Phóng to |
Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Thuật vật lộn với đống phế liệu để mưu sinh - Ảnh: Hải Dương |
Vậy mà đùng một cái mọi người hay tin “sốc” rằng chị đã đem trả 10 cây (lượng) vàng trị giá hơn 400 triệu đồng cho người bị mất. Về thị trấn Quốc Oai bây giờ hỏi mười người thì có đến chín người biết chị Thuật “siêu tốt” này.
Không phải người giàu
Ngoài chiếc xe máy cũ ra, đồ đạc trong nhà chị không có thứ gì đáng giá. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên về gia cảnh, chị Thuật liền nói: “Nhà em từng thuộc diện hộ nghèo ở đây đấy. Năm năm trước em bắt đầu đi mua phế liệu, còn chồng ở nhà trông và cân hàng phế liệu. Từ đó có chút thu nhập nên không thuộc diện hộ nghèo nữa, nhưng cuộc sống vẫn còn khó khăn lắm”.
Chị Nguyễn Thị Thuật sinh năm 1970, hơn 20 năm trước chị kết hôn với anh Nguyễn Tiến Bắc (sinh năm 1969) là người cùng làng. Lấy chồng sớm, không có học vấn và nghề nghiệp ổn định, nhà chồng chỉ có vài sào ruộng. Chính vì thế cuộc sống của gia đình chị sau khi có con rất bi đát.
Cho đến khi cả hai vợ chồng có nghề ve chai rồi, ngày ngày làm quần quật bên đống đồng nát, giấy vụn thì thu nhập hằng tháng cũng chẳng quá 3 triệu đồng. Chúng tôi thắc mắc vì sao làm nghề này, gia đình chị lại là đầu mối thu gom mà thu nhập thấp thế?
Chạnh lòng khi nghe vậy, chị cho biết: “Giờ đây người ta làm nghề này cũng nhiều, cạnh tranh ghê lắm anh à! Nếu mua thấp bán giá cao ăn lãi nhiều thì sẽ chẳng ai mang bán cho nhà mình nữa. Nên chỉ được lãi chút xíu thôi”.
Số tiền làm nghề sắt vụn của cả hai anh chị vẫn chưa đủ chi phí hằng tháng cho con trai đang học năm 2 Trường đại học Xây dựng trên Hà Nội. “Học đại học giờ tốn kém lắm, mỗi tháng chi phí cho cháu lớn nhà em mất 3-4 triệu đồng, đó là chưa kể cháu bé hiện đang học lớp 5 cũng mất nhiều tiền”.
Chị hơn chúng tôi khá nhiều tuổi nhưng cứ xưng em. Sau khi một bà hàng xóm sang chơi nhà chị cũng xưng thế, chúng tôi mới hiểu rằng ở vùng này gặp người nơi khác tới dù nhiều hay ít tuổi họ đều xưng em tuốt. Khi đang cân hàng cho những người đến bán, chị cười và nói: “Tài sản của nhà em nằm hết ở ngoài sân này đấy các anh ạ!”. Tất cả sân vườn, nhà ngang, nhà bếp của gia đình chị Thuật đều được tận dụng để làm nơi chứa phế liệu.
Chuyện bình thường
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình, chúng tôi thấy có hai tấm bằng khen tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” tiêu biểu năm 2013 cho chị Thuật. Một tấm do UBND huyện Quốc Oai trao tặng, còn một tấm do UBND TP Hà Nội, đích thân Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ký tặng.
Chúng tôi rất bất ngờ về những tấm bằng khen này bởi chị chỉ làm ruộng, đi buôn bán phế liệu chứ có chiến tích từ thiện, nhân đạo gì đâu mà được thế.
Không để chúng tôi phải đợi lâu, chị nói luôn: “Úi giời! Mấy tháng trước em có trả lại người ta 10 cây vàng. Không hiểu vì sao thông tin đó đến các cấp chính quyền, rồi sau đó họ gọi em lên đấy và trao tặng mấy tấm bằng khen này. Em thấy chuyện trả lại tiền, vàng nhặt được có gì to tát đâu. Chắc ai cũng sẽ làm như nhà em thôi”.
Chúng tôi trợn tròn mắt với câu nói nhẹ tênh của chị. Vào thời điểm tám tháng trước, lúc chị vô tình lượm được 10 cây vàng khi đi mua phế liệu thì trị giá của nó là hơn 400 triệu đồng. Một số tiền mà chúng tôi nghĩ cả hai anh chị làm nghề phế liệu 10 năm tích cóp cũng không thể có được. Vậy mà chị nói như không có chuyện gì xảy ra. Chị cho biết đâu chỉ có lần trả lại vàng đó, mà chị từng trả lại người ta tiền trong “vô số lần khác”.
Chị Thuật bảo đi mua phế liệu dù có vớ được 30.000 đồng, 50.000 đồng chị cũng sẽ tìm lại người mất để trả. Trong năm năm đi mua phế liệu, chị từng nhiều lần trả lại người khác số tiền lên đến 3-5 triệu đồng. Chị Thuật bảo giàu hay nghèo đều do chính tay mình làm ra chứ không thể vui vẻ hưởng thụ những đồng tiền nhặt được của người khác.
Nhớ lại về sự kiện 10 cây vàng bỗng ở sân nhà mình, chị Thuật kể: tám tháng trước, trong một lần đi mua phế liệu xung quanh thị trấn Quốc Oai, chị được một người bán cho mấy thùng bìa cactông cũ.
Khi về đổ ra sân để phân loại, chị thấy trước mắt mình là 10 miếng vàng bốn số 9. Chị không thể nhớ đây là thùng mua của ai vì có đến mấy người bán cho mình, dù ý nghĩ trả lại vàng cho người bị mất đã xuất hiện ngay lúc đó.
Vợ chồng chị liền nhất trí với nhau phải trả lại số vàng đó cho người bị mất, nhưng không thể mang số vàng này đi hỏi từng nhà mình đã mua phế liệu vì sẽ có người nổi lòng tham nhận là của họ.
Chính vì thế, vợ chồng chị Thuật nhờ người đáng tin cậy đi nghe ngóng thông tin giúp xem khu thị trấn vừa qua có ai mất vàng không.
Sau vài ngày, mấy người kể lại rằng trên thị trấn có chị Oanh vừa bị mất 10 cây vàng. Chị Oanh đã cãi nhau với chồng vì lý do: “Vợ để vàng trong thùng bìa cactông mà chồng không biết lại đem đi bán phế liệu. Còn anh chồng nói vàng mà sao vợ để bất cẩn thế”.
Bị mất 10 cây vàng trong tình cảnh vô cùng ngớ ngẩn thế, nên chị Oanh khóc lóc suốt mấy ngày liền. Khi nghe được câu chuyện đó, chị Thuật và chồng đã mang số vàng đến nhà chị Oanh. Sau vài bước xác minh, đúng người đúng vật bị mất, chị đã quyết định trả lại vàng cho chủ nhân của nó.
Chị Oanh có biếu lại chị Thuật 2 chỉ vàng nhưng chị không nhận. Và thông tin người phụ nữ buôn bán phế liệu nghèo trả lại 10 cây vàng cho người khác đã trở thành câu chuyện “sốc” cho toàn thể dân ở Du Nghệ.
Người siêu tốt Ông Trần Văn Thắng, trưởng thôn Du Nghệ, coi chị Thuật là một người quá tốt, siêu tốt. Ông cho biết chị và chồng trả lại tiền bao nhiêu lần, rồi trả lại 10 cây vàng nhưng không cho chính quyền địa phương biết để khen thưởng, biểu dương. “Chúng tôi chỉ biết thông tin qua hàng xóm, láng giềng của chị. Người đời vẫn có câu “nhặt được của rơi xin mời đút túi”. Nhưng chị Nguyễn Thị Thuật đã chứng minh điều ngược lại, trở thành tấm gương sáng để dân chúng tôi nhắc nhở con cháu và tuyên truyền đến mọi người gần xa” - ông nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận