Một khu đất tái định cư ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Phát biểu tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng sáng 7-7, đại biểu Lê Xuân Hòa cho rằng nghị định số 79 có hiệu lực nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến đối tượng được ghi nợ. Hiện vẫn còn khoảng 3.900 hồ sơ liên quan chưa giải được nợ.
Trong đó có nhiều hồ sơ nợ đất trước 7-7-2014 không làm được thủ tục do chưa xác định người đại diện, hoặc người đại diện đã chết, đi nước ngoài.
Giải thích vấn đề này, ông Trần Văn Miên - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - nhìn nhận việc nghị định 79 triển khai hơn nửa thời gian nhưng số dân đi nộp tiền số tiền sử dụng đất đang nợ còn khá ít.
Do vậy UBND TP Đà Nẵng dự định ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội cho các đối tượng này vay 200 tỉ đồng để "giải nợ" với lãi suất 4,8%/năm.
Ông Miên cũng cho biết sẽ bổ sung thêm công chức nợ tiền sử dụng đất nhưng có hoàn cảnh khó khăn.
"Thời gian gấp rút chúng tôi sẽ làm việc cụ thể 2 nội dung là đề nghị bổ sung các đối tượng được cho vay và siết chặt quy định, cho vay đúng đối tượng. Thành phố dự định sẽ ủy thác 50 tỉ đồng cho vay theo Nghị định 100 và 200 tỉ đồng cho vay giải quyết cho dân trả nợ tiền sử dụng đất", ông Miên nói.
Theo quy định tại điều 16 Nghị định 45 của Chính phủ (trước đây) về thu tiền sử dụng đất, đối với hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất thì phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm. Sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ (giá đất hiện hành).
Tuy nhiên với việc thu tiền sử dụng đất tái định cư theo giá trị hiện hành tại thời điểm trả nợ là quá cao nên người dân không đủ tiền để nộp so với mức thu nhập và gia cảnh hiện tại của họ.
Để giúp người dân có điều kiện hoàn thành việc trả nợ cho nhà nước, UBND TP Đà Nẵng đã nhiều năm có kiến nghị và đến nay Chính phủ đã đồng ý sửa đổi nghị định 45 theo hướng phù hợp với điều kiện trả nợ của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận