thú về rừng.
Cũng trong nhiều lần tuần tra, ông đã không ít lần gặp và cảm hóa những lâm tặc bằng chính câu chuyện thực của đời mình.
"Nhiều người nghe kể về chuyện mẹ con nhà khỉ đã bật khóc. Có người còn bẻ ngay dụng cụ đặt bẫy ngay trước mặt tôi rồi quay về nhà, không vào rừng săn bắt nữa" - Cảm chia sẻ.
"Từ lâm tặc trở thành một kiểm lâm viên quả thật là một điều may mắn của cuộc đời tôi. May mắn hơn là vào năm 1993, tôi được tu nghiệp ở Pháp. Tại đây tôi có điều kiện tiếp cận và học thêm nhiều điều về tiếng, âm vực của các loài chim" - ông Cảm kể.
"Có lần một nhóm người dùng súng hơi vào rừng bắn chim. Tôi nghe tiếng súng nổ liền giả tiếng chim để dụ nhóm người này tới và trao đổi với họ, rằng đừng bắn chim nữa".
Hiểu rừng, giữ rừng
Không chỉ thông thạo tiếng của hơn 200 loài chim, Trương Cảm còn là "từ điển sống" về các loại thảo dược, cây rừng quý hiếm mọc trong Vườn quốc gia Bạch Mã. Nào là ngũ gia bì chuyên trị ho, thổ phục linh chữa đau khớp...
"Rừng Bạch Mã là cả một kho thảo dược khổng lồ. Trong 600 loài thực vật có ở đây thì có 333 loại có thể dùng để chữa bệnh" - ông cho biết.
Trương Cảm hiện còn là chủ nhiệm của Câu lạc bộ kiểm lâm tí hon. Đây là CLB dành cho các em học sinh tiểu học trên địa bàn huyện Phú Lộc, nhằm tạo cho các em nhận thức và tình yêu rừng.
Hiện câu lạc bộ có khoảng 80 học sinh tham gia. Và chính các em là lực lượng "cảm hóa" các bậc phụ huynh, khuyên bố mẹ đừng làm hại đến rừng.
Nhớ lại thời điểm quyết định đưa Trương Cảm về để đào tạo, phục vụ trong lực lượng kiểm lâm ở Vườn quốc gia Bạch Mã, ông Kéo nói rằng đó là một trong những quyết định táo bạo của mình.
"Hồi đó nghe Cảm từng bị kiểm lâm bắt vì tội săn bắt chim thú trong rừng nên nhiều người cũng dị nghị. Thế nhưng tôi vẫn quyết định đưa Cảm về bởi tôi tin rằng Cảm là người tốt. Và tôi đã thành công.
Hiện Trương Cảm vẫn là kiểm lâm viên, đồng thời cũng đang đảm nhận chức vụ phó giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ của Vườn quốc gia Bạch Mã" - ông Kéo nói.
Khả năng kỳ lạ
Trương Cảm chúm môi gọi là chim bay tới - Ảnh: N.L.
Trương Cảm theo cha vào rừng từ nhỏ, cũng như nhiều gia đình nghèo ở vùng Phú Lộc. Vào rừng để kiếm cái ăn.
Sống với rừng, hiểu rừng và Cảm cũng phát hiện mình... hiểu chim. Anh thích tiếng hót của chim nên nhại tiếng. Nhại tới mức mỗi khi anh cất tiếng loài nào là khắp cả rừng vang lên tiếng loài chim đó.
Trương Cảm có khả năng nhại tiếng của 200 loài chim. Đợt tu nghiệp ở Pháp càng giúp anh hiểu biết nhiều hơn về các loài chim, hiểu sâu về âm vực của từng loài và ở Vườn quốc gia Bạch Mã hiện nay, anh không chỉ là một kiểm lâm viên mà còn là một chuyên gia về chim, là bạn của những người dân ở quanh vườn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận