18/04/2016 09:37 GMT+7

Người Nhật lại vừa trải qua các cơn địa chấn kinh hoàng

D.KIM THOA chuyển ngữ
D.KIM THOA chuyển ngữ

TTO - Một nhà báo của báo Mainichi, Nhật Bản vừa gửi riêng cho Tuổi Trẻ những thông tin liên quan đến những trận động đất vừa xảy ra tại Nhật.

Binh sĩ Nhật đến từng căn hộ tìm kiếm người còn sống sót 
ở Minami - Aso ngày 17-4 - Ảnh: AFP
Binh sĩ Nhật đến từng căn hộ tìm kiếm người còn sống sót ở Minami - Aso ngày 17-4 - Ảnh: AFP

Trong đó, trận động đất chính mạnh 7,3 độ Richter xảy ra lúc 1g25 (giờ địa phương) ngày 16-4 ở độ sâu khoảng 10km dưới mặt đất tại Kumamoto, thành phố thủ phủ của tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu; và trận động đất xảy ra trước đó mạnh 6,2 độ Richter lúc 21g26 (giờ địa phương) ngày 14-4 với tâm chấn ở độ sâu khoảng 11km.

Tỉnh Kumamoto nằm ở phần cuối phía nam của đường kiến tạo giữa Nhật Bản (Japan median tectonic line), một trong những đường kiến tạo dài nhất của Nhật, đây là vị trí mà đường này chia đôi.

Những trận động đất vừa rồi xảy ra dọc theo địa hào Beppu-Shimabara với các tâm chấn di chuyển từ tây sang đông theo thời gian.

Hai trận động đất làm ít nhất 42 người thiệt mạng và làm khoảng 3.000 người bị thương. Thiệt hại nặng nề nhất xảy ra bên trong và xung quanh Kumamoto với nhiều công trình xây dựng bị đổ hoặc bị cháy.

Hơn 44.000 người phải sơ tán khỏi khu vực bị thiên tai. Trong tiếng Nhật, các trận động đất vừa rồi ở Kumamoto được gọi tên chính thức là “Heisei 28 Kumamoto earthquake”, trong đó “Heisei 28” là năm Heisei thứ 28 căn cứ theo niên hiệu hiện nay ở Nhật là Heisei, tức là năm 2016.

Sau các cơn địa chấn kinh hoàng, toàn bộ thành phố Kumamoto bị mất nước. Mọi cư dân ở Nishihara và Kumamoto đã phải sơ tán vì sợ một đập thủy điện gần đó có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Sân bay Kumamoto cũng đã dừng hoạt động, ngoại trừ một số chuyến bay khẩn cấp. Cầu Great Aso thuộc tuyến quốc lộ 325 Nhật Bản tại Minamiaso cũng đã sập xuống sông Kurokawa.

Trận động đất chính ngày 16-4 xảy ra tại tỉnh Kumamoto và các khu vực gần đó tương đương với trận động đất chết người có tên Great Hanshin xảy ra năm 1995.

Theo giáo sư địa chấn học Naoshi Hirata - trưởng Viện nghiên cứu động đất của Đại học Tokyo, mức năng lượng phát ra từ trận này nhiều gấp khoảng 16 lần so với trận động đất xảy ra trước đó cũng tại khu vực này vào ngày 14-4.

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), trong khoảng thời gian giữa trận động đất chính, đã có tổng cộng 252 dư chấn ở hai khu vực Kumamoto và Aso của tỉnh Kumamoto.

Tại tỉnh Oita cũng ghi nhận một trận động đất có độ mạnh cấp 1 hoặc cao hơn theo bảng phân cấp cường độ động đất mức độ từ 1-7 của Nhật Bản.

JMA cho rằng các trận động đất ở ba khu vực này có nguồn gốc khác nhau, nhưng chuyên gia Gen Aoki - người đứng đầu bộ phận theo dõi động đất, sóng thần của JMA - cho rằng: “Kể từ lúc trận động đất chính xảy ra tại vùng Kumamoto, đã có thêm hoạt động địa chấn tăng cường tại các tỉnh Kumamoto và Oita. Tôi nghĩ trận động đất chính đã gây ra một số tác động”.

Tất cả những khu vực xảy ra động đất (các vùng Kumamoto và Aso của tỉnh Kumamoto và vùng trung tâm tỉnh Oita) đều nằm trong hoặc gần vùng đứt gãy Beppu-Shimabara.

Đây là khu vực mà những thay đổi trong vỏ Trái đất có thể dễ dàng gây ra những cong vênh trong cấu trúc địa tầng.

Người ta chưa thấy những đường đứt gãy nghiêm trọng ở vùng Aso, nhưng gần nơi phát sinh các trận động đất ở tỉnh Oita có một phần thuộc khu vực đường đứt gãy Beppu-Haneyama, đường này còn mở rộng tới biên giới với tỉnh Kumamoto.

Takashi Furumura, một giáo sư địa chấn học khác thuộc khoa nghiên cứu động đất của Đại học Tokyo, nói: “Khi một đường đứt gãy lớn riêng lẻ xảy ra, trận động đất đầu tiên phát sinh từ đó sẽ là trận động đất chính. Tuy nhiên lần này trận động đất xảy ra ở khu vực có cấu trúc gồm nhiều đường đứt gãy phức tạp chạy nối tiếp nhau, do đó có thể dẫn tới hiện tượng trận động đất xảy ra sau mới là trận động đất chính. Có khả năng sẽ còn có một dư chấn lớn hơn những trận chúng ta đã thấy, vì vậy rất cần cảnh giác”.

KATSUYOSHI SEIMIYA
(báo Mainichi, Nhật) viết riêng cho Tuổi Trẻ

Chạy đua cứu hộ

Lực lượng cứu hộ Nhật tiếp tục nỗ lực tối đa trong ngày hôm qua để tìm kiếm những người còn sống sót, trong mối lo xuất hiện những vụ lở đất có thể làm cản trở công tác cứu người. Mưa lớn vào tối 16 rạng sáng 17-4 càng khiến kết cấu bùn đất vốn yếu đi sau động đất có khả năng dễ lở hơn.

Tính đến hôm qua có thông tin 11 người được thông báo còn mất tích. Lực lượng không quân Mỹ có thể sẽ nhanh chóng tiếp ứng cho việc cứu hộ ở miền nam nước Nhật.

Nhật nằm ở điểm giao của bốn mảng kiến tạo lớn nên hằng năm hứng chịu hơn 20% số trận động đất lớn trên thế giới. 

TÚ ANH

D.KIM THOA chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên